“Nhân tố tác động mạnh nhất đến giá điện chính là thị trường điện độc quyền. Hiện, điện của EVN chiếm 70%, nếu không giảm tỷ trọng này thì độc quyền vẫn còn, giá khó giảm”, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, cho biết.
Độc quyền nên lỗ
Tại Hội thảo Quản lý, điều hành giá điện theo cơ chế thị trường sáng 14/3, TS Tuyến cho rằng khâu truyền tải, phân phối điện nếu không có cơ chế lâu dài, bền vững thì khu vực phát điện ngoài EVN sẽ không bán được điện, không phát triển đầu tư được.
Giá điện tăng thiếu minh bạch, gây sốc cho người tiêu dùng. Ảnh: Như Ý.
Ông Vũ Xuân Thuyên, Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ KH-ĐT, cũng khẳng định, hiện EVN độc quyền trong cả 3 khâu: phát, truyền, phân phối. Độc quyền của EVN vượt xa độc quyền của ngành. “Giở hồ sơ EVN ra là thấy mua giá thấp, điều kiện ngặt nghèo, bán giá cao. Tôi có coi hồ sơ một loạt nhà máy điện của Tổng công ty Sông Đà, TKV, PVN, có những hợp đồng mua bán điện chỉ có 2,5 - 3,5cent/kWh. Liệu nhà đầu tư được hưởng bao nhiều phần trăm khi tăng giá điện. Bộ Tài chính, Công thương phải có cơ chế, nếu không chỉ làm lợi cho EVN, không thể huy động nhà đầu tư lớn. Cần rà soát lại tất cả các giá bán hiện nay của các nhà máy điện ngoài EVN, để thay đổi vấn đề quản lý giá điện”, ông Thuyên nói.
Độc quyền của EVN còn thể hiện trong nhóm lợi ích chính sách, thiếu điện là tăng giá để lấy vốn đầu tư. Gần đầy nhất là đề xuất thành lập công ty mua bán điện, mà 65% cổ phần thuộc EVN, tạo ra méo mó thị trường, mua bán và truyền tài sẽ không khách quan. Lãnh đạo EVN tuyên bố chỉ có lãi, nhưng khi cần tăng giá lại kêu lỗ.
Bù giá điện cho sắt thép, xi măng là vô lý
Nêu những bất cập trong giá điện, TS Nguyễn Thị Hiền, Học viện Tài chính, cho rằng, việc hỗ trợ điện cho người nghèo hiện nay không lớn, mà nhiều nhất là ở sắt thép, xi măng và một số ngành khác. Hiện tượng bù chéo cho thép và xi măng là vô lý. Không thể để người tiêu dùng bù chéo giá cho điện thương mại. Còn việc đầu tư ra ngoài ngành, làm ăn thua lỗ của EVN phải làm cho rành mạch.
Tại Hội thảo, TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Hà Nội có hỏi: “Điện là ngành duy nhất trong cả nước chỉ có lên chứ chưa bao giờ xuống. Tại sao giá luôn tăng trong khi nhu cầu ngày càng tăng, điện lại luôn luôn thiếu?”. Và ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương, trả lời: “Trên thế giới, giá điện cũng chỉ có một chiều tăng, không có giảm và Việt Nam đang đi đúng hướng với thế giới”.
Sau năm 2022 mới có điện cạnh tranh
Theo TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Kinh tế, Xã hội Hà Nội, việc thực hiện xây dựng giá sàn điện là rất cần thiết và không làm ai lỗ, cùng lắm chỉ là không có lãi. 100% người dân và doanh nghiệp sẽ chấp nhận giá này. Phải phân biệt các loại giá. Giá cho sắt thép, xi măng là ngành dùng rất nhiều, lại toàn vi phạm quy hoạch, nhưng lại được bảo vệ. Cần có cơ quan cao hơn Bộ Công thương để phân biệt giá này. Ngoài ra phải có cơ chế giải trình thông tin, mạnh dạn điều chỉnh cán bộ, mạnh dạn thay đổi cả ê kíp đứng đầu ngành điện để xử lý lợi ích nhóm.
Về việc vận hành thị trường điện cạnh tranh để giảm bớt độc quyền, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương, cho biết lộ trình đến năm 2015 sẽ có thị trường phát điện cạnh tranh. Hiện thị trường điện ở khâu phát đã đưa vào cạnh tranh, còn khâu phân phối là độc quyền tự nhiên, bởi không ai xây dựng mấy đường dây điện vào một nhà, cái này phải có cơ chế giá được giám sát và phê duyệt. Còn việc bán lẻ muốn tiến tới thị trường mà người dân có thể mua điện ở bất cứ nhà cung cấp nào là cả một quá trình lâu dài, có thể sau năm 2022. “Tuy nhiên, thị trường điện cực kỳ phức tạp, trên thế giới cũng vậy, có nước thành công, có nước thất bại”, ông Cường nói.
Riêng việc cổ phần ngành điện, ông Cường cho biết hiện đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bán cổ phần những nhà máy không phải chiến lược, nhưng trong tình hình hiện nay, liệu “bán có ai mua hay không, bán dưới giá phát hành ban đầu cũng chưa chắc có ai mua".