Thôn Trà Lộc không chỉ được biết đến bởi có khu du lịch sinh thái trằm Trà Lộc thu hút hàng chục nghìn du khách mỗi năm mà nơi đây còn được biết đến với nghề làm nón truyền thống có từ lâu đời. Chúng tôi về thôn Trà Lộc khi những cánh đồng lúa đã lên xanh, đây cũng là lúc người dân có thời gian nhàn rỗi nhiều nhất, có thể tập trung cho công việc chằm nón quen thuộc.
Theo chân ông Cáp Hữu Hanh, trưởng thôn Trà Lộc, chúng tôi đến thăm gia đình chị Huỳnh Thị Thôi. Khi chúng tôi đến, chị Thôi cùng với chị Nguyễn Thị Tý và chị Cáp Thị Xuân Hiền đang miệt mài chằm nón. “Chúng tôi thường tập trung tại một điểm để chằm nón. Chằm nón có đông người vừa vui vừa đạt năng suất cao”, chị Thôi mở đầu câu chuyện. Chị Thôi cho biết mình là người Quảng Nam ra làm dâu ở Trà Lộc đã được 6 năm nay khi kết hôn với anh Lê Quang Khoa.
Nghề làm nón mang lại thu nhập ổn định cho người dân thôn Trà Lộc.
“Hồi mới ra tôi thấy nghề làm nón ở đây đã rất phát triển nên tôi tìm cách học nghề. Đến nay tôi đã chằm thành thạo, mỗi ngày có thể làm được chừng 2- 3 cái. Mà việc này làm quanh năm nên thu nhập cũng khá ngoài nghề nông”, chị Thôi nói thêm.
“Nguyên liệu làm ra mỗi chiếc nón chỉ khoảng 5.000 đồng nên ai chăm chỉ làm mỗi ngày cũng thu nhập được khoảng 50.000- 70.000 đồng, ở nông thôn thu nhập như vậy là cũng đỡ rồi. Đặc biệt nhiều gia đình có con em là học sinh nữ phụ giúp thêm thì thu nhập sẽ còn khá hơn”, chị Cáp Thị Xuân Hiền góp chuyện.
Rời nhà chị Thôi, chúng tôi đến thăm gia đình chị Cáp Thị Lan, khi chúng tôi đến thì chị cũng đang chăm chỉ chằm những chiếc nón vừa lên khuôn. Chị Lan cho biết, nghề làm nón không nặng nhọc lắm, nếu người nào chăm chỉ và khéo léo thì làm được nhiều. Mỗi ngày, chị cũng như nhiều phụ nữ thôn Trà Lộc phải dậy thật sớm để ủi lá nón sau đó lên khung, đắp lá để ban ngày chằm nón.
“Ở quê ruộng vườn cũng không nhiều, may mà làng có nghề làm nón truyền thống nên chị em phụ nữ chúng tôi cũng có việc làm thường xuyên, thu nhập đều để chăm lo gia đình và con cái. Gia đình tôi thường có 2 cháu phụ giúp nên chằm được nhiều nón, thu nhập cao hơn”, chị Lan bộc bạch.
Nón ở Trà Lộc làm ra ngày nào là được thu mua ngày đó. “Tôi làm nghề thu gom nón rồi bỏ mối cho thương lái mấy năm nay. Nói chung nón Trà Lộc làm ra có chất lượng, được khách hàng đánh giá cao và ưa chuộng nên khâu tiêu thụ rất ổn định. Ngày nào tôi cũng đi gom nón mà vẫn không đủ bán. Đặc biệt sau mỗi dịp tết là chúng tôi càng khan hiếm nón vì người vào miền Nam ai cũng mua nón làm quà”, chị Lê Thị Cúc, chủ một đại lý thu mua nón cho biết.
Ghé tiếp một nhà trong thôn, chúng tôi càng ngạc nhiên hơn khi chứng kiến em Lê Thị Mỹ Hoài, học sinh lớp 10 nhưng đã biết chằm nón một cách thành thạo. Tay thoăn thoắt bên chiếc nón đã gần hoàn thiện, em Hoài cho biết: “Hồi lớp 4, lớp 5 ngày nào cũng thấy người lớn chằm nón em thích lắm. Do được các mẹ, các chị tận tình chỉ bảo nên chỉ một thời gian ngắn là em chằm nón được, đến bây giờ nếu ngày nào nghỉ học là em chằm được 2 cái. Chằm nón không chỉ giúp em phụ giúp thêm được cho gia đình mà còn góp phần gìn giữ nghề truyền thống mà tổ tiên truyền lại”.
Hoài cho biết, em học buổi chiều nên buổi sáng ở nhà tranh thủ học bài xong là lại bày khung ra chằm nón để kiếm thêm thu nhập, phục vụ việc học của mình. Ở Trà Lộc có rất nhiều nữ sinh như Hoài đã biết chằm nón từ lúc còn nhỏ. Cũng nhờ thế mà nghề làm nón được duy trì qua nhiều đời và ngày càng phát triển.
Ông Cáp Hữu Hanh, trưởng thôn Trà Lộc cho biết, nghề làm nón ở Trà Lộc đã ra đời từ thuở mới lập làng và được duy trì từ đó cho đến nay. Hàng năm, từ làng nón Trà Lộc đã xuất bán ra thị trường từ 50.000- 60.000 cái nón thành phẩm. Thị trường của nón Trà Lộc chủ yếu là chợ Đông Hà, chợ thị xã Quảng Trị và các tỉnh lân cận. Vào mùa nắng nón Trà Lộc chủ yếu bán trong tỉnh, còn mùa mưa thì nón sẽ theo chân thương lái vào tận miền Nam. Nón do người Trà Lộc làm ra có mẫu mã đẹp, bền nên rất được thị trường ưa chuộng. Hiện thôn Trà Lộc có khoảng 300/457 hộ chuyên nghề làm nón. Giá mỗi chiếc nón loại tốt khoảng 30.000 đồng/chiếc, loại bình thường giao động từ 25.000- 27.000 đồng/ chiếc.
“Nhờ thị trường tiêu thụ ổn định, giá khá cao và đặc biệt được khách hàng ưa chuộng mà nón Trà Lộc tồn tại và ngày càng phát triển. Ước mong của chúng tôi là một ngày nào đó sản phẩm nón của làng mình sẽ trở thành món quà cho mỗi khách du lịch khi ghé thăm làng”, ông Lê Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Hải Xuân bày tỏ mong muốn khi tâm sự với chúng tôi về sản phẩm nón quê mình.
Khi chia tay với làng nón Trà Lộc, ghé ngang qua nhà chị Thôi, chúng tôi thấy chị em phụ nữ vẫn chăm chỉ bên những chiếc nón của mình, bên các chị là những đứa trẻ chăm chú theo từng đường khâu của các chị, các mẹ. Có lẽ với những đứa trẻ này, được sinh ra và lớn lên bên những vành nón thân thương qua bàn tay của các mẹ, các bà từ lúc tuổi còn thơ sẽ khắc sâu vào tâm trí. Nghề cũng từ đó mà được lưu truyền tiếp nối và phát triển qua mỗi thế hệ con em của làng...