Xem sao chiếu mệnh đầu năm
Thứ tư, 22/02/2012 14:24

Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, vào tháng Giêng nhiều chùa nhận làm lễ dâng sao giải hạn. Nhiều người vẫn bỏ tiền bạc và công sức để hi vọng giải được hạn do sao xấu chiếu mệnh mình trong năm mới.

Nhưng có rất ít người trong số đó hiểu thực chất ý nghĩa của sao chiếu mệnh và việc làm lễ dâng sao có giải được "hạn" hay không...

Người dân đi lễ chùa đầu năm

Tất tả đi giải sao xấu đầu năm

Ngày đầu năm, nhiều chùa ở Hà Nội tấp nập chị em đến xem sao chiếu mệnh và đăng ký dâng sao, giải hạn trong năm mới. Nhiều gia đình mất cả bạc triệu cho công việc này với mong muốn năm mới tốt lành. Người dân, công chức... bỏ việc đổ về các chùa lớn rất đông. Một phần đi lễ cầu an, cầu phúc, phần khác để tìm cách "giải hạn sao xấu" cho mình. Kéo theo nó là các dịch vụ cũng đua nhau tăng giá...

Theo ghi nhận của PV, bắt đầu từ những ngày Tết âm lịch vừa qua, tại các đền, chùa, miếu, phủ tấp nập người ra vào. Tại một số điểm như: chùa Quán Sứ, Phủ Tây Hồ, chùa Hà, chùa Phúc Khánh, chùa Pháp Vân lượng khách trung bình những ngày này lên đến hàng nghìn người. Chưa đến 9h sáng 6/1, theo ghi nhận của PV tại Phủ Tây Hồ, phường Quảng An, đã chật kín khách hành hương.

Xem tuổi trong tờ giấy được dán trên cột chùa Phúc Khánh (Đống Đa), thấy mình bị sao La Hầu được tô màu hồng khác với sao khác, Mai vội xem tờ hướng dẫn. Khi biết là sao xấu, cô gái đến từ Hà Đông vội ghi tên tuổi, địa chỉ và không quên đưa kèm tờ 100.000 đồng cho nhà chùa để mong “xóa vận hạn”. "Năm nay em phải xin việc làm nên sợ gặp rủi ro. Thấy các bà, các chị làm thế em cũng làm theo", Mai nói và thừa nhận không hiểu về tục dâng sao, giải hạn.

Khác với Mai, nhiều chị em mang hẳn danh sách thành viên gia đình đến chùa so tuổi sao chiếu mệnh rồi đồng loạt viết danh sách xin giải sao (nếu sao xấu) hoặc dâng sao (nếu sao tốt). Chị Hòa Bình, ở phường Nam Đồng (Đống Đa) cho biết, năm nào chị cũng ra chùa giải sao hoặc cầu an cho cả nhà như một thói quen...

"Có năm tôi suýt ngất vì phải chen lấn giải sao trong đám đông song vẫn cố gắng đi. Ngày khóa lễ phải đi trước xếp hàng từ chiều, như thế mới yên tâm", chị Hòa Bình chia sẻ. Để phục vụ người đến đăng ký giải sao, chùa Phúc Khánh đã bố trí tới 4 bàn đón tiếp và ghi tên tuổi các thân chủ, và cũng không quên "thu phí". Đăng ký giải sao tại đây phải nộp phí 100.000 đồng một người. Chùa Phúc Khánh sẽ tổ chức lễ giải sao La Hầu vào ngày 8 tháng giêng, sao Thái Bạch vào ngày rằm tháng giêng, sao Kế Đô vào ngày 18 tháng giêng.

Nằm ở trung tâm Thủ đô, chùa Quán Sứ cũng thu hút khá đông người đến đăng ký giải sao. Khác với chùa Phúc Khánh thu phí theo đầu người, chùa Quán Sứ thu phí 300.000 đồng mỗi gia đình, không hạn chế số người. Một bạn trẻ tên Vinh cho biết, mẹ cậu ở quê đã đăng ký giải sao cho cả nhà, nhưng cậu vẫn không yên tâm nên tự tìm đến chùa Quán Sứ đăng ký giải sao cho mình. "Năm nay em đứng sao Thái Bạch nên rất sợ. Người ta nói Thái Bạch quét sạch cửa nhà, mình cứ phải đi giải nhiều lần cho chắc", Vinh quả quyết.

Đưa gần một triệu đồng tại chùa Vân Trì (Từ Liêm) để làm lễ cho cả nhà, chị Hà cho biết, năm nào cũng đi giải nếu gặp sao xấu hoặc dâng nếu sao tốt. Theo chị, mỗi người có một sao chiếu mệnh nên không thể yên tâm nếu gặp phải sao xấu chiếu. Còn nếu gặp sao tốt thì phải nghinh để được đón nhận nhiều may mắn.

Tuy lượng khách đông, nhưng không xảy ra tình trạng lộn xộn, chen lấn. Ngay cả việc hoá vàng mã, hương khói nghi ngút cũng được khắc phục. Dễ thấy người đi lễ đông và hướng thiện, lễ vật mang theo phần lớn chỉ là một chút vàng tiền, hoa quả, nén hương, tiền dầu đèn đều tập trung vào hòm công đức.

Ông Trương Công Đức, Trưởng ban Quản lý Phủ Tây Hồ cho biết: Hơn chục ngày qua, Phủ đã đón gần 10 vạn lượt khách. Từ trước Tết, BQL phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng phương án phân luồng giao thông, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, phân công người trông giữ xe, bố trí bảo vệ. Nhờ đó, không xảy ra hiện tượng móc túi, lấy trộm đồ lễ ở Phủ Tây Hồ trong dịp Tết nguyên đán vừa qua.

Ước vọng của mỗi người đến cửa Phật dù có khác nhau, nhưng đều có chung một mong muốn là cầu xin một năm mới an lành, may mắn đến cả gia đình mình. Bà Nguyễn Minh Châu, sinh sống tại phố Ngọc Hà, Hà Nội, một phật tử quy bái nhiều năm tại chùa Quán Sứ cho hay: Tháng nào vào ngày rằm cũng đi lễ chùa và cũng không quên đi Phủ như một thói quen khiến mình cảm thấy thanh thản hơn trong ngày đầu năm mới. Bên cạnh những người đi lễ chùa với mục đích cầu may thì cũng có những gia đình đưa con nhỏ đi chùa vừa để vãn cảnh lại vừa để giáo dục con cái hiểu được những giá trị tốt đẹp truyền thống và những giá trị tốt đẹp trong tín ngưỡng của cha ông.

Bùng phát dịch vụ ăn theo

Năm nay, tại các cửa chùa bán nhiều sinh vật cảnh như rùa đá, cá cảnh, chim sẻ để khách thập phương mua và thực hiện hình thức phóng sinh, lấy đức đầu năm. Một con rùa đá được bán với giá khoảng 50.000 đồng và được rất nhiều du khách mua để phóng sinh tại chùa. Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ mua sắm lễ cũng tăng lên vào ngày rằm như dịch vụ đổi tiền lẻ 10 ăn 7 (tức là cứ đổi 10 ngàn đồng lấy tiền mệnh giá 500 đồng, khách được nhận lại 7 ngàn đồng), hay một thẻ hương vào ngày thường có giá 2000 đồng, thì vào ngày rằm tăng lên là 5000 đồng tại chùa Bà Đá (Hoàn Kiếm), và tại Phủ Tây Hồ.

Lễ quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng, đình, đền dù to hay nhỏ đều tổ chức khóa lễ, nhà nhà sắp cơm, chút hương hoa thơm cúng tổ tiên, khiến giá cả một số loại hàng hóa, dịch vụ tăng đột biến. Một cặp trầu cau có giá 4.000 - 6.000 đồng; một cành hoa cúc có giá từ 2.000 - 3.000 đồng, hoa hồng cũng tăng lên so với ngày thường, tới 1.000 - 2.000 đồng/bông. Hoa đào vẫn được ưa chuộng. Bác Đỗ Tấn Huy, chuyên bán đào ở Quảng An cho biết: Dịp Tết Thượng nguyên, những cành đào nhỏ nhắn nhiều lộc bán rất chạy, một cành đào bé cũng có thể thu về 50.000 - 100.000 đồng; bó đào lộc cũng phải 20.000 - 30.000 đồng.

Tại chùa Phúc Khánh trên đường Tây Sơn, nhiều người đã đăng ký dâng sao từ Rằm tháng Chạp, dịch vụ thi nhau mọc lên, hộ dân gần chùa khoanh vỉa hè làm bãi giữ xe cho khách. Giá gửi xe máy lên tới 10.000 đồng, thậm chí là 20.000 đồng/xe. Giá sàn là thế rồi. Đất chật, kiếm được chỗ giữ xe vất vả lắm một chủ trông xe phân trần.

Mỗi lần dâng lễ cầu an ở mấy chùa quanh quanh trung tâm thành phố có giá từ 100.000 - 300.000 đồng cho một hộ gia đình; gặp sao xấu, muốn giải, tín chủ phải bỏ ra từ 50.000 - 100.000 đồng/người. Dù vậy, không mấy ai do dự bởi họ cho rằng được dâng sớ lên các chùa lớn trong ngày Rằm tháng Giêng đã là điều phúc. Một thành viên Ban khánh tiết chùa Quán Sứ cho biết: Lượng sớ khách dâng lên mỗi ngày ở chùa không tính được bằng tờ mà là bằng cân, có ngày lên đến hàng chục cân.

Người Đưa Tin
Tag: Sao chiếu mệnh , Cắt sao giải hạn , Lễ chùa đầu năm