Hài cốt tràn khỏi Gò Đống Đa, sâu 20m có sông cổ
Thứ hai, 11/06/2012 11:03

Gò Đống Đa là một núi xương. Không những thế, số lượng hài cốt khổng lồ còn tràn ra khỏi Gò. Phía dưới Gò có một dòng sông cổ chiều rộng khoảng 28m.

Phải dùng xẻng để xúc xương người

Vừa qua, Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho “Dự án tu bổ tôn tạo di tích Gò Đống Đa” do quận Động Đa (Hà Nội) tổ chức lại một lần nữa dấy lên những tranh luận trong giới khoa học cũng như dư luận xung quanh vấn đề di tích Gò Đống Đa là thiên tạo hay nhân tạo, có phải đắp từ xương giặc Thanh hay không?

Thực ra vấn đề này không còn mới mẻ. Trước đó, vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước cũng đã từng có cuộc tranh luận giữa các nhà khoa học về vấn đề này, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết luận thỏa đáng.

Hiện nay trong dư luận vẫn phổ biến quan điểm cho rằng toàn bộ di tích Gò Đống Đa (Đống Đa) được đắp bằng xác giặc Thanh sau chiến thắng Xuân Kỷ Dậu (1789).

Bà Phạm Thị Méo (72 tuổi, trú tại phường Quang Trung, Đống Đa), bán nước tại cổng di tích Gò Đống Đa cho biết: Theo các cụ nhiều đời trong làng kể lại thì đây là một trong những nơi chiến trường ác liệt trong trận vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Sau chiến thắng, xác giặc được đắp chôn thành các gò đống. Gò Đống Đa chỉ là một trong số đó.

Bà Phạm Thị Méo

Việc một số khu vực xung quanh Gò Đống Đa khi đào lên phát hiện có rất nhiều hài cốt thì bà Méo khẳng định hoàn toàn có thật và bà đã từng chứng kiến.

“Cách đây khoảng hơn chục năm, khu vực phía gần cổng trường Đại học Công đoàn có đội thợ thi công lắp ống nước. Khi đào sâu xuống dưới đất khoảng hơn 2m thì thấy rất nhiều hài cốt ở đấy. Một số hài cốt được bỏ vào tiểu sành, còn lại phần lớn đều nằm la liệt chồng chất lên nhau theo kiểu chết và vùi chôn tập thể.

Người ta phải dùng xẻng để xúc và bỏ vào các túi nilon lớn rồi chuyển đi, phải 2 – 3 ngày sau mới dọn dẹp hết số xương ấy để thi công tiếp. Chính tôi là người đã mua vàng hương đem đến để cho đội thợ làm lễ cúng trước khi chuyển xương đi nên tôi biết rất rõ việc này”.

Đống xương khổng lồ, mật độ dày đặc, tràn ra 2 phía Đông, Tây

Chiều qua (10/6), phóng viên đã trao đổi với Tiến sĩ Vũ Văn Bằng – nguyên Phó Viện trưởng Viện Công nghệ nước và Môi trường, chuyên gia trong việc phát hiện, xử lý tia đất và tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Ông cho biết: “Gò Đống Đa là một núi xương. Và không chỉ riêng Gò Đống Đa, cả thủ đô Hà Nội cũng chính là một nghĩa địa cổ khổng lồ. Tôi đã từng khảo sát về địa điểm này rất nhiều lần”.

Ngay trong chiều 10/6, ông đã đề nghị phóng viên trực tiếp ra Gò để chứng kiến và ghi chép lại những số liệu ông tiến hành đo đạc. Cụ thể thu được như sau:

- Về xạ khí (sau khi đo bằng máy đo phóng xạ IF – 99A của Nhật): Nằm ở mức cho phép 17/9 MSv/giờ (Micro Sievert).

- Về mức từ trường (đo bằng máy đo địa từ BPT – 2000 của Đức): Trong Gò mức từ cao hơn, đạt mức 31.215 nT so với phía bên ngoài gò chỉ có mức 27.150 nT.

- Về tia đất (sau khi đo bằng máy địa bức xạ BXT 09 do TS Vũ Văn Bằng sáng chế và đã được cấp bằng công nhận) đã phát hiện ra một dòng sông cổ ở phía dưới Gò. Theo TS Bằng, dòng sông cổ này có chiều rộng khoảng 28m, nằm ở độ sâu khoảng 20m so với mặt đất. Hướng chảy của dòng sông theo hướng từ Tây sang Đông (từ phía sau chảy ra phía trước gò) và đi qua trung tâm Gò Đống Đa, hơi lệch một chút sang phía Nam.

TS Vũ Văn Bằng tiến hành khảo sát đo đạc tại Gò Đống Đa

TS Bằng khẳng định Gò Đống Đa là nhân tạo. Quá trình tia đất đã phát hiện ra rất nhiều hài cốt. Theo đó, toàn bộ Gò Đống Đa nằm trên một đống xương khổng lồ với mật độ dày đặc và tràn ra 2 phía Đông và Tây (là hướng chảy của dòng sông cổ).

Theo TS Vũ Văn Bằng, vị trí này là lòng của con sông cổ chảy qua Gò Đống Đa.

Vị trí này nằm ở phía Bắc Gò, được xác định là nơi giao nhau giữa con sông cổ và một con lạch

Khoảng cách hài cốt tràn ra so với Gò ở phía Tây kéo dài tới 30m, rộng khoảng 13m (sát với khu vực tượng đài vua Quang Trung). Trong khi đó, tại phía Đông khoảng cách hài cốt tràn ra so với Gò khoảng 35m, rộng khoảng 20m (sát với mặt đường Tây Sơn).

Ngoài ra còn có một vị trí tập trung nhiều hài cốt nằm ở phía Bắc Tây Bắc của Gò với bề rộng khoảng 10m và kéo dài vào khu dân cư. Vị trí này được xác định là một ngòi lạch cổ nối liền với dòng sông đã nói trên.

Theo TS. Vũ Văn Bằng, số lượng hài cốt nằm ở dưới gò rất nhiều, tập trung thành từng đống và xếp chồng lên nhau, rất khó đếm. Tổng hợp tất cả các chỉ số sau khi đã khảo sát  nói trên cho thấy đây là khu vực có độ bức xạ và từ trường rất mạnh, vượt xa nhiều so với mức bình thường. Cũng có thể gọi là “đất dữ”, nếu dùng để xây nhà ở thì không phù hợp.

Ngoài ra, về việc dựng tượng đài hoặc xây đền thờ Quang Trung trên đỉnh gò, TS Vũ Văn Bằng khuyến cáo không nên.

Ông giải thích: “Nếu xây miếu thờ hay tượng đài vua Quang Trung trên Gò đồng nghĩa với việc mỗi khi lễ hội hay du khách đến thăm viếng đều phải tiến hành ở trên Gò. Nơi đây có độ xạ khí và từ trường rất mạnh, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của con người”.

Kiến Thức
Tag: Gò Đống Đa , Khảo sát gò đống đa , Núi xương khổng lồ , Hà Nội , Phóng sự