Cơ sở trồng nấm, mộc nhĩ của ông Thắng có tổng doanh thu hơn 2 tỷ đồng/năm.
Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất của gia đình ông Bùi Đức Thắng ở xã Đồng Luận. Được biết, cơ sở của ông Thắng là một trong rất ít cơ sở có khả năng nhân được giống theo công nghệ vi sinh nuôi cấy mô tế bào trong ống nghiệm sau đó đem sản xuất đại trà và bán giống ra thị trường cho các hộ nuôi trồng. Hiện cơ sở mở rộng với tổng nuôi trồng 40 vạn bịch, cung cấp cho thị trường về giống 20 vạn bịch/năm.
Từ kinh nghiệm học được từ Viện Di truyền Nông nghiệp, ông Bùi Đức Thắng mở cơ sở sản xuất nuôi trồng nấm, mộc nhĩ tại quê nhà với mục đích ban đầu là tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho gia đình 7 khẩu, quy mô cơ sở là 10 vạn bịch nấm, mộc nhĩ. Càng làm ăn càng sinh lời, nhận thấy thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng, gia đình ông Thắng đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, cùng với sự giúp đỡ của Hội Nông dân và UBND các cấp, đến nay, tổng diện tích phục vụ sản xuất của gia đình ông Thắng khoảng 14.000m2 trong đó 3000m2 nhà xưởng, còn lại là diện tích sân phơi, bãi tập kết nguyên liệu, lán nuôi trồng.
Nhờ làm ăn hiệu quả, cơ sở của ông Thắng có tổng doanh thu mỗi năm hơn 2 tỷ đồng, trừ chi phí thu nhập gần 600 triệu đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 10 người, lao động thời vụ khoảng 50 người, với mức lương từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, gia đình ông Thắng còn thường xuyên vận động và giúp đỡ các hộ có sức lao động có đất đai và một số vốn nhất định, có thể làm được mô hình trồng nấm tại địa phương phát triển.
Theo chia sẻ của một số hộ làm nghề tại Đồng Luận thì việc trồng nấm, mộc nhĩ tương đối mới ở tỉnh nhưng không mới với các tỉnh bạn. Ví dụ như Vĩnh Phúc đã thành lập một số doanh nghiệp, hợp tác xã và đã có cả hiệp hội trồng nấm, mộc nhĩ. Tuy nhiên trên thực tế, hiện nhiều gia đình trong xã có nhu cầu phát triển nuôi trồng nấm mộc nhĩ nhưng vốn đầu tư để xây dựng lán, trại không có, vì vậy, các hộ nông dân rất mong được Hội Nông dân, ngành Nông nghiệp tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn đầu tư sản xuất, nhằm phát triển kinh tế theo mô hình phát triển ngành nghề, dần từng bước xây dựng thành công làng nghề nuôi trồng sản xuất nấm, mộc nhĩ tại làng Đoan Thượng- xã Đồng Luận góp phần giảm nghèo cho nông dân.