Nhu cầu tuyển giảng viên quá lớn, đặc biệt ở các trường ngoài công lập, để đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT khiến việc tuyển dụng giảng viên có nhiều kẽ hở.
Bằng giả lên giảng đường? |
Chủ tịch HĐQT cũng dùng bằng giả!
Mới đây, việc ông Hồ Quang Hải sử dụng bằng cấp giả làm giảng viên tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng gióng lên hồi chuông báo động về việc kiểm định bằng cấp giảng viên của các trường.
Nói về vụ việc này, PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết thời điểm trước đó có bố trí Hải hướng dẫn sinh viên thực tập, đồng thời làm thủ tục xác minh hồ sơ của Hải. Tuy nhiên, việc xác minh hơi chậm trễ, trong khi Hải đã có một số hoạt động vi phạm pháp luật. Vì vậy, lãnh đạo trường đã ra quyết định sa thải ông Hải. “Đây là sơ suất lớn của trường. Từ năm 2011, rút kinh nghiệm từ vụ việc này, bộ phận tuyển dụng được yêu cầu rà soát lại tất cả giảng viên xin việc. Nếu là bằng cấp trong nước, phải gửi về các trường ĐH, CĐ để xác minh. Nếu là bằng nước ngoài phải yêu cầu cá nhân gửi hồ sơ về Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) xác minh và nộp kèm hồ sơ xin việc”, ông Hùng nói.
Cũng liên quan đến việc sử dụng bằng giả làm giảng viên, tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên, cho biết vào tháng 2.2012, khi ông lên làm hiệu trưởng, qua việc siết chặt quy trình xác minh bằng cấp và rà soát lại giảng viên đã phát hiện Phạm Đức Hiệp (trú xã Hòa Tiến, H.Krông Pách, tỉnh Đắk Lắk) sử dụng bằng giả. Vụ việc được chuyển đến cơ quan điều tra. Quá trình điều tra còn phát hiện Hiệp làm nhiều loại văn bằng, chứng chỉ giả tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ ở Hà Nội, Huế, TP.HCM; trong đó có cả bằng thạc sĩ. Nhờ các văn bằng này, Hiệp được nhận vào giảng dạy ở một số trường TC, CĐ tại Đắk Lắk và ĐH Tây Nguyên.
Theo tìm hiểu của PV, chủ tịch HĐQT của một trường CĐ ngoài công lập cũng từng xài bằng giả. Để thu hút vốn, hiệu trưởng lúc đó của trường đề nghị một người bên ngoài bỏ 6 tỉ đồng đầu tư vào trường. Người này không có cả bằng tốt nghiệp THPT. Vì vậy, để đảm bảo đủ chuẩn làm chủ tịch HĐQT theo quy định, hiệu trưởng đề nghị người này mua bằng tốt nghiệp THPT giả và bằng cử nhân giả Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Bộ không thể kiểm soát nên dễ dàng công nhận người này làm chủ tịch HĐQT. Khi hai bên xảy ra xung đột, chính ông hiệu trưởng lại tố cáo chủ tịch HĐQT sử dụng bằng giả!
Một phó hiệu trưởng trường CĐ nhìn nhận, do quá thiếu giảng viên và cán bộ quản lý có trình độ, nhiều trường không cần xác minh bằng cấp mà nhận vào ngay. Các trường chỉ cần thấy có dấu công chứng là yên tâm, trong khi dịch vụ công chứng nhiều nơi rất dễ dàng. “Khi xảy ra chuyện, lãnh đạo các trường đều đổ hết trách nhiệm về cá nhân làm sai và cho biết mình không có khả năng thẩm định bằng cấp là xong”, ông này cho biết.
Qua loa với bằng nước ngoài
Bộ có quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người VN do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp. Theo đó, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ là nơi công nhận bằng tốt nghiệp TCCN, CĐ, ĐH, thạc sĩ và bằng tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài. Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, hiện tại Cục vẫn tiếp nhận kiểm định văn bằng tốt nghiệp nước ngoài theo quy trình cá nhân, nhưng không có trường nào gửi hồ sơ giảng viên đến nhờ xác minh.
Trong khi đó, để tránh qua xác minh của Bộ, có trường thậm chí tư vấn người học đến Lãnh sự quán của các nước để chứng thực bằng cấp. Sau đó, đến Sở Ngoại vụ TP.HCM để chứng thực con dấu này.
Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, có nhiều cách xác minh bằng do ĐH nước ngoài cấp. Đối với trường hợp bằng giả, có thể xác minh thông qua Đại sứ quán VN vì theo quy định các du học sinh đều phải báo cáo kết quả học tập trước khi về nước; trường ĐH nước ngoài nơi ứng viên theo học; các kết quả học tập, bao gồm bài báo, công trình, luận án... Với trường hợp bằng thật nhưng do trường giả, trường không được kiểm định cấp thì việc xác minh tương đối phức tạp. Cụ thể cần xem trường đó có được cấp phép hoạt động, có được các tổ chức uy tín kiểm định và công nhận hay không; có địa chỉ, khu học xá, danh sách giảng viên có bằng cấp hay không, chương trình, thời gian đào tạo và điều kiện tốt nghiệp có liệt kê đầy đủ hay không, có mua bán bằng được hay không…
Tiêu chuẩn giảng viên
Giảng viên phải hội đủ các tiêu chuẩn sau: phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt. Bằng tốt nghiệp ĐH trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Bằng thạc sĩ trở lên đối với giảng viên dạy các môn lý thuyết của chương trình đào tạo ĐH; bằng tiến sĩ đối với giảng viên giảng dạy và hướng dẫn chuyên đề, luận văn, luận án trong các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Có trình độ ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu công việc. Đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp. Lý lịch bản thân rõ ràng.
Theo điều 24 Quyết định ban hành Điều lệ trường ĐH của Thủ tướng Chính phủ (58/2010/QĐ-TTg)
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?