Học sinh quốc tế du học tại Việt Nam

41 sinh viên quốc tế vừa nhập học chương trình kéo dài 4 năm tại Đại học FPT với học phí du học sinh phải trả rất thấp so với theo học tại châu Âu.

Trong dịp khai giảng khóa 9 của Đại học FPT hôm qua, ông Nguyễn Thành Nam, Viện trưởng Viện Hợp tác quốc tế của trường cho biết, năm nay trường có nhóm sinh viên quốc tế đầu tiên theo học chương trình đại học chính quy do trường cấp bằng. Học phí cho những du học sinh này là 12.000 USD cho 3 năm và tất cả đều ở nội trú.

"Có 200 sinh viên quốc tế đăng ký du học tại trường, bao gồm cả các nước lớn như Anh, Pháp...Năm học này, 41 em đến từ Hàn Quốc, Nigeria, Cameron, Lào đã sang nhập học, những em khác đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết và sẽ nhập học trong các năm tiếp theo", ông Nam cho hay.

Các sinh viên quốc tế sẽ theo học hai ngành Công nghệ thông tin và Quản trị kinh doanh. Nội dung và giáo trình đào tạo đồng nhất với chương trình dành cho sinh viên Việt Nam. Du học sinh sẽ học chương trình chính thức vào buổi sáng và học tiếng Việt vào buổi chiều. Cuối tuần, các em sẽ được đi tham quan, tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.

Việc có sinh viên quốc tế du học tại trường không phải theo chương trình hợp tác, trao đổi sinh viên được ông Nam kỳ vọng sẽ tạo môi trường học tập quốc tế năng động. "Lớp có vài chục người nhưng chỉ cần một 'ông Tây' là tất cả sẽ nói bằng tiếng Anh dù không phải đi du học. Vì vậy, dù chỉ có 41 sinh viên quốc tế nhưng sẽ tác động tốt đến cả nghìn sinh viên", ông Nam nói.

Cựu CEO tập đoàn FPT cho rằng, hiện nay Việt Nam đang muốn cạnh tranh với thế giới, nhưng điều quan trọng nhất để có thể cạnh tranh là phải biết tiếng Anh và phải trả lời cho thế giới biết "Việt Nam ở đâu". Mặt khác, Việt Nam cũng cần định vị đúng vị trí của mình trong bức tranh chung của giáo dục thế giới.

Theo báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2013-2014 của diễn dàn Kinh tế Thế giới công bố đầu tháng 9/2013, Việt Nam đang xếp thứ 95/148 nước về giáo dục đại học. Theo ông Nam, giáo dục cần được quan tâm ở cấp độ quốc gia và Chính phủ phải "dám" biến Việt Nam thành một điểm du học bởi so với Malaysia, chúng ta cũng có đầy đủ năng lực để tiếp nhận sinh viên quốc tế.

Nếu làm được điều này, sinh viên Việt Nam được hưởng lợi, các trường đại học cũng có động lực để nâng cao chất lượng, hướng tới các chuẩn mực của một trường đại học quốc tế. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nguồn nhân lực Việt Nam.

"Chúng ta tuyển sinh sinh viên quốc tế ở những ngành hiện đại, ít lạc hậu, chương trình đào tạo tương thích với quốc tế. Khi khẳng định được việc du học ở Việt Nam chất lượng không kém gì các nước khác như Anh, Singapore mà học phí lại thấp hơn rất nhiều lần thì dần dần học sinh các nước sẽ lựa chọn du học tại Việt Nam", ông Nam nói.

Tuy nhiên, ông e ngại việc "trí tuệ Việt Nam không kém thế giới nhưng ý chí thì kém hơn nhiều quá". Dẫn chứng việc Malaysia năm 1992 đã đặt ra vấn đề cân bằng sinh viên quốc tế với sinh viên trong nước, họ đã quyết tâm thực hiện và thành công khi cân bằng được lượng tiền thu về và chảy ra trong giáo dục, đồng thời mở được văn phòng tuyển sinh du học Malaysia giữa London.

Vì vậy, theo ông Nam, thương hiệu quốc gia rất quan trọng. Việc tuyển học sinh quốc tế cũng cần nhiều trường đại học trong nước tham gia bởi nhu cầu của người học không chỉ dừng lại ở các ngành mà Đại học FPT đào tạo.

"Đại học FPT mới thành lập còn tuyển sinh được, không cớ gì các trường công lâu năm với cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cao lại không làm được. Các trường chỉ cần lập phòng tuyển sinh quốc tế, còn mạng lưới đại lý và phương pháp thu hút sinh viên quốc tế chúng tôi sẵn sàng chia sẻ", ông Nam nói.

Lee Jaedong, sinh viên người Hàn Quốc cho biết, khi lựa chọn trường để du học đã rất ấn tượng với ĐH FPT bởi đây là trường đại học Việt Nam đầu tiên được công nhận xếp hạng quốc tế ba sao theo chuẩn QS Stars - một trong các chuẩn xếp hạng hàng đầu dành cho trường đại học trên toàn thế giới. Điều này chứng tỏ đây là một trong những trường hàng đầu ở châu Á.

"Việt Nam còn là một đất nước vô cùng xinh đẹp và dễ mến. Tôi rất yêu quý đất nước và con người nơi đây. Tôi lựa chọn học đại học ở Việt Nam cũng một phần vì lý do đó, tôi muốn được học tập và trải nghiệm trong một môi trường hoàn toàn mới, từ đó có thể khám phá nhiều hơn khả năng của chính mình", Lee Jaedong nói.