Nghiêm cấm hoạt động đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch, đặc biệt là trong khuôn viên di tích và lễ hội. Được biết, năm nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức nhiều đoàn đi thanh kiểm tra đột xuất về việc tổ chức lễ hội nhằm thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.
Những năm trước, báo chí phản ánh tình trạng có nơi phải thu dọn bằng cách quét tiền lẻ như lá khô, nhiều đền chùa nổi tiếng sau mùa lễ hội thu về hàng trăm bao tải tiền, phải thuê cả người để đếm, thuê ô tô để chở tới ngân hàng.
Đáng mừng, theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong ngày hôm qua, cảnh tượng rải tiền lẻ bừa bãi đã giảm thiểu đáng kể tại Lễ hội chùa Hương. Người dân đã bắt đầu có ý thức hơn đặt lễ tiền giọt dầu đúng nơi quy định của nhà chùa.
Trao đổi trên VTV mới đây về vấn nạn nhét, rải tiền lẻ bừa bãi tại những chốn tôn nghiêm như đền chùa, Tiến sĩ khoa học ngữ văn Đoàn Hương gọi đó là hành động “hối lộ thần linh”. Còn theo các nhà nghiên cứu văn hóa, hiện tượng rải tiền lẻ bừa bãi, thậm chí nhét cả vào miệng tượng phật phản ánh lỗ hổng lớn về văn hóa tín ngưỡng trong một bộ phận không nhỏ dân chúng, xúc phạm tới đấng thần linh. Ngoài ra đó cũng là hành vi thiếu tôn trọng đồng tiền quốc gia.
Nhiều người đi lễ quan niệm giản lược rằng “trần sao, âm vậy”. Song nếu với quan niệm đó để mang mâm cao cỗ đầy đi lễ chùa, để vung tiền thật nhiều làm công đức, để rải tiền lẻ bừa bãi khắp nơi với hy vọng sẽ cầu được nhiều tài lộc, được nhanh thăng quan tiến chức chắc… không ổn. Dẫu trên dương gian vấn nạn hối lộ, tham nhũng vẫn nhức nhối, vẫn là quốc nạn chưa bị đẩy lùi, song chắc chắn không thể “hối lộ” được đấng thần linh mà còn phạm tội báng bổ, xúc phạm tới chốn tôn nghiêm.
Hy vọng mùa lễ hội năm nay, với sự khởi đầu đáng ghi nhận tại chùa Hương, chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ sẽ được người dân tự giác thực hiện, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.