Huyền thoại về dòng sông chảy ngược chốn đại ngàn (Kỳ 1)

Sêrêpốk là dòng sông hiếm hoi không xuôi dòng sang hướng Đông và đổ ra biển lớn. Sêrêpốk chảy ngược lên hướng thượng nguồn đổ vào Biển Hồ bên đất bạn Campuchia sau đó mới hợp dòng với sông Mê Kông, xuôi về miền Tây Nam Bộ rồi mới hòa mình vào biển lớn.

Sêrêpốk là dòng sông có nhiều huyền thoại, truyền thuyết nhất Tây Nguyên phủ lên trên từng địa danh dọc suốt chiều dài dòng sông chảy trên lãnh thổ đất nước qua 2 tỉnh thuộc Tây Nguyên là Đắk Nông và Đắk Lắk. Không những thế, Sêrêpốk còn là một dòng sông đặc biệt trong hệ thống sông ngòi trên lãnh thổ nước ta, ấy là không chảy từ Bắc xuống Nam hay từ Tây sang Đông mà chảy từ Đông sang Tây. (Ngoài Sêrêpốk còn có sông Sêpôn ở Quảng Trị và sông Kỳ Cùng ở Lạng Sơn cũng chảy ngược).

Kỳ 1: Xuôi dòng khám phá huyền thoại

Chúng tôi đặt chân đến thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vào một buổi sáng tinh mơ, mặt trời hé ra sau màn sương mờ đục làm cho đất trời Tây Nguyên thêm lung linh huyền ảo. Chúng tôi ghé vào một quán ven đường để thưởng thức tách cà phê nóng mang hương vị Ban Mê nổi tiếng và để xua đi cái lạnh se sắt của buổi ban mai. Chúng tôi làm quen với anh Lâm, một chủ doanh nghiệp nhỏ chuyên phân phối vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại thành phố này. Anh là người cũng đặc biệt quan tâm và muốn khám phá hết các địa danh và huyền thoại trên Sêrêpốk, nên đã vui vẻ đề nghị làm “xe ôm” bất đắc dĩ cho chúng tôi để cùng một lần khám phá dòng sông huyền thoại một cách trọn vẹn.

Xã Quỳnh Ngọc, huyện Krông Ana, thuộc tỉnh Đắk Lắk chính địa phận khai sinh ra dòng Sêrêpốk hùng vĩ. Nó nằm cách thành phố khoảng 20km, có cả đường nhựa và đường đá đỏ quanh co. Hai bên đường, những cây cà phê đang đua nhau ra hoa tỏa hương thơm và phủ trắng cả ngọn đồi. Được vài người dân địa phương hướng dẫn, chúng tôi tìm đến nơi bắt đầu của Sêrêpốk, cũng chính là nơi kết thúc của hai dòng huyền thoại khác. Đó chính là hai dòng mang tên Krông Na hay còn gọi là sông Cái thuộc huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) và dòng Krông Nô hay còn gọi là sông Đực thuộc huyện Krông Knô (tỉnh Đắk Nông), cả hai đều bắt nguồn từ dãy núi Nam Trường Sơn. Chính hai dòng sông này đã hợp lưu lại tạo thành dòng Sêrêpốk.

Thác Dray Sap huyền thoại trên dòng Sêrêpốk

Anh Độ, một nông dân đầu nguồn Sêrêpốk kể cho chúng tôi nghe rằng: “Hai dòng sông Đực và sông Cái là hai dòng sông từ trên thượng nguồn của dãy núi Trường Sơn chảy song song, nhưng đến đây đột nhiên lại “gặp nhau” và tạo thành Sêrêpốk. Ngày xưa, sông Đực thì hung dữ, nước chảy xiết, lúc ngập lụt thì cũng cao hơn bên dòng sông Cái đến vài mét nước; còn sông Cái thì hiền hòa hơn, quanh năm chảy êm đềm và mùa lũ thì ngập lụt cũng ít hơn”. Và anh nói về điểm đặc biệt khác của hai dòng sông này là sông Đực thì quanh năm nước trong vắt, còn dòng sông Cái thì nước đục ngầu. Anh giải thích đó là do sông Đực bắt nguồn từ những khe núi, mỏm đá nên nước trong, còn sông Cái thì chảy qua nhiều cánh đồng nên cuốn theo đất cát, phù sa cộng với việc khai thác cát nên nước đục quanh năm.

Nhưng theo quan sát của chúng tôi thì cả hai dòng sông này đang “hiền hòa” và nước sông thì đều đục ngầu như nhau. Anh Độ giải thích là do cách đây khoảng 4, 5 năm các nhà máy thủy điện mọc lên nên dòng chảy bị chặn lại, dòng sông Đực vốn hung dữ và chảy xiết là thế giờ đây cũng “đành phải” trở nên hiền hòa. Thêm vào đó là việc các tàu khai thác cát trên hai dòng sông hoạt động liên tục ngày đêm khiến cho dòng nước cả hai đều đục ngầu như nhau. Anh Độ đưa tay chỉ về phía hai con tàu, đó là hai tàu khai thác cát đang hoạt động. Anh nói, mỗi ngày có hàng chục chuyến hoạt động như thế, chủ yếu là của công ty tư nhân được chính quyền cấp phép khai thác.

Truyền thuyết trên sông

Một già làng kể với chúng tôi rằng, ngày xưa ấy có một chàng trai ở buôn Kuôp đem lòng yêu một người con gái ở bên kia sông. Nhưng do hai họ có hiềm khích với nhau từ hàng trăm năm trước nên không chấp nhận cho con cháu họ yêu nhau và thế là hai gia đình tìm cách ngăn cản, chia cắt tình yêu của họ. Nhưng vì cả hai quá yêu nhau nên đã phản kháng lại. Và trong một đêm dưới ánh trăng thơ mộng bên dòng Sêrêpốk, đôi uyên ương này đã cùng nhau nhảy xuống sông tự vẫn để linh hồn họ được bên nhau mãi mãi. Sau khi họ gieo mình xuống dòng sông, mây đen từ đâu kéo đến, trời đất bỗng chốc đen ngòm, nước sông thì cuồn cuộn chảy. Và sáng hôm sau, dòng Sêrêpốk đã chia cắt thành hai dòng đổ vào hai thác, đó là Dray Nur và Dray Sap ngày nay.

Tác giả trên con thuyền đánh bắt cá nơi khai sinh dòng Sêrêpốk

Ông Thưởng nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi đi tham quan thác nước Dray Sap. Xa xa chúng tôi đã nghe tiếng thác nước rì rào hòa lẫn vào tiếng chim ríu rít trên những tán cây rừng rậm rạp. Đến thác nước thì chúng ta có thể nhìn thấy những hạt bụi nước trắng xóa bốc lên cao như những làn khói tỏa. Đây là một trong những thác nước có độ cao thác cao nhất, khoảng 30m. Vì thế mà thác có tên thác Dray Sap, tức là “Khói”. Ông Thưởng kể chúng tôi nghe về truyền thuyết của thác Dray Sap rằng, thuở xưa có một thiếu nữ xinh đẹp người Êđê tên là H’Mi, nhiều chàng trai từ khắp các buôn làng người Êđê, M’Nông tìm đến cầu hôn nhưng đều bị nàng cự tuyệt vì đã có người trong mộng. Một hôm, nàng cùng người yêu ra bìa rừng ngồi nghỉ trên một tảng đá lớn.

Đột nhiên từ đâu xuất hiện một con quái vật đầu to như quả núi, mắt hừng hực lửa. Con quái vật ấy nhảy xuống sông làm cho đất đá sụp đổ tạo thành dòng suối cuồn cuộn cuốn trôi nàng H’Mi đi. Chàng trai thì bị nước tung bắn ra phía xa và ngất lịm. Khi tỉnh dậy, chàng vô cùng đau khổ vì mất người yêu, sau nhiều ngày than khóc chàng hóa thành một cây to đâm rễ sâu vào tảng đá. Và nơi quái vật lao xuống nước đã trở thành thác Khói ngày nay, chàng trai là cây cổ thụ mọc bên bờ đá cạnh thác. Ông Thưởng kể người dân nơi đây nói rằng, có lúc họ nhìn thấy từ trên bầu trời có một đám mây trắng có hình cô gái sà xuống ôm lấy tán cây cạnh thác. Mỗi lần như vậy thì trời lại trở mưa to gió lớn.

Cạnh thác Dray Sap là thác Gia Long, Thác Trinh Nữ và hồ tắm tiên, tất cả những địa danh này đều mang hơi thở huyền thoại, góp phần làm cho bức tranh thủy mặc miền sơn cước thêm phần hấp dẫn, thú vị. Nói về thác Gia Long, ông Thưởng cho biết chỉ còn lại những dấu tích hiếm hoi, minh chứng một thời vẻ đẹp của dòng thác này từng gắn kết với những vị vua triều Nguyễn, từ Gia Long đến Bảo Đại. Còn đó cầu treo rêu phong phủ kín, tương truyền được vua Bảo Đại xây dựng năm 1930 để làm nơi vãn cảnh, tận hưởng vẻ đẹp của thác nước hùng vĩ này. Hồ tắm tiên nằm cạnh thác Gia Long thì tương truyền rằng các tiên nữ vẫn thường hay xuống đây tắm vì nước nơi đây trong xanh và mát rượi. Đó chỉ là truyền thuyết, thực hư thế nào không rõ. Tuy nhiên nhiều người dân nơi đây cho biết Vua Gia Long trong những lần ghé lại nơi đây đều xuống hồ này tắm.

Thác Dray Nur nằm cách Buôn Ma Thuột khoảng 20km về hướng Nam. Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa vua Thủy Tề có một hoàng tử khôi ngô tên là Nur, chàng rất thích ngao du ngắm cảnh đó đây và mỗi lần muốn xuống trần gian chơi hoàng tử đều biến thành một con dúi và đi về qua ngọn thác này. Rồi ở trần gian có một vị vua cha mất đi bỏ lại hai cô con gái xinh đẹp bơ vơ giữa rừng. Chàng hoàng tử Nur biết được, đem lòng thương mến và cưới cả hai nàng công chúa làm vợ.

Từ đó mỗi lần muốn đi và về giữa trần gian và thủy cung, hoàng tử Nur đều biến thành con dúi và qua lại từ thác này. Vì thế mà thác có tên là thác Dray Nur hay thác Chàng Nur, thác Con dúi. Ngoài ra, chúng tôi còn khám phá ra điểm đặc biệt khác của thác Dray Nur đó chính là “phòng mátxa” nước thiên nhiên nằm trong lòng thác, chỉ có thể đi vào được khi vào mùa khô. Thiên nhiên đã khéo tạo dựng nên một vách đá cao chắn một bên vách núi, một nhánh thác nhỏ đổ từ độ cao hơn 20m xuống được các nhà khai thác du lịch nơi đây khai thác làm thành một “phòng tắm” lộ thiên.

Dòng sông chảy ngược

Sêrêpốk là dòng sông hiếm hoi không xuôi dòng sang hướng Đông và đổ ra biển lớn. Người ta biết rằng sông Sê Pon chảy sang Lào, sông Kỳ Cùng chảy sang Trung Quốc. Sêrêpốk chảy ngược lên hướng thượng nguồn đổ vào Biển Hồ bên đất bạn Campuchia sau đó mới hợp dòng với sông Mê Kông, xuôi về miền Tây Nam Bộ rồi mới hòa mình vào biển lớn. Theo thông tin mà chúng tôi tổng hợp được từ tài liệu về Sêrêpốk mà Ban Quản lý khu khu lịch Dray Sap cung cấp thì sông Sêrêpốk có chiều dài tổng cộng là 315km, diện tích lưu vực sông là 30.100km2.

Đây là dòng sông lớn thứ hai trên Tây Nguyên sau sông Sê San ở Gia Lai – Kon Tum. Trên lãnh thổ Việt Nam, Sêrêpốk chảy qua hai tỉnh là Đắk Lắk và Đắk Nông với tổng chiều dài là 125km. Một chuyên gia về địa lý tự nhiên giải thích với chúng tôi vì sao mà dòng Sêrêpốk lại có dòng chảy đặc biệt như thế – chảy ngược. Theo anh, do dãy núi Trường Sơn Nam là đường phân thủy của những hệ thống sông chảy về Đồng bằng duyên hải phía đông và đổ ra biển Đông và hệ thống phía tây đổ về phụ lưu của sông Mê Kông. Sêrêpốk là một trong số hiếm những dòng sông không tuân theo quy luật chảy ra biển Đông mà ngược lên phía tây hiếm hoi ấy.

Sêrêpốk cũng tự hào là dòng sông chảy qua bạt ngàn rừng xanh của vườn quốc gia rộng lớn nhất nước ta, Vườn Quốc gia Yok Đôn với diện tích  115.545ha vùng lõi và 133.983ha vùng đệm nằm trên 7 xã, 3 huyện thuộc hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Với Sêrêpốk thì chẳng bao giờ một người có thể xuôi dòng từ đầu sông tới cuối bởi sông Sêrêpốk có nhiều thác ghềnh hiểm trở. Chúng tôi đến khu du lịch Buôn Đôn thuộc huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk và được du ngoạn trên sông bằng xuồng máy. Từ đoạn sông này đến cuối dòng Sêrêpốk chảy trên lãnh thổ nước ta, trước khi sang Campuchia được xem là đoạn sông khá êm đềm so với thượng nguồn.

Tuy không lắm thác ghềnh nhưng nước nơi đây vẫn chảy rất xiết. Cậu bé người đưa đò cho khách qua lại giữa hai bờ sông đã tranh thủ giờ nghỉ để đưa chúng tôi du ngoạn một vòng trên Sêrêpốk khu vực này. Con xuồng nhỏ tròng trành trên những con sóng xô vào mạn xuồng, thỉnh thoảng qua những khúc sông nước chảy thật xiết cậu bé lại hỏi chúng tôi: “Các anh sợ không?”. Chúng tôi mỉm cười, gật đầu… con xuồng nhỏ vẫn cưỡi trên sóng, bọt nước bắn tung tóe. “Nếu không một lần đi trên xuồng qua những đoạn sông như thế này thì khó có thể cảm nhận được hết sự “hung dữ”, mạnh mẽ của dòng Sêrêpốk”. Anh Lâm đi cùng chúng tôi bộc bạch.

Còn nữa....