Ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan được xem là hai thị trường có số lượng lao động VN đông nhất hiện nay với mức thu nhập khá cao, từ 20-30 triệu đồng/tháng.
|
Tuy nhiên, cả Hàn Quốc và Đài Loan đang xem xét hạn chế việc tuyển dụng lao động VN và có khả năng đóng cửa có thời hạn hoặc tạm dừng thực hiện các ký kết thỏa thuận giữa hai bên do tỉ lệ lao động bỏ trốn ngày một tăng.
Nguy cơ tạm dừng
Với thị trường Hàn Quốc, từ cuối năm 2011 đã phát sinh vấn đề người lao động bỏ trốn ngày càng tăng sau khi kết thúc hợp đồng lao động. Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, đến năm 2011 tỉ lệ lao động VN bỏ trốn tại Hàn Quốc đã lên tới 48%, cao nhất trong 15 nước có lao động ở đây. Từ tỉ lệ này, phía Hàn Quốc đã buộc phải ngưng kỳ kiểm tra tiếng Hàn theo định kỳ vào tháng 8/2011 và buộc VN phải có những động thái để giảm tỉ lệ lao động bỏ trốn. Đến tháng 12/2011, Hàn Quốc đồng ý cho mở lại kỳ kiểm tra tiếng Hàn vì VN đã đưa ra những giải pháp cam kết giảm dần tỉ lệ lao động bỏ trốn.
Lao động Việt Nam làm việc tại một nhà máy cơ khí ở Đài Loan - (Ảnh: Hồ Văn)
Tuy nhiên, từ đó đến nay các giải pháp thực hiện theo cam kết với phía Hàn Quốc được VN triển khai không những không có hiệu quả mà tỉ lệ lao động bỏ trốn còn tăng từ 48% lên 54% trong quý 1/2012. Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH mới đây cho biết trước tình hình trên, Bộ Việc làm và lao động Hàn Quốc đang áp dụng chính sách hạn chế số lượng hồ sơ tuyển dụng của lao động VN, đồng thời xem xét khả năng tạm dừng tiếp nhận lao động VN có thời hạn hoặc tạm dừng thực hiện thỏa thuận giữa hai bên về “đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS”.
Còn với thị trường Đài Loan, báo cáo từ Cục Quản lý lao động ngoài nước cho thấy nguy cơ phía Đài Loan sẽ hạn chế tiếp nhận lao động VN đang hiện hữu. Nguyên do là lao động VN bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp số lượng lớn và ngày càng tăng. Theo báo cáo này, lao động VN bỏ trốn tại Đài Loan tăng nhanh từ năm 2003 đến nay, bình quân khoảng 6.600 lao động bỏ trốn/năm (550 lao động/tháng).
Do thu phí quá cao
Thực tế các nguyên nhân khiến cả Hàn Quốc và Đài Loan có thể đóng cửa thị trường không tiếp nhận lao động VN do tỉ lệ bỏ trốn ngày càng tăng là đúng nhưng chưa đủ.
Trong một cuộc họp với Bộ LĐ-TB&XH tại TP.HCM, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã cảnh báo nhiều người lao động nghèo để qua được Hàn Quốc và các thị trường khác đều phải đóng phí môi giới cho các cò lao động gấp 5-10 lần phí quy định, có nơi người lao động phải cầm cố nhà cửa để vay ngân hàng đóng tiền.
Riêng chương trình EPS (chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài vào làm việc tại Hàn Quốc) mà phía Hàn Quốc ký với VN từ năm 2004 cũng tạo cơ hội tiêu cực cho các địa phương ngay từ khoảng thời gian đầu thực hiện. Đó là việc Bộ LĐ-TB&XH giao chỉ tiêu số lượng về cho các địa phương tuyển dụng, từ đó tạo ra cơ hội kiếm tiền cho các cò lao động và thậm chí là các trung tâm giới thiệu việc làm. Có những lao động phản ảnh với đoàn khảo sát của Quốc hội họ phải đóng cả trăm triệu đồng cho một suất đi lao động Hàn Quốc. Từ đó, khi sang được Hàn Quốc, người lao động trong ba năm hợp đồng cũng chỉ đủ tiền vốn ra đi và trả lãi cho ngân hàng, và họ chọn giải pháp tiêu cực là trốn lại khi hết hợp đồng để kiếm thêm tiền vì cơ hội đi lần hai cực kỳ khó.
Còn với thị trường Đài Loan, mức phí của người lao động VN trung bình 5.600-6.000 USD, có một số lao động bị thu đến 6.500-7.000 USD/người/lần đi lao động. Trong đó phần chênh lệch 1.800 - 2.500 USD, cao hơn quy định chính là phần tiền môi giới bị tăng cao. Mức chi phí này cao hơn so với chi phí của lao động Thái Lan, Philippines và Indonesia.
Khó cứu vãn tình thế...
Báo cáo mà Bộ LĐ-TB&XH chuẩn bị gửi Thủ tướng Chính phủ về “tình hình lao động VN tại Hàn Quốc” có một số đề xuất giải pháp như: bộ sẽ phối hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Hội Nông dân VN, Hội liên hiệp Phụ nữ VN chỉ đạo các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể tại địa phương tăng cường thông tin tuyên truyền, vận động người lao động đang cư trú bất hợp pháp và người lao động sắp kết thúc hợp đồng lao động tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn. Tiếp tục làm việc với phía Hàn Quốc để hai bên tăng cường phối hợp trong công tác quản lý lao động tại Hàn Quốc, sửa đổi một số chính sách liên quan đến người lao động (về chi trả trợ cấp thôi việc, bảo hiểm hưu trí...)... Tuy nhiên, những giải pháp này khó khả thi vì đây cũng chính là những giải pháp mà phía VN thực thi kể từ khi bị ngưng kỳ kiểm tra tiếng Hàn vào tháng 8/2011 đã không có kết quả.
Còn với thị trường Đài Loan, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra các giải pháp như: quy định các doanh nghiệp, tổ chức đưa lao động qua Đài Loan không được thu phí người lao động quá 4.500 USD/người; các doanh nghiệp tổ chức trong nước không được cho các tổ chức nước ngoài thuê tư cách pháp nhân để tư vấn, tuyển chọn và thu phí người lao động; hạn chế việc thành lập chi nhánh, tổ chức đại diện... Tuy nhiên, theo một giám đốc doanh nghiệp từng đưa lao động đi Đài Loan, hiện nay các tổ chức nước ngoài (chủ yếu là Đài Loan) đã hoàn toàn lũng đoạn thị trường này trong việc tư vấn, tuyển chọn và thu phí người lao động nên khó mà thay đổi cách làm như hiện nay.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?