Giã từ nghề “xương máu”
Thứ hai, 21/10/2013 21:34

Ngày 6/8, tử tù đầu tiên đã bị thi hành án bằng phương pháp tiêm thuốc độc.

Khi biết trường Long Bình bắn sắp giải tỏa, ông Ba Son ghi tên tuổi, địa chỉ của các ngôi mộ tử tù còn nằm lại và tìm đến gia đình họ để thông báo

Khi biết trường Long Bình bắn sắp giải tỏa, ông Ba Son ghi tên tuổi, địa chỉ của các ngôi mộ tử tù còn nằm lại và tìm đến gia đình họ để thông báo

Đây là lúc các trường bắn bị “xóa sổ” và những người đảm nhận việc gội rửa, tẩm liệm, chôn xác tử tù… cũng chuyển sang nghề khác Với các phu trường bắn, công việc họ từng làm là nghề “xương máu”. Nó luôn ám ảnh họ cho đến khi giã từ trường bắn

Chúng tôi hẹn ông Ba Son ở một quán cà phê nhỏ nằm cạnh trường bắn Long Bình, phường Tân Phú, quận 9, TP HCM. Sau nhiều năm không gặp, người phu trường bắn này vẫn không có gì thay đổi với khuôn mặt hốc hác, làn da ngăm đen và mái tóc dài chấm vai của kẻ chịu nhiều sương gió. Chậm rãi nhấp từng ngụm cà phê, ông Ba Son bắt đầu kể về việc giải nghệ.

“Nghĩ lại thấy khiếp quá”

Theo ông Ba Son, thật ra, trường bắn Long Bình đã ngưng tiếng súng cách đây khoảng 2 năm. Kể từ đó, ông cũng chuyển sang nghề khác và ít đến nơi này. Chỉ những ngày rảnh rỗi, ông mới ghé thăm, thắp cho các tử tù vài nén hương rồi về.

Sau khi giải nghệ phu trường bắn, ông Ba Son làm bảo vệ cho một công ty trên địa bàn quận 9. Thu nhập tuy không cao nhưng cũng đủ để ông trang trải cuộc sống hằng ngày. Thế nhưng, công việc bảo vệ không được lâu dài, ông chuyển sang bán xăng cho một cửa hàng xăng dầu trên đường Hoàng Hữu Nam, cách trường bắn Long Bình chỉ hơn 1 km. “Thời gian đầu, tôi không mấy ưa thích nghề này vì có lẽ tôi sinh ra chỉ để làm cái việc chẳng giống ai - gội rửa và chôn xác tử tù” - ông Ba Son nói.

Một số chủ trại hòm thấy Ba Son tận tụy với nghề nên đã có ý định mời về đảm nhận việc khâm liệm tử thi khi có đám nhưng ông từ chối vì tuổi tác không cho phép. “Với lại, sau bao năm gắn bó với nghề “xương máu” này, giờ nghĩ lại, tôi thấy khiếp quá” - ông thổ lộ.

Từ khi đảm nhận việc gội rửa cho các tử tù và bốc mộ thuê ở trường bắn Long Bình, Ba Son đã quy tụ gần 10 người giúp ông chôn xác tử tù và chăm sóc trường bắn. Giờ đây, khi pháp trường đã ngưng tiếng súng, ông Ba Son giải nghệ thì họ cũng lần lượt tìm cho mình một công việc mới.

Ông Lê Văn Hòa (ngụ phường Long Bình, quận 9) cũng đã một thời làm phu trường bắn nhưng theo nghề chưa được 2 năm thì phải bỏ vì “thấy kinh hãi quá dù rất cố gắng vì miếng cơm manh áo”. Khi giải nghệ, ông kiếm sống bằng nghề thợ hồ, sau đó chuyển sang làm điện dân dụng.

Theo ông Hòa, thông thường, chỉ khi nào có tử tù bị thi hành án thì các phu trường bắn mới phải dậy sớm để đào huyệt, chuẩn bị áo quan và một số thứ cần thiết. “Để chôn xác tử tù, chúng tôi chỉ mất chưa đầy 1 giờ. Ngoài ra, thỉnh thoảng chúng tôi chỉ ra trông coi hoặc làm vệ sinh trường bắn. Đến ngày giỗ, gia đình các tử tù lại bồi dưỡng cho anh em một ít” - ông Hòa kể.

Cùng làm phu trường bắn với ông Ba Son không thể không nhắc đến ông Hai Em, một trong những người có thâm niên và đầy tâm huyết với nghề. Sau gần 20 năm làm ở trường bắn, giờ đây Hai Em đã đến tuổi nghỉ ngơi, đáng lẽ an hưởng tuổi già nhưng từ khi xa nơi này, ông vẫn phải bươn chãi bán vé số để kiếm sống.

Ám ảnh trộm xác

Sau quá trình làm việc ở Long Bình, đến nay, nhóm phu trường bắn do ông Ba Son đứng đầu vẫn chưa thoát khỏi sự ám ảnh bởi những vụ trộm xác. Thông thường, sau khi tử tù bị thi hành án, các đàn em và người thân lần lượt kéo đến để cướp xác về. Những lần như thế, các cuộc chạm trán lại xảy ra.

Chưa hết, nhiều băng nhóm khác thấy công việc của ông Ba Son và các cộng sự dễ kiếm sống nên đã không ít lần lần tới “huyết chiến” để giành giật địa bàn. Theo ông Ba Son, đã có hàng chục cuộc đụng độ lớn nhỏ giữa nhóm của ông và các băng giang hồ khác tại khu vực lân cận trường bắn.

“Trước đây, sau khi thi hành án, xác tử tù được chôn và canh giữ tại trường bắn chứ người nhà không có quyền đưa về. Điều này đã tạo công ăn việc làm cho các phu trường bắn như chúng tôi. Tuy vậy, cũng vì việc này mà một số anh em đã giải nghệ vì sợ đụng chạm” - ông Ba Son cho biết.

Theo nhiều phu trường bắn, ông Ba Son là người có thâm niên nhất trong cái nghề “xương máu” này với thời gian hơn 30 năm. Lúc mới vào nghề, cứ mỗi lần chôn xác tử tù, ông Ba Son lại mất 1 tuần ngán cơm, đưa thức ăn lên miệng là... chực ói, đêm ngủ phải cách ly vợ con.

Khi mới thành lập, nhóm phu trường bắn Long Bình có khoảng 30 người. Sau vài năm hoạt động, quân số ngày một ít dần vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Hơn 30 năm theo nghề, ông Ba Son và các công sự vẫn không thể nhớ đã có bao nhiêu tử tù được họ chôn cất.

Theo ông Ba Son, Long Bình là một trong những trường bắn lớn nhất khu vực phía Nam. Kể từ năm 1976, toàn bộ tử tù trên địa bàn TP HCM đều được đưa về đây để thi hành án. Thông thường, chôn một tử tù, nhóm phu trường bắn được trả công 250.000 đồng - 300.000 đồng. “Giờ đây, tuy đã giải nghệ nhưng những khuôn mặt tử tù vẫn cứ ám ảnh tôi” - ông Ba Son cho biết.

Giữ đức cho con cháu

Nghề phu trường bắn đã khiến ông Ba Son quen với lối sống chậm rãi, ít bon chen. Có thời gian ông không đảm nhận việc gội rửa và chôn xác tử thi mà chỉ chăm sóc các ngôi mộ.

Hằng ngày, ông Ba Son ra trường bắn để phát cỏ, lau bia và đắp lại những phần mộ bị gió thổi bay hết phần cát. Những ngôi mộ có phần bia bị mục nát cũng đã được ông thay bằng bia mới. Thậm chí, ông và một số anh em trong nhóm đã góp tiền xây bia, khắc tên các tử tù để người nhà khi đến thì dễ dàng nhận ra. Khi biết trường bắn sắp giải tỏa, ông Ba Son ghi tên tuổi, địa chỉ của các tử tù còn nằm lại và tìm đến gia đình họ để thông báo. “Nghề nào cũng vậy, phải giữ đức cho con cháu” - ông Ba Son bộc bạch.

Nld.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: Ba Son , Hai Em , Nghề trộm xác , Trường bắn long bình , Trộm xác , Tử hình , Hành hình