Trung Quốc có một cơ quan chống tham nhũng có quyền lực vô cùng lớn và được coi là công cụ đắc lực của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Hé lộ cơ quan chống tham nhũng quyền lực nhất Trung Quốc |
Hồi tháng trước, dư luận Trung Quốc chấn động khi nhà chức trách nước này thông báo chính thức điều tra đối với cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, nhân vật quyền lực nhất từ trước tới nay của Trung Quốc bị dính vào án tham nhũng.
Điều khiến mọi người chú ý là quyết định chính thức điều tra Chu Vĩnh Khang không phải do Bộ Công an Trung Quốc đưa ra, mà là do một tổ chức có vẻ ít tiếng tăm hơn rất nhiều, đó chính là Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Vậy cơ quan này là gì, và tại sao nó lại có quyền lực khủng khiếp đến như vậy?
Nhìn từ bên ngoài, người ta không thể tưởng tượng được rằng bên trong tòa nhà lớn màu be không có biển hiệu nằm cạnh một con phố đông đúc ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh lại là trụ sở của một cơ quan bí mật và đáng sợ nhất của Trung Quốc trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Cơ quan này có tên chính thức là Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, và kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, nó đã trở thành vũ khí chính của ông trong chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại.
Mục đích của chiến dịch này là làm trong sạch hình ảnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) vốn đã hoen ố với một loạt vụ bê bối tham nhũng từ thấp đến cao. Một số chuyên gia phân tích cho rằng chiến dịch hoành tráng này cũng nhằm mục đích củng cố quyền lực của ông Tập. Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (gọi tắt là Ủy ban Kiểm tra) trở thành thứ vũ khí sắc bén để ông làm suy yếu phe cánh của đối thủ, và rộng hơn là để răn đe những kẻ có ý đồ thách thức ông.
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc được thành lập từ năm 1927 với mục đích đấu tranh chống tham nhũng trong đảng. Tuy nhiên trong suốt thời gian tồn tại của mình, các cuộc điều tra của ủy ban này phần nhiều chỉ mang tính hình thức để xử lý, khai trừ những đảng viên cấp thấp hoặc các quan chức cấp cao bị thua to trong các cuộc đấu đá quyền lực.
Bởi vậy, sự tồn tại của cơ quan này hầu như được rất ít người Trung Quốc biết đến, và các hoạt động điều tra của nó được tổ chức một cách bí mật, lặng lẽ. Mặc dù gần đây, cơ quan này ngày càng tỏ ra tích cực và công khai hơn, nhắm đến mục tiêu là những “con hổ” to hơn, tuy nhiên người ta vẫn chỉ biết về sự tồn tại và hoạt động của nó thông qua chuyện kể của các quan chức giấu tên.
Ông Chris Johnson, cựu chuyên gia phân tích cấp cao về Trung Quốc của CIA cho hay: “Ở phương Tây không hề có cơ quan nào tương tự như thế. Nó có đầy đủ các yếu tố của FBI, Bộ Tài chính Mỹ, cơ quan Mật vụ và Phòng Kế toán Chính phủ, tất cả quyền lực gộp lại trong một đơn vị.”
Tuy nhiên, ủy ban này có quyền lực hơn nhiều so với các cơ quan của Mỹ, và nó cũng mang đậm màu sắc chính trị hơn rất nhiều. Hoạt động của Ủy ban Kiểm tra hoàn toàn nằm ngoài phạm vi của hệ thống pháp luật, và bản thân nó đóng vai trò như một cơ chế thi hành luật pháp của CCP. Các điều tra viên của ủy ban không cần lệnh của tòa án để thực hiện khám xét thu thập bằng chứng, và họ có quyền bỏ tù, thẩm vấn bất cứ thành viên nào trong số hơn 70 triệu đảng viên Trung Quốc.
Mặc dù biện pháp trừng phạt cao nhất của ủy ban này đối với các đảng viên bị điều tra chỉ là khai trừ đảng, song hồ sơ do họ lập sau đó sẽ được chuyển cho cơ quan tư pháp, nơi đảng viên bị khai trừ đó sẽ phải chịu những mức án nặng nề hơn rất nhiều.
Và Ủy ban Kiểm tra đã thể hiện được vai trò quyền lực của mình trong việc bủa lưới vây bắt và tóm gọn con hổ to nhất từ trước tới nay mang tên Chu Vĩnh Khang, một cựu ủy viên Bộ Chính trị tưởng như được hưởng quyền miễn trừ khỏi mọi cuộc điều tra và truy tố.
Từ lâu tham nhũng là một vấn nạn nhức nhối trong hệ thống chính trị của Trung Quốc khi họ thiếu đi những cơ chế kiểm soát để có thể giám sát được các quan chức từ trung ương đến địa phương có những hành vi sai trái để “vơ đầy túi tham”.
Trong nửa thế kỷ qua, tất cả các lãnh đạo Trung Quốc đều tuyên chiến với nạn tham nhũng bằng cách phát động những chiến dịch đấu tranh “khua chiêng gõ mõ” nhưng chỉ mang đậm tính hình thức mà không hề bắt được một con “hổ to” nào cả.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang phát động chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn
Thế nhưng chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động thì hoàn toàn khác hẳn. Kể từ khi chiến dịch này được phát động, gần như mỗi tuần đều có một quan chức hay giám đốc một công ty nhà nước bị điều tra. Thông báo điều tra do báo chí chính thống đăng tải chỉ cung cấp rất ít thông tin, còn mạng xã hội và các blogger sẽ làm nốt phần còn lại bằng việc phơi bày những căn biệt thự xa hoa cũng như vô số những bồ nhí của các quan chức này.
Tuy nhiên đó chỉ là những “con ruồi” trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập. Chiến công ấn tượng nhất của Ủy ban Kiểm tra là việc bắt những “con hổ”, hay những quan chức chức cao vọng trọng ở trung ương và địa phương, mà con hổ to nhất họ tóm được chính là Chu Vĩnh Khang.
Hồi năm ngoái, cơ quan này điều tra 31 quan chức từ cấp thứ trưởng trở lên. Trước đây, số lượng quan chức cấp cao cỡ này bị điều tra không bao giờ được công bố, song một số nguồn thạo tin cho biết con số đó hiếm khi vượt quá 10.
Người được Chủ tịch Tập Cận Bình nhất mực tin tưởng và giao cho trọng trách quản lý cơ quan đầy quyền lực này chính là Vương Kỳ Sơn, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, người được mệnh danh là “bàn tay sắt” của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Vậy Vương Kỳ Sơn là một nhân vật như thế nào mà được ông Tập Cận Bình tin tưởng giao phó nhiều quyền lực đến như vậy.
(Còn nữa)
Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?