'Huyền thoại' việt dã Trần Thị Soa
Thứ năm, 24/10/2013 22:28

Cầu thủ các lứa của “lò” sông Lam đã quá quen thuộc với hình ảnh một người phụ nữ khắc khổ dọn vệ sinh, nhổ cổ trên sân Vinh.

Chị Trần Thị Soa trên đường chạy

Chị Trần Thị Soa trên đường chạy

Rất nhiều người hâm mộ từng mua vé bóng đá của chị. Chắc họ sẽ không thể tin rằng, đó từng là một huyền thoại thể thao, người từng dự Olympic 1980 trên đôi chân trần, cũng như vượt qua biết bao sự nghiệt ngã của số phận…

Cô gái phá bom đến Olympic trên đôi chân trần

Sinh năm 1952 trên mảnh mảnh đất Can Lộc, Hà Tĩnh, chưa đi hết tuổi thơ thiệt thòi thì chị Trần Thị Soa đã gặp phải nỗi đau mất mẹ, phải cáng đáng gánh nặng cùng cha lo cho ba em, mà út nhất mới chỉ tám tháng tuổi. Khi cảnh nhà đã đỡ khổ, các em lớn hơn một chút, năm 21 tuổi, chị Soa viết đơn xin tham gia Thanh niên xung phong, cùng các đồng đội hồn nhiên với cảnh “ngủ ngày chân lấm” miễn sao “phá nhiều bom nổ chậm”.

Là người khỏe, xông xáo nhất đơn vị nên lúc Hà Tĩnh tổ chức giải việt dã tỉnh 1972, chị được cử đại diện dự tranh cho đảm bảo phong trào. Đã biết thể thao với việt dã mô tê gì với chân đất, chị cứ nhằm thẳng mà chạy theo bản năng, để rồi cán đích với khoảng cách cả chục mét so với người về sau. Sau đó vào đội tuyển tỉnh chuẩn  bị giải toàn quốc, song cũng chỉ có thời gian vài ngày để chuẩn bị trước. Vậy nhưng bà cũng “ẵm” luôn ngôi á quân, trở thành một hiện tượng lạ với giới chuyên môn. Vẫn cứ là “cô gái mở đường” suốt đêm ngày, chỉ được tập trung huấn luyện theo các đợt ngắn hạn, nhưng vận động viên Trần Thị Soa liên tục đột phá, nhanh chóng trở thành “chân chạy” nữ hay nhất nước.

Suốt sáu năm, từ 1974 đến 1980, Trần Thị Soa không có đối thủ, chiến thắng tuyệt đối trên đường chạy việt dã quốc gia, chỉ bằng đôi chân trần. Hơn thế, chị còn đoạt thêm 10 huy chương vàng toàn quốc các nội dung 800 m và 3.000 m. Ngay cuộc bầu chọn vận động viên tiêu biểu toàn quốc lần đầu tiên (1978), Trần Thị Soa đã đứng đầu trên bảng vinh danh, rồi cũng là tuyển thủ đầu tiên được ngành thể thao chọn vào danh sách dự tranh Olympic 1980.

Nhà vô địch thành nhân viên dọn vệ sinh, trông xe, nhổ cỏ, bán vé

Khổ từ nhỏ, những tưởng những kỳ tích thi đấu có thể giúp Trần Thị Soa có thể “đổi đời” phần nào, nhưng nghịch lý là chính thể thao lại khiến chị lao đao cả đời, thậm chí lâu nay còn bị xem là “biểu tượng buồn” cho số phận của các vận động viên sau khi giải nghệ.

Từ vinh quang, chị đã trở lại cuộc sống thường nhật với hai bàn tay trắng: không bằng cấp, không vốn liếng, không nhà cửa. Trầy trật mãi, có lúc định về quê làm nông, niềm tự hào của thể thao Việt Nam mới được người ta bố trí cho một công việc “văn phòng”, thực chất là lo tạp vụ, vệ sinh, cắt cỏ sân vận động Vinh, tưởng như “tạm thời” mà rốt cuộc “bám riết” lấy chị mãi, khi mà những lời hứa hẹn, cam kết này nọ nhanh chóng đi vào lãng quên.

Lập gia đình muộn với  một lái xe cùng cảnh khổ, cũng phải mấy năm, vợ chồng chị mới được phân một căn hộ tập thể vỏn vẹn 30 m vuông, ngay sau đoàn bóng đá Sông Lam, cứ hễ nắng thì cực nóng, mưa lại dột.

Bồi hồi nhớ lại kỷ niệm cũ

Đã thế, ông trời cũng lại chẳng thương người khổ, tiếp tục giáng bất hạnh lên đầu vợ chồng chị. Sinh được ba con, riêng cậu con trai đầu lòng đang khỏe mạnh, đến bảy tuổi đột nhiên lăn ra ốm, rồi sinh ra liệt chân tay, nằm đâu nằm đấy, dù bố mẹ đã chạy khắp nơi chữa trị. Suốt cả chục năm nay, bao nhiêu công sức, tiền của của hai vợ chồng đều đổ vào cho con, nhưng rốt cuộc đều vô hiệu.
Song tất cả những bất hạnh, khốn khổ đã không thể khiến tuyển thủ Olympic quỵ ngã. Chị đã luôn thể hiện nghị lực phi thường, làm chỗ dựa cho cả nhà vượt qua mọi sóng gió. Trong đó, người dân khắp hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, ai cũng biết kỳ tích của Trần Thị Soa, hai năm cặm cụi đi mót gạch, ngói vỡ để đóng đủ 1.000 viên gạch để xây nên ngôi nhà cấp bốn nhỏ đằng sau sân Vinh.

Mơ ước cuối cùng

Tiếng là nghỉ hưu song bây giờ hàng ngày chị Trần Thị Soa vẫn có mặt tại sân Vinh từ sang sớm cho đến tối mịt và làm không ngơi tay với các công việc quen thuộc mấy chục năm nay. Khoản lương hưu cùng thu nhập nhân viên hợp đồng cũng đủ giúp chị trang trải cuộc sống.

Nỗ lực vượt lên số phận của chị cũng đã được đền đáp, hai người con đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, riêng cô út đang làm huấn luyện viên của đội điền kinh tỉnh, như để bù đắp phần nào nỗi buồn trước sự ra đi của cậu con trai cả xấu số cách đây ba năm.
Chân chạy việt dã huyền thoại ngày nào chẳng hề oán trách hay nuối tiếc gì cả, coi như cái số mình nó thế, mà quan trọng đã luôn vượt lên. Điều duy nhất mà người phụ nữ can trường còn canh cánh là ước mơ có một mảnh đất hay một căn nhà riêng, nhỏ thôi, cũng chẳng để cho mình mà sau này con cháu có chỗ thờ tự. Căn nhà hiện chị đang ở cùng cậu con trai thực ra vẫn là của ngành thể thao cho mượn, nếu có được bán lại với giá ưu tiên nhất cũng vượt quá khả năng của chị. Đáng nói, dù đóng góp có thừa nhưng chiểu theo các quy định, chị chẳng hề thuộc diện được cấp đất hay mua nhà giá rẻ.

Xem ra, mơ ước cuối cùng của nhà vô địch chân đất cũng chỉ là ước mơ.

Cả đời chỉ 1 lần chạy giày

Olympic 1980 là lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong sự nghiệp, Trần Thị Soa đã tranh tài với đôi giày đinh đạt tiêu chuẩn quốc tế, trên đường chạy 1.500m. Trong tiếng cổ vũ “Việt Nam, Việt Nam” đầy thân thương của các khán giả Xô Viết, tuyển thủ 29 tuổi đã chạy rất tốt. Dẫu vẫn chỉ lọt vào tới vòng 2, song thành tích của chị cũng đã vượt xa KLQG. Trước đó, chị đã mất cả nửa năm chỉ để thay đổi thói quen chạy chân đất, có thể bắt đầu tạm “làm chủ” được đôi giày đinh dưới đôi chân của mình.

33 năm 1 lần được quay lại Thủ đô

Nhiều người bất ngờ khi biết rằng, kể từ sau khi dự tranh Olympic 1980, cựu tuyển thủ Trần Thị Soa đã ngay lập tức trở thành người “ngoài lề” của thể thao Việt Nam, thậm chí, cuộc sống khổ sở đã khiến chị xa lạ với những điều tưởng như quá đơn giản, bình thường. Vì nhiều lý do nên chị chỉ được học đến lớp 7. Ngay cả một lần được ra lại Thủ đô, tái ngộ các đồng đội cũ cũng là cả một giấc mơ với chị. May nhờ Liên đoàn điền kinh Việt Nam tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập vào tháng 11/2012 mơ ước này mới thành hiện thực.

 

Thethaovanhoa.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: Trần Thị Soa , Huyền thoại việt dã , Chạy chân trần , Thể thao Việt Nam