Ở Xã Đắk-Rơ-Wa (thị xã Kon Tum) đang tồn tại hủ tục rùng rợn - chôn sống con theo mẹ mà người vùng cao gọi là "dọ-tơm-amí" và một tục lệ lạ kỳ… bú vú kết nghĩa.
Đường vào các buôn làng ở xã Đắk-Rơ-Wa |
1. Chiều ở làng Kon JơDri hoang sơ đến lạ. Những cơn gió phóng đãng từ rừng già đi qua dòng sông Đắk Bla theo tiếng cư dân bản địa có nghĩa "dòng sông ăn thịt người" thổi thốc vào từng con đường mòn ăn sâu vào những nhà dân, mang theo lá mục và tung bụi mịt mù khiến không gian càng thêm phần u uẩn. Lần trở lại này, tìm mãi nhưng chúng tôi không gặp được chị Y Don ở làng Kon K'tu 2 để "bắt" chị thực hiện lời hứa kể nhiều chuyện hơn về hủ tục "dọ-tơm-amí".
Bé Pi-an, đứa trẻ may mắn thoát khỏi hủ tục chôn sống theo mẹ được nuôi dưỡng ở Mái ấm Vinh Sơn 1 - Kon Tum.
Y Don từng may mắn thoát khỏi hủ tục hãi hùng nhờ tình yêu thương của dân làng Kon JơDri cứu sống nên chị rất rành rẽ chuyện liên quan đến hủ tục quái gở kia. Lần trước vì không có nhiều thời gian nên Don hứa lần gặp sau sẽ "đãi" chúng tôi chuyện về những đứa trẻ như chị từng thoát chết trong đường tơ kẻ tóc bởi hủ tục bạo tàn. Cùng đó là rất nhiều câu chuỵên thấm đẫm tình người về các sơ ở dòng tu Ảnh Phép Lạ khi bao năm qua đã lặng lẽ đấu tranh với hủ tục, cứu sống nhiều đứa trẻ cận kề cái chết bởi hủ tục quái rợ!
Không gặp Y Don nhưng chúng tôi may mắn gặp lại cụ M'Lang, 78 tuổi, ở làng Kon Klor. Từ cụ M'Lang và một số người già khác, bên cạnh nỗi hãi hùng của hủ tục năm xưa trở về, trong những chuyện của ngày xưa ấy các người già ở Đắk-Rơ-Wa đã bật mí một luật tục, đúng hơn là mỹ tục mà nếu cha mẹ của đứa trẻ lúc còn chưa dứt sữa thực hiện thì nếu có chuyện không hay xảy ra với họ (người mẹ) thì đứa trẻ sẽ không bị chôn sống theo hủ tục. "Muốn như vậy phải thực hiện lễ kết nghĩa. Không kết nghĩa với thần thì kết nghĩa với người. Muốn kết nghĩa với người phải bú vú thôi" - cụ Siu P'Lei, người mà sau này chúng tôi gặp tại xã Ialy, huyện Chư Pảh, Gia Lai, từng có thời gian sinh sống ở Kon-Rơ-Wa, bật mí.
Tâm tình trên của các cụ già đã dẫn dắt, đưa chúng tôi quay trở ngược về quá khứ tìm hiểu những nghi lễ của tục kết nghĩa của các tộc người vùng cao, trong đó có tục bú vú kết nghĩa mẫu tử (hoặc phụ tử) của người Bana mà theo chia sẻ của cụ M'lang và một số người già khác chủ yếu nhằm mục đích bảo vệ đứa trẻ thoát khỏi hủ tục "dọ-tơm-amí".
Cần nói rõ rằng người Bana theo đa thần giáo, họ tin thờ nhiều vị thần như Thần sấm sét, Thần lúa, Thần nước, Thần núi, Thần sông, Thần cây, Thần ghè (đựng rượu, người Jrai thường gọi ché)… và gọi chung các vị thần ấy là Yang. Vì tin các thần có nhiều quyền năng, ai được thần quan tâm, "dòm ngó" sẽ có được sức mạnh của loài hổ, có lúa gạo đầy bồ, có nhiều của cải… nên đi đâu, làm gì, gặp trở ngại gì người Bana đều dâng lễ vật và cầu khấn các Yang. Và tùy lĩnh vực mà họ khấn cầu vị thần phù hợp. Ví như muốn được mùa thì cầu Thần lúa (Yang Sơri), muốn chặt cây rừng để làm hòm độc mộc hoặc thuyền độc mộc (khoét lõi cây khổng lồ làm áo quan hoặc thuyền) thì phải xin Thần cây (Yang Long)…
Vì tôn sùng các thần một cách tuyệt đối nên từ ngàn xưa, người Bana đã hình thành tục lệ kết nghĩa với thần linh với ước mong được các thần bảo hộ ban cho sức mạnh, sự giàu sang quyền quý cũng như tránh nạn chết xấu (chết đuối, chết do đá lở, cây đè, hổ vồ, rắn cắn…). Già Y Sáo, ở làng Kon Klor giải thích cặn kẽ lý do vì sao mà gần 50 năm trước, già khi ấy còn là người đàn ông khỏe mạnh, có vợ và 3 con, đã làm lễ kết nghĩa với Thần lúa: "Một đêm nằm ngủ, mình thấy thần hiện thân là đứa trẻ đến thăm, tặng cho mình lưỡi cuốc… Rồi mình và thần nói chuyện rất lâu. Khi đi, thần nắm tay mình bảo từ đây là cha con. Tỉnh dậy mình đã nhờ bơjâu (thầy cúng) làm lễ kết nghĩa".
Người Bana tin: một người khi nằm mơ thấy thần là người có số mạng lớn. Khi được bơjâu làm lễ kết nghĩa cha con hoặc anh em với vị thần bảo hộ rồi thì thân nhân của người được thần kết nghĩa ấy cũng là người thân của thần nên cũng được thần quan tâm, giúp đỡ. Già Y Sáo bật mí cho chúng tôi biết rằng, nếu nằm mộng thấy kết nghĩa với Thần sấm sét (Bok Glaih) sẽ được ban cho sự giàu có và sống lâu, kết nghĩa với Thần nước (Yang Đak) thì không lo bị chết đuối, có nhiều cá ăn và không lo bị hư hại nhà cửa, ruộng rẫy do lũ lụt…
Chúng tôi hỏi già Y Sáo: Khi kết nghĩa với Thần lúa rồi già có bội thu trong việc thu hoạch mùa màng, ông cười bảo lúc đầu cũng được mùa nhưng sau đó do nắng hạn, rồi do con khỉ, con heo vào rẫy phá hoại nên lúa vừa hạt lép, thu hoạch chẳng đầy gùi (mất mùa). "Nếu không được mùa thì thần không còn bảo hộ mình nữa. Thần không bảo hộ do có ai đó trong dòng họ làm thần buồn lòng" - già Y Sáo, tin như vậy!
Nghi thức kết nghĩa với thần linh của người Bana khá đơn giản. Khi muốn là anh em, cha con với các vị thần, người ấy phải mổ trâu, phải tốn nhiều ghè rượu để cúng thần và đãi làng. Đây chính là một phần rào cản của việc con người kết thân với thần linh. Bởi có người trong hoàn cảnh nghèo khó khi thấy thần hiện về hỏi thăm, tặng quà, nói chuyện kết nghĩa nhưng khi tỉnh dậy đã giấu nhẹm chuyện này, chẳng dám kể với ai vì sợ… phải tiến hành nghi thức kết nghĩa tốn kém!
2. Từ câu chuyện người trần tục kết nghĩa với các vị thần, chúng tôi dần chuyển sang tục kết nghĩa giữa các thành viên trong cộng đồng với nhau nhằm mục đích tìm hiểu cặn kẽ ý nghĩa mối quan hệ của tục lệ này với hủ tục chôn sống trẻ sơ sinh. Những người già cho biết bao đời qua, người Bana kết nghĩa anh em, cha con, mẹ con hay kết nghĩa thành anh chị em với nhau vì nhiều lý do như để được thân mật hơn, hoặc giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Nhưng thường thì khi ông bố bà mẹ nào đó đồng ý cho con mình làm con người khác và ngược lại thì họ nhằm mục đích mong cho con có người đỡ đầu, để con không phải gánh chịu cái hủ tục "dọ-tơm-amí" nếu chẳng may mẹ hoặc vợ mình qua đời khi đứa con còn chưa dứt sữa mẹ.
Cụ Siu P'Lei đang kể chuyện chôn sống trẻ sơ sinh và tục… bú vú.
Để thực hiện việc kết nghĩa nhận con ấy, đầu tiên ông bố và mẹ của đứa trẻ phải bàn bạc, cùng đồng thuận rồi nhờ người “mai mối” hoặc đến gặp cặp vợ chồng nào đó mà họ có ý định kết thân để trao gửi con cho nhau. Cụ bà Y M'lang cho rằng, thường thì hai gia đình muốn kết nghĩa nhận con với nhau phải cùng khá giả, cùng có của ăn của để bởi có như thế thì khi một trong hai gia đình gặp hữu sự, ví như mẹ ruột của đứa trẻ còn chưa dứt sữa chết thì bố mẹ nuôi của nó mới có điều kiện chăm lo cho nó đến khi biết chạy nhảy, biết nghĩ suy! "Nếu hai gia đình đồng ý thì cùng hẹn ngày làm lễ bú vú" - cụ bà M'lang cho biết.
Cũng theo cụ, lễ vật làm lễ do phía người làm con sắm sửa. Bình thường thì có gà rượu, người khá giả hơn thì mổ thêm heo mang đến nhà cha (mẹ) làm lễ.
Nghi thức của lễ bú vú xem ra rất đỗi kỳ lạ nhưng không đến độ trần tục như người ta nghĩ. Nghĩa là không có chuyện đứa trẻ sẽ vục đầu vào ngực người mẹ hay người cha mà nó sẽ kết nghĩa… bú lấy bú để!
Các già làng kể: Hôm diễn ra lễ bú vú, trước tiên gia đình hai bên cùng nhau thịt heo mổ gà rồi lấy máu trộn lẫn với rượu. Xong rồi người nhận làm cha (hoặc mẹ) của đứa trẻ kết nghĩa sẽ để mình trần đứng một bên và mặc cho người làm môi giới cầm bát rượu hòa máu con vật hiến sinh đứng sau lưng đổ từ vai xuống ngực cho đứa con kết nghĩa há miệng dưới vú hớp uống nước ấy với sự hỗ trợ của người cha (hoặc mẹ) nuôi bằng cách dùng hai tay ôm lấy cổ đứa con kết nghĩa.
Chỉ đến khi người môi giới đổ hết chén rượu thì nghi thức bú vú mới kết thúc. Lúc này hai gia đình kết nghĩa sẽ cùng đến bên ghè rượu, cùng lấy gan con vật hiến sinh và cùng khấn thề với hàm ý thông báo cho các vị thần biết chuyện và mời các thần uống rượu, ăn gan những con vật hiến sinh như một cách thể hiện sự quan tâm, giúp đỡ cho cha con (hoặc mẹ con) kết nghĩa được sức khỏe, sống lâu, sống thuận hòa đến đời con cháu. Cũng cần nói thêm rằng, trong quá trình đổ rượu hòa máu ấy, người môi giới vừa đổ rượu vừa khấn xin các thần phù hộ cho tình phụ tử hoặc mẫu tử của hai gia đình kết nghĩa được bền chặt, cùng ăn ở thuận hòa, cùng yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, ai làm trái, sống sai sẽ bị các thần làm hại!
Đến đây thì nghi lễ bú vú xem như khép lại. Mọi người cùng ăn uống, trò chuyện vui vẻ với nhau. Và sau nghi lễ này vài tháng, đến lượt người cha (hoặc mẹ) sẽ sắm lễ vật đãi lại đứa con kết nghĩa với luật lệ bắt buộc lễ ấy phải trọng (nhiều) hơn lễ của con, ví như gia đình con giết heo thì họ mổ bò. Lúc này chỉ là nghi thức đãi ăn chứ không hành lễ và kết thúc buổi giao hảo ấy, bố (mẹ) đứa trẻ mà họ nhận kết nghĩa còn phải tặng cho nó vật quý làm kỷ niệm, thường thì cái phèng la (như cồng chiêng) hay ghè rượu.
Quanh nghi thức đổ rượu hòa máu vật hiến sinh trên cơ thể người cha (hoặc mẹ) cho đứa trẻ họ nhận kết nghĩa hớp bú, chúng tôi hỏi những người già nghi thức ấy hàm chứa ý nghĩa gì. Già Y Sáo, từ tốn giải thích rằng, máu hòa rượu kia chính là "sữa" và người ta chỉ có thể là mẹ con (hay cha con) với nhau khi đứa trẻ bú sữa đấng sinh thành của nó.
Sơ Y Lán - mái ấm Vinh Sơn 3, người hết lòng với nhiều đứa trẻ phải gánh chịu những hà khắc của hủ tục.
Câu chuyện bú vú kết nghĩa của người Bana thật đẹp và đáng yêu làm sao. Dù có một số ý kiến cho rằng hủ tục "dọ-tơm-amí" hầu như không tồn tại trong cộng đồng người Bana nhưng qua những chuyến điền dã của chúng tôi, mới thấy hủ tục này dường như không bỏ qua tộc người thiểu số nào vốn dĩ sinh sống lâu đời ở 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Và dường như để tuyên chiến với hủ tục ấy, tổ tiên người Bana đã khai sinh ra tục kết nghĩa để bảo vệ những đứa trẻ chẳng may mất mẹ.
Hẳn nhiên đây là thiển nghĩ của chúng tôi, thực hư của điều này như thế nào có lẽ chỉ những nhà nghiên cứu văn hóa, các chuyên gia về dân tộc học mới có câu kiến giải cụ thể. Và khi chưa tìm được đáp án chính xác của mỹ tục bú vú kết nghĩa kia, chúng tôi xin nhắn gửi một thông điệp rằng tục ấy đã khép lại từ lâu. Và vì đây là mỹ tục đẹp nên rất cần được "phục hồi" để tô đậm thêm những nét son trong luật tục của tộc người Bana nói riêng, các tộc người trên đất Tây Nguyên nói chung vốn dĩ đang ngày càng bị mai một bởi sự xâm lấn thô bạo của nhiều luồng văn hóa ngoại lai.
Ai sẽ làm điều đó?
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%