Hà Nội 1954-2018: Những địa danh lịch sử ngày ấy và bây giờ
Thứ tư, 10/10/2018 14:01

Hơn 6 thập kỷ từ ngày Giải phóng, Thủ đô nay đã một trong những đại đô thị hàng đầu khu vực, song những địa danh lịch sử vẫn luôn còn đó vẹn nguyên.

1954: Hiệp định Genève về đình chiến ở Đông Dương được ký kết ngày 20-7-1954. Theo các điều khoản Hiệp định, quân Pháp có 80 ngày để rút quân khỏi Hà Nội. Ngày 8-10, quân Pháp làm lễ hạ cờ. Ngày 9-10-1954, quân Pháp lủi thủi rút khỏi Hà Nội. Trong ảnh là những binh sĩ Pháp đầu tiên lên cầu Long Biên rời Hà Nội.

2018: Trong suốt bấy nhiêu năm qua, cầu Long Biên vẫn sừng sững ở đó như một biểu tượng của Hà Nội, của lịch sử vẻ vang. Cây cầu cũng nhiều lần được trùng tu và trở thành địa điểm thu hút với khách du lịch. Cầu cũng đang phục vụ vài chuyến tàu hoả mỗi ngày và các phương tiện như xe máy, xe đạp, người đi bộ.

1954: Chỉ trong vòng hơn 1 ngày, quân Pháp đã buộc phải rút khỏi Hà Nội. Cứ binh sĩ Pháp rút đến đâu, bộ đội ta tiến vào tiếp quản tới đó. 16h30 ngày 9-10-1954, quân Pháp rút hết qua cầu Long Biên, quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Cầu Long Biên trở thành nơi ghi dấu chân những người Pháp cuối cùng rời Hà Nội.

2018: Một góc cầu Long Biên bình yên trong buổi sáng sớm. Người đi bộ cùng dòng xe thong thả di chuyển qua những nơi từng ghi dấu chân các binh sĩ Pháp cuối cùng lủi thủi rời khỏi Hà Nội cách đây 64 năm.

1954: Trong khi lực lượng viễn chinh Pháp thất thểu rút lui, thì bên kia cầu Long Biên, đoàn quân Việt Minh hùng dũng tiến vào Hà Nội trong tiếng hò reo của người dân… Trong ảnh lànhững người lính Việt Nam tiến qua cầu Long biên cùng lá cờ đỏ, sao vàng trên tay.

2018: Với tốc độ đô thị hoá nhanh, xung quanh cầu Long Biên nay là những con đường trải nhựa rộng, đẹp cùng những toà nhà hiện đại, thay thế cho những con đường mòn, những bãi cỏ mọc cao như cách đây 64 năm.

1954: Khi quân Pháp rút đi, hàng chục ngàn người dân Hà Nội đã đổ ra đường để chào đón những người chiến sĩ quân giải phóng về tiếp quản Thủ đô. Trong ảnh là đoàn người hân hoan cùng cờ đỏ sau vàng và băng rôn, khẩu hiệu chào mừng trên tay tại Ngã Năm Bờ Hồ, nay là Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

2018: Sau 64 năm, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục vẫn giữ được những nét cổ kính, song đã được làm mới bởi những cửa hiệu, quán ăn sang trọng. Đây cũng là nơi thu hút rất đông khách du lịch và thường đường trưng dụng để tổ chức nhiều sự kiện lớn.

1954: Đoàn Giải phóng quân tiến qua phố Hàng Đào vào ngày 10-10-1954.

 

2018: Phố Hàng Đào vẫn còn nguyên những nét kiến trúc như cách đây 64 năm, song đã trở thành một khu vực buôn bán sầm uất bậc nhất Thủ đô.

1954: Người dân Thủ đô hò reo chào mừng đoàn quân Giải phóng trên phố Hàng Đào.

2018: Phố Hàng Đào ngập tràn bởi những cửa hiệu và khách du lịch.

1954: Sau khi tiếp quản Thủ đô, đoàn quân giải phóng đã tiến hành buổi chào cờ đầu tiên. Trongsân vận động Manzin (sân Cột Cờ), các đơn vị tham dự lễ chào cờ tập hợp thành khối vuông nghiêm chỉnh. Hàng đầu là đội hình bộ binh gồm Trung đoàn Thủ đô, đại diện các đơn vị Đại đoàn 308 và Trung đoàn 57 Đại đoàn 304.

2018: Ngày nay, khu vực này đã được phân cắt lại cho hợp lý, một phần sân đã trở thành bãi cỏ lớn trong khuôn viên khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Khu di tích quan trọng này vào năm 2010 đã được công nhận là Di sản văn hoá thế giới.

1954: Tại buổi lễ chào cờ cách đây 64 năm, đứng sau đội hình bộ binh là đội hình cơ giới và pháo binh xếp hàng ngang thẳng tắp, xe pháo nghiêm chỉnh, pháo thủ và bộ binh cơ giới đứng nghiêm trên xe. Mọi người đều trang nghiêm hướng mắt về Cột Cờ trong giờ phút thiêng liêng.

2018: Không khó để nhận ra Cột Cờ giữa những tán cây xanh mướt. Khi hỏi bất cứ ai từng sinh sống ở Hà Nội rằng điềugì ấn tượng họ nhất trên phố Điện Biên Phủ, mọi người sẽ đều nói: "Tất nhiên là Cột Cờ Hà Nội". Đi qua con phố này lần đầu dường như ai nấy đều ngước lên kỳ đài cổ kính, nơi lúc nào cũng tung bay một lá cờ trong gió.

1954: Ảnh Bác Hồ được treo trang trọng tại Nhà hát Lớn trong ngày Uỷ ban Quân chính ra mắt nhân dân Hà Nội.

2018: Không khó để nhận ra Nhà hát Lớn vẫn là một trong những biểu tượng lịch sử của Hà Nội trong suốt 64 năm qua.

1954: Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954 không chỉ ghi dấu một chặng đường phát triển của Thủ đô Hà Nội, mà còn là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong ảnh là Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Uỷ ban quân chính thành phố Hà Nội, trong vòng tay chào đón của người trẻ Thủ đô gần hồ Hoàn Kiếm.

2018: Hồ Hoàn Kiếm, với Tháp Rùa, hiên ngang giữa lòng Thủ đô. Đây là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của Hà Nội.

1954: Toà nhà số 2 Tràng Thi vừa được quân đội Việt Minh tiếp quản từ tay Pháp vào ngày 10-10-1954.
 
Cand.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: Hà Nội năm 1954 , hà Nội ngày ấy và bây giờ , những bức ảnh quý giá về hà nội năm 1954