Du khách Tây mê cảnh đẹp của dòng sông truyền thuyết

“Sông Thu Bồn chảy ra Cửa Đại/ lạch Bình Long chảy mãi ra Hàn”, “Ngó lên Hòn Kẽm đá dừng, thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi!”… là những câu ca dao xứ Quảng gắn liền với sông Thu Bồn nổi tiếng dài hơn 200 km.

Du khách phương Tây trên sông Thu Bồn. Ảnh: Trương Điện Thắng

Ngày nay đã có nhiều tour đưa du khách từ Hội An ngược dòng sông Thu để ngắm cảnh đẹp hai bên bờ; nhưng có lẽ khoảng thời gian mà người ta thích du ngoạn nhất là vào lễ hội bà Thu Bồn tổ chức vào ngày 12/2 âm lịch hằng năm. Xuất phát từ Ngọc Linh, ngọn núi cao nhất Trường Sơn với độ cao trên 2.500 mét so với mực nước biển, sông Thu Bồn ban đầu là hợp lưu của nhiều con suối nhỏ chảy qua địa phận huyện Nam Trà My thuộc vùng tây nam Quảng Nam với cái tên Đắk Di. Khi qua các huyện trung du Tiên Phước, Hiệp Đức, Đắk Di hợp lưu với nhiều suối khác trở thành sông Tranh chảy về xuôi. Qua khỏi Trà Linh đến Hòn Kẽm Đá Dừng, nay thuộc huyện Nông Sơn, sông bắt đầu mang tên Thu Bồn và chảy về Cửa Đại, Hội An…
 
Nhiều lần xuôi ngược trên dòng sông này từ Cửa Đại đến Hòn Kẽm Đá Dừng và cũng nhiều lần nghe kể lại truyền thuyết bà Thu Bồn, nhưng cứ mỗi lần như vậy tôi lại có thêm một dị bản, tùy thuộc từng địa phương nhưng ý nghĩa vẫn không đổi.
 
Tương truyền làng Thu Bồn (nay thuộc xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên) ngày xưa có gia đình phú hộ sinh được người con gái đẹp. Lúc mới ra đời, cô gái không hề khóc mà cười rất tươi. Khi lên năm tuổi, cô gái đã biết dùng các phương pháp ngoại khoa và thảo mộc địa phương để trị bệnh cho dân trong vùng. Càng lớn cô càng xinh đẹp và không chịu lấy chồng để tập trung lo cứu người. Đến 50 tuổi, người dân đã tôn bà là Đức Bà Hằng Cứu Thế... Bà đã nhập chốn bồng lai vào đúng giờ Ngọ ngày 12/2 âm lịch. Lễ tẩm liệm chỉ dùng hoa lá ở đình làng Thu Bồn. Sau bảy ngày đêm, người ta nghe hương thơm của các loài hoa bay tỏa khắp làng. Nắp áo quan bỗng mở tung và bên trong chứa đầy hoa sứ trắng. Thân xác bà và những loại lá cỏ tẩm liệm đã biến mất! Từ đó về sau, những năm hạn hán, lụt lội người dân trong vùng đói khổ, bà đều linh ứng hiện về cứu giúp... Để đền đáp công ơn của bà, dân trong vùng xây một dinh lớn thờ chiếc áo quan, để hằng năm hành lễ.

Nhiều lái thuyền dọc sông Thu kể rằng: Thuyền buôn ngược sông trong mùa nước lớn thường được bà hiện lên đưa qua những chỗ hiểm nghèo. Đến làng Phường Rạnh cách làng Thu Bồn khoảng 15 cây số thì bà bay lên và khuất vào một lùm cây sợp ven bờ. Dân làng Phường Rạnh, Đại Bường, Trung Phước từ đó dựng thêm một dinh thứ 2 thờ bà 2 chỗ cây sợp ấy…

Truyền thuyết về bà Thu Bồn được kể theo nhiều cách khác nhau trong dân gian. Nhưng bài vị thờ trong lăng bà thì ghi là Bô Bô phu nhân, căn cứ theo sắc phong “Mỹ Đức Thục Hạnh Bô Bô phu nhân Thượng đẳng thần” từ thời vua Minh Mạng. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hồng, dù là Bô Bô phu nhân theo tên Chăm hay bà Thu Bồn theo cách gọi Việt, thì đó vẫn là “sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố Chăm-Việt trong tín ngưỡng, thể hiện ở chỗ bà được xem là vị thần bảo hộ cho cả cư dân sống trên cạn lẫn cư dân sống bằng nghề sông nước...”.

Lễ hội bà Thu Bồn đã có từ 300 năm trước và càng ngày người đi trẩy hội và lễ cúng bà càng đông. Tuy câu chuyện có nhiều chi tiết huyền bí, nhưng đều cho thấy lòng tin của người dân vào sức mạnh của một dòng sông. Nó sẽ đem về phù sa cho bao nhiêu xóm làng trù phú hoặc tai họa khó lường, tùy thuộc vào cách cư xử của con người với thiên nhiên.