Khám phá môn tennis tại Olympic

Không phải tay vợt nào cũng có thể dự Olympic.

Môn tennis thậm chí là một trong 8 môn thi đấu tại Olympic lần đầu tiên tổ chức năm 1896 tại Athens. Trong kỷ nguyên Mở, môn tennis trở lại từ Olympic 1968 nhưng chỉ đóng vai trò là môn biểu diễn và chỉ đến năm 1988 mới chính thức là môn thi đấu giành huy chương tại Thế vận hội mùa Hè. Để tham dự Olympic những tay vợt phải đảm bảo rất nhiều tiêu chí, khác hẳn với những giải đấu khác, dù môn tennis tại Olympic 2012 cũng nằm trong hệ thống các giải đấu của ATP và WTA.

Đối với nội dung đơn nam và đơn nữ, 56 tay vợt hàng đầu thế giới trong BXH ATP và WTA công bố ngày 11/6/2012 hội tụ đủ điều kiện dự Olympic. Tuy nhiên, mỗi nước cũng có giới hạn số tay vợt tham dự không quá 4 tay vợt. Ví dụ như Tây Ban Nha tại BXH ngày 11/6 có tới 9 tay vợt nằm trong top 56 nhưng chỉ có 4 tay vợt được tới Olympic gồm Nadal (2), Ferrer (6), Almagro (11), Verdasco (16). Sau đó Nadal tuyên bố không tham dự và thế vào đó là Lopez (17).

Ngoài ra, các tay vợt phải đảm bảo tham dự trong thành phần đội tuyển Davis Cup và Fed Cup của nước mình ít nhất trong hai năm nằm giữa hai kỳ Olympic  2008 và 2012, trong đó ít nhất có một mùa giải 2011 hoặc 2012. Đó là lý do một số tay vợt đến mùa giải 2012 bất ngờ trở lại thi đấu cho đội tuyển Davis Cup và Fed Cup để đủ “điều kiện” dự Olympic.

Kohlschreiber không được dự Olympic vì điều kiện quá cao của quốc gia

Có một chi tiết đặc biệt là các tay vợt dự Olympic ngoài việc đảm bảo đủ các điều kiện trên còn phải thỏa mãn những yêu cầu từ Ủy ban Olympic quốc gia của nước mình. Như tại Đức, tay vợt muốn tới Olympic phải nằm trong… top 23 thế giới và quy định khắt khe này khiến cho những tay vợt nam như Florian Mayer (29), Philipp Kohlschreiber (35) trong BXH ATP ngày 11/6 cũng không thể có mặt tại London. Hay như Thụy Điển cũng quy định chỉ có tay vợt trong top 8 mới được dự Olympic , một điều kiện “không tưởng”.

Ngoài 56 tay vợt kể trên thì còn 8 suất còn lại sẽ được phân bổ cho Liên đoàn quần vợt thế giới ITF (6 suất) và Ủy ban Olympic quốc tế IOC (2 suất) để dành cho các tay vợt trong hệ thống ITF và ở các quốc gia nhỏ có nền tennis còn kém phát triển.

Trong nội dung đôi, 24 đôi vợt (cùng một quốc gia như anh em nhà Bryan) đứng đầu trên BXH ngày 11/6 có đủ điều kiện tham dự Olympic nhưng mỗi nước chỉ có tối đa hai đôi vợt tham dự. Nếu như đôi vợt không phải cùng quốc gia thì trong số 10 tay vợt đứng đầu BXH đôi hiện tại có thể tùy chọn người đánh cặp bất kỳ. Còn lại 8 đôi vợt khác sẽ do ITF quyết định, như trường hợp bảo vệ huy chương vàng của Federer và Wawrinka, dù cả hai không thường xuyên thi đấu ở nội dung đôi tại các giải ATP (Wawrinka xếp thứ 159 nội dung đôi, còn Federer là thứ 1273 tại BXH ngày 11/6).

Federer và Wawrinka sẽ bảo vệ chiếc HCV đôi nam

Nội dung đôi nam nữ được đưa vào nội dung thi đấu chính thức kể từ năm 1924. Chỉ có 16 đôi vợt tham gia thi đấu và các quốc gia phải đảm bảo tổng số tay vợt tham gia đánh đơn và đánh đôi không vượt quá 6 người (một người có thể tham dự nhiều nội dung).