Hà Nội: Những địa danh không thể bỏ qua vào ngày mùng 1 Tết
Thứ bảy, 09/02/2013 12:19

“Mùng một lễ chùa” – đây là nét văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam. Với người Hà Nội, để cầu một năm no đủ thì không thể bỏ qua những ngôi chùa sau.

Chùa Trần Quốc

Chùa Trần Quốc

Chùa Trấn Quốc

Là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, nằm cạnh Hồ Tây, ở cuối đường Thanh Niên, quận Ba Đình, Hà Nội. Chùa được xây từ thời Lý Nam Đế (541-547) ở gần sông Hồng, đến năm 1615, được dời vào vị trí ngày nay. Chùa có vườn tháp cổ u tịch, có nhiều tượng Phật giá trị, đặc biệt là tượng Thích Ca nhập Niết Bàn.

Cũng giống như hầu hết những ngôi chùa khác trên đất nước Việt, chùa Trấn Quốc có nhiều lớp, có nhà bái đường, nhiều tượng Phật từ thấp đến cao, từ to đến nhỏ, vàng son lấp lánh, hương khói quanh năm. Chùa còn có 14 tấm bia, trong đó có bia của Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính, tiến sĩ Phạm Quý Thích dựng năm 1639 và 1015...

Người vào chùa Trấn Quốc, ngoài việc thành tâm lễ Phật còn là để có một chút ngao du ngắn, được thăm một danh lam nổi lên thanh bình giữa phố phường ồn ào, tất bật.

Chùa Kim Liên

Nằm ở phía đông bắc hồ Tây, kề bên khách sạn Thắng Lợi và hàng loạt biệt thự hiện đại đang đua nhau mọc lên - chùa Kim Liên là ngôi chùa nổi tiếng từ xưa. Đất dựng chùa là nền cũ của cung Từ Hoa, thuộc trại tằm Tang. Từ Hoa là con gái vua Lý Thần Tông (1128-1138). Vua dựng cung Từ Hoa cho công chúa và các cung nữ ở đó để thấu hiểu thêm công việc đồng áng vất vả mà thấy rõ hơn giá trị ngôi tôn quí của mình.

Đến đời Trần, trại Tằm Tang đổi thành phường Tích Liên. Dân làng dựng chùa Đống Long trên nền cung Từ Hoa cũ. Đến năm 1771, đời Lê Cảnh Hưng, chùa được tu sửa lớn và đổi tên là chùa Kim Liên. Năm 1792, đời vua Quang Trung, chùa được xây dụng lớn, về diện mạo cơ bản giống như hiện nay.

Chùa Kim Liên còn lưu giữ được một tấm bia cổ, nay dựng phía bên phải cổng chùa, trên bệ đá hình vuông, dù năm tháng đã làm phai mờ nhiều nét chữ nhưng còn xem được niên hiệu Thái Hòa tam niên Ất Sửu - tức năm 1445 thời Lê Nhân Tông. Đây là tấm bia cổ nhất ở Hà Nội hiện nay.

Chùa Quán Sứ

Chùa Quán Sứ là trụ sở của Hội Phật giáo Việt Nam, nằm ở phố Quán Sứ, trung tâm Thủ đô nên rất thuận tiện cho việc đi lại vãn cảnh, cúng bái của khách thập phương. Đặc biệt vào những ngày đầu năm các Phật tử, các thiện nam, tín nữ đến lễ chùa rất đông, tấp nập cả một đoạn đường Quán Sứ.

Bên ngoài chùa Láng

Tiền đường chùa Quán Sứ thờ Phật, hậu đường thờ quốc sư triều Lý là Thiền sư Khuông Lộ. Trong chùa, ngoài các cơ quan của Hội Phật giáo còn một thư viện lớn, lưu giữ nhiều kinh sách Phật giáo.

Chùa Láng

Chùa Láng hay chùa Cả - tên chữ là Chiêu Thiền tự - tọa lạc trên đất làng Láng cổ, có món rau húng Láng thơm lừng, nổi tiếng gần xa. Chùa từng được coi là đệ nhất tùng lâm ở phía tây kinh thành Thăng Long xưa. Hàng trăm năm nay, nơi đây vẫn là thắng tích nổi tiếng, chốn thiền tâm giữa lòng Thăng Long - Hà Nội.

Chùa Láng được xây dựng từ thời vua Lý Thần Tông (1128-1138) để thờ Từ Đạo Hạnh là một nhà tu hành đắc đạo, nổi tiếng thời Lý. Chùa lập ngay trên nền nhà cũ của cha mẹ Từ Đạo Hạnh là Từ Vinh và Nguyễn Thị Loan.

Chùa Láng xây dựng trên một khu đất rộng, có nhiều cây cổ thụ, từ xưa vẫn được coi là nơi đệ nhất tùng lâm của kinh đô Thăng Long. Trong chùa có nhiều đồ thờ cổ, có nhiều tượng phật, có tượng Lý Thần Tông và đặc biệt là tượng Từ Đạo Hạnh không tạc bằng gỗ đá, mà đan bằng mây và quét sơn bên ngoài. Trước đây, trong chùa còn giữ được một cuốn sách kinh bằng đồng khắc chữ, tương truyền là của vua Lý Nhân Tông dùng tụng niệm khi sinh thời.

Chùa Phúc Khánh

Chùa Phúc Khánh hay thường được gọi là chùa Sở, tọa lạc ở số H.171, tổ 1, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Chùa nằm bên phải phố Tây Sơn, gần ngã tư Sở được dựng vào thời Hậu Lê.

Lượng người tới cầu an ở chùa Phúc Khánh vào đầu năm luôn rất đông

Tương truyền vào thời kỳ này, chùa là cơ sở đào tạo tăng tài cho Phật giáo, sau đó gặp cơn binh hỏa bị hư hỏng hoàn toàn. Có tài liệu cho chùa nằm trong khu vực diễn ra trận đánh Đống Đa năm 1789 nên bị đổ nát, sau được nhà sư Chiếu Liên xây dựng lại với sự hổ trợ của Đô đốc Trần Văn Lễ (thời Tây Sơn) đã từng ém quân ở chùa. Ông còn cho đúc quả đại hồng chuông và pho tượng Cửu Long cúng chùa.

Chùa qua nhiều lần trùng tu, xây dựng. Năm 1950, dân làng đã góp công góp của xây dựng ngôi chùa ngày nay. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. ở đây có 20 pho tượng có giá trị nghệ thuật cao. Chùa có 21 tấm bia đá, tấm cổ nhất là năm 1698; 3 đại hồng chuông, chuông cổ nhất đúc năm 1796; 14 bộ bao lam (cửa võng) và các đồ thờ khác như bát hương đồng, long ngai, nhang án... đều rất quý. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Từ nhiều nay năm, chùa Phúc Khánh đã trở thành địa điểm "nóng" về lượng người đến cầu an vào năm mới. Thậm chí, nhiều người còn phải trèo lên thành cầu bái vọng với mong muốn gia đình êm ấm, hạnh phúc.

Giang Linh (TH)

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: Lễ chùa , Mùng 1 lễ chùa , Chùa Quán Thánh , Chùa Trấn Quốc , Chùa Kim Liên , Chùa Láng , Hà Nội