Hút cần sa mọi lúc, mọi nơi và có thể quấn điếu “đẹp” hơn cả người bán, đó là "thú chơi" quen thuộc của các thanh niên “chuyên cần” bây giờ.
Thao thác thuần thục của một "thanh niên chuyên cần" |
Giật mình với những "thanh niên chuyên cần"
Trước khi vào xem phim ở rạp, K.G (sinh năm 1990) và Thành (sinh năm 1993) cùng nhau “rít” nốt điếu cần sa. Khói cần tỏa ra khiến nhiều người xung quanh phải ngoái lại nhìn, một vài người nhíu mắt tỏ vẻ khó chịu vì hai thanh niên thản nhiên hút chất kích thích dạng nhẹ nằm trong danh mục cấm buôn bán, tàng trữ. Thế nhưng, K.G và Thành vẫn tỏ ra “bình thường như cân đường hộp sữa”. Với hai cậu, hút cần không có gì khác biệt so với thuốc lá.
Hiện nay, việc sử dụng cần sa khá phổ biến trong một bộ phận giới trẻ ăn chơi. Không nặng nề giống các chất kích thích khác như thuốc lắc, ketamin, không cần tốn địa điểm hoặc cầm cả bình đi để “đập” như đá, cần sa được dùng như thuốc lá và được dân chơi nó hút ở mọi chốn, mọi lúc.
Thị trường phân phối cần sa tại Hà Nội có hai loại, một là nhập từ nước ngoài với hình thức vận chuyển trái phép từ Canada, Anh hoặc Úc, Hà Lan... gọi chung với tên “cần Ca”, giá cả khoảng 30 - 35 triệu đồng/lạng. Loại thứ hai thường gọi chung là pin hoặc tài mà, được trồng ngay trong nước hoặc khu vực Đông Nam Á, giá rẻ hơn hẳn, 1,5 – 2 triệu đồng/lạng. Từ đó, dân chơi cần sa phân biệt đẳng cấp, có tiền mới dám xài hàng Ca (nhập từ nước ngoài), ít tiền hơn thì chơi cỏ Việt.
Dân hút cần chuyên nghiệp ở Hà Nội thường bỏ 500.000 đồng để mua một búp (một nhánh hoa) cần Ca, về quấn được 4 - 5 điếu dùng dần trong khoảng 2 - 3 ngày. Trong một tháng, “chuyên cần” như K.G nói trên tốn khoảng 6 - 7 triệu đồng cho việc hút cần. Trang cá nhân của cậu này tràn ngập các loại ảnh chụp từ gói cần cho tới điếu thẳng thớm đã được cuốn cẩn thận. K.G hút cần như người ta hút thuốc lá, mỗi ngày làm 2 - 3 điếu là bình thường. Sáng ngủ dậy, chưa ăn gì phải “đề” một điếu ăn cho ngon, trước khi vào xem phim làm nửa điếu xem cho hay, thậm chí đi chơi với người yêu cũng làm mấy hơi cho “tự tin”.
K.G phân tích về cần như chuyên gia: “Cảm giác hút hai loại cần Ca và Việt khác nhau lắm. Cần Ca phê nhanh hơn và không bị nhức đầu, có mùi thơm nồng, còn cần Việt lại có mùi ngai ngái, khi hút đắng họng và đau đầu. Chỉ có “gà” mới phải mua điếu quấn sẵn, bọn bán nó trộn cho toàn thuốc lá. Bọn em toàn gọi một búp về tự quấn”.
Theo cậu, quấn cần phổ biến nhất là giấy OCB, được bán ở các hiệu thuốc lá lậu. Cầu kỳ thì ngồi cắt vụn búp cần, sau đó dùng giấy cuốn thành một điếu như điếu thuốc lá. Còn nếu muốn nhanh thì dùng điếu cày, nhiều người đam mê còn mua boong bằng thủy tinh để hút như điếu cày. Nhưng tiện nhất, để dùng được mọi nơi, mọi lúc thì dân chuyên cần vẫn thích cuốn thành điếu, ngồi trong quán cà phê hay thậm chí đang chạy xe ngoài đường cũng có thể lôi ra hút thoải mái.
Nhiều dân chơi cần sa cho biết, mặc dù là loại ma túy dạng nhẹ và nằm trong danh mục cấm buôn bán, tàng trữ và sử dụng, bị xử phạt giống như các loại ma túy khác, nhưng việc mua cần sa lại rất dễ dàng ở Hà Nội. Chỉ cần một cú điện thoại và giới thiệu “bạn anh ABC” nào đó là khách quen, người bán sẽ tận tụy đến tận nơi giao hàng.
Với các con nghiện cần sa, có thể cảm nhận ngay tác dụng của những hơi khói có mùi ngai ngái này. Đó là cảm giác hưng phấn nhẹ, cười nói nhiều, đói, lo lắng và hoang tưởng. Nguy hiểm hơn, dù rất nhẹ nhưng chất THC - phần của cây gây cảm giác phấn khích cao độ khiến người dùng nó thường xuyên sẽ bị nghiện. Về lâu dài, sử dụng cần sa dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm sinh lý, thường xuyên mệt mỏi, buồn ngủ, chán ăn cơ thể gầy còm mặc dù khi vừa hút xong cảm giác đói sẽ ăn rất nhiều.
Số cần được K.G "tiêu thụ" trong một ngày...
Có lẽ đó là lý do khiến những “học sinh chuyên cần” như K.G, Thành nói trên đều sở hữu cơ thể gầy còm, tính tình nóng lạnh thất thường, giảm trí nhớ… Các dân chơi hút cần đều phải công nhận đã nhìn thấy tác hại của loại cây nguy hiểm này như rơi vào trạng thái trầm cảm nhẹ, chán nản, mệt mỏi, lú lẫn, hay quên. “Nhưng khi được “mời” một điếu hay rủng rỉnh tiền trong người thì vẫn “rít lấy rít để”, nói chung là không hút thì bứt dứt khó chịu”, K.G chia sẻ.
Tự nhận mình là con nghiện cần từ hồi còn học ở Singapore, B.L (sinh năm 1992), nhà ở Lê Văn Hưu – Hà Nội, đến nay cũng xấp xỉ 4 năm làm bạn với làn khói ngai ngái này. Sáng ngủ dậy, nếu không “chích” tạm vài hơi, L khó mà ăn ngon miệng. Tối đến, L lại cùng hội bạn “chuyên cần” tụ tập ngồi hút bằng điếu cày ở một góc phố Hàng Hành, cùng cười sằng sặc và luyên thuyên những câu chuyện trên trời dưới bể.
Sử dụng cần sa lâu như vậy, L tâm sự nhiều lúc còn không nhận ra đâu là bản thân mình. Hay cáu giận vô cớ, ăn nói mất kiểm soát, cậu thường xuyên lên Facebook than thở chán nản và bi quan về cuộc sống. Thậm chí 4 năm nay L không yêu nổi ai với tính tình thất thường như thế. Càng chán (mà không hiểu mình chán vì cái gì), B.L lại càng chìm đắm trong cần sa.
Cần sa - con quỷ gây ảo giác
Các bác sỹ cho biết, hầu hết những người sử dụng cần sa là để trải nghiệm một cảm giác hưng phấn nhẹ và thư giãn, thường được gọi là ‘phê’. Cần sa gây ra những thay đổi tâm trạng của người sử dụng và cũng ảnh hưởng đến cách họ suy nghĩ và nhận thức môi trường.
Trong dược học, cần sa xếp vào nhóm chất gây ảo giác, gây ra nhận định sai lệch về không gian và thời gian. Người say cần sa có cảm tưởng trở thành con người khác như người hùng, siêu nhân, đấng cứu thế.
Người hút cần sa có cảm tưởng tay chân mình dài ra, vặn vẹo đi hay nhìn cảnh vật thấy hình dạng méo mó, những gì ở xa trở thành gần. Đã có trường hợp hút cần sa, trong cơn say thuốc, nhảy từ lầu cao xuống đất chỉ vì anh ta ở trên cao nhưng có cảm tưởng mặt đất quá gần và hai cánh tay có khả năng vỗ cánh như chim.
Điều rất đáng lưu ý ở đây là khi bị ảo giác, người hút cần sa rất dễ bị kích động thực hiện những hành động như cười điên dại, cầm dao tự cắt tay chân mình, chỉ cần một lời nói kích thì tội ác nào cũng dám làm, kể cả giết người. Một số thanh niên sau khi hút cần sa trở nên quậy phá, đua xe, đâm chém nhau cũng vì thế.
Nếu người nghiện ma tuý (như heroin) chỉ gây tội ác khi thiếu thuốc – tức gây tội ác để có tiền mua thuốc, thì người chơi chất gây ảo giác như cần sa thường gây tội ác do no thuốc – tức đang phê thuốc.
Cần sa được lấy ra từ cây cần sa, loại cây mọc hoang tại nhiều khu vực nhiệt đới và ôn đới trên thế giới. Cần sa đã được sử dụng từ lâu để lấy sợi dùng như chất ma túy hay trị bệnh. Có ba chất chính trong cần sa hiện đã được tìm thấy: cannabinoid, tetrahydrocannabinol (THC) và cannabinol. Trong ba chất này, THC là hoạt chất chính gây tác dụng về mặt tâm thần, gây “cảm giác phấn khích cao độ” . Tuỳ theo phân bổ vùng địa lý, hàm lượng THC trong cần sa có khác nhau. Cần sa được sử dụng trong ba hình dạng chính: cần sa, nhựa cần sa và dầu hash. Cần sa được làm từ hoa khô và lá của cây; là loại ít mạnh nhất trong tất cả các sản phẩm cần sa và thường được dùng để hút. Cách sử dụng cần sa phổ biến nhất là hút như hút thuốc lá. Ở nước ta hiện dân chơi còn thường dùng bình nhựa hút cần sa như hút điếu cày. Những tác dụng tức thời của việc sử dụng cần sa là: tạo cảm giác khoẻ mạnh, nói nhiều, buồn ngủ, mất sự kiềm chế, giảm buồn nôn, tăng sự thèm ăn, mắt đỏ ngầu, khô mắt, miệng và cổ họng, lo lắng và hoang tưởng. Ít có những nghiên cứu về ảnh hưởng lâu dài của cần sa, nhưng dựa trên các bằng chứng sẵn có, các hiệu ứng bất lợi lớn có thể xảy ra là: tăng nguy cơ các bệnh đường hô hấp liên quan đến hút thuốc, bao gồm ung thư; giảm trí nhớ và khả năng học tập, làm việc. Ngoài ra còn có nhiều lo ngại về sự liên hệ giữa sử dụng cần sa và các vấn đề sức khỏe tâm thần và nguy cơ nghiện. |
Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?