Dự án treo, thảm hoạ được báo trước!
Thứ hai, 21/10/2013 15:06

Chúng ta chỉ còn 3,8 triệu ha đất để canh tác lúa và miếng da lừa này vẫn đang ngày ngày bé lại trong khi vẫn còn tới hơn 70 % dân số sống nhờ vào ruộng đồng.

Không ít những dự án, sau cuộc tranh cướp đầy bi hài, tạo ra vô vàn hệ luỵ pháp lý và tình cảm, thì lại bỏ hoang năm này sang năm khác như đã liệt kê.

Không ít những dự án, sau cuộc tranh cướp đầy bi hài, tạo ra vô vàn hệ luỵ pháp lý và tình cảm, thì lại bỏ hoang năm này sang năm khác như đã liệt kê.

Tại Mianma con số này là 23 triệu ha và người dân đã lo lắng quyết liệt chống lại việc thu hẹp đất canh tác. Liệu có ai đủ sự  vô cảm để yên tâm về điều này?

Dự án treo là dự án đã được cơ quan chức năng phê duyệt quy hoạch, bên làm dự án đã nhận mặt bằng (qua một vụ thu hồi đất luôn luôn ở mức thảm khốc với người bị lấy đất, thậm chí vẫn đang là nguyên nhân nóng bỏng của những cuộc khiếu kiện kéo dài, tác động trực tiếp đến hàng triệu người), nhưng sau đó thì cứ bỏ đấy, năm này sang năm khác cho cỏ mọc mà không triển khai tiếp, vì muôn vàn lý do. Con số những dự án như thế này không thể nào tính xuể.

Đài truyền hình Việt Nam, trong một chương trình phóng sự còn khá khiêm tốn, cũng đã đưa khán giả qua khắp Bắc-Trung-Nam để tận mắt thấy hàng trăm ngàn ha diện tích đất trồng lúa, trồng mầu, trồng cây công nghiệp, diện tích bờ biển …bị bỏ hoang nhiều năm, vì những dự án treo! Nó là hậu quả của một chính sách quá bốc đồng, lạc quan tếu, lại được dung dưỡng bởi lòng tham vô đáy của những con bạch tuộc coi tiền là tất cả. Địa phương nào cũng có quyền cho mở khu Công nghiệp, phê duyệt các khu nghỉ dưỡng, sân gôn… thì họ tội gì mà không làm. Thứ nhất được tiếng là nhạy bén, mẫn cán trong công việc, có tầm nhìn xa, tư duy lớn khi tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút được nguồn vốn tư bản về địa phương mình, đi kém là công ăn việc làm, cải thiện đời sống, tăng thu ngân sách…Nghĩa là bảng thành tích lãnh đạo sẽ dày lên. Tất nhiên những thứ đó hãy cứ còn trên giấy và chưa cần biết khi nào thì nó thành hiện thực. Nhưng có một thứ hiện ra ngay là tiền, rất nhiều tiền, gọi là tiền bôi trơn thủ tục mà các nhà đầu tư phải ném ra để chạy chọt. Tiền đó đương nhiên là chảy thẳng vào những cái túi cá nhân không đáy. Tiền đã vào túi rồi thì “sống chết mặc bay”. Bay ở đây là hàng ngàn hàng vạn gia đình mất đất sống dở chết dở, thậm chí nhiều gia đình vì thế mà tan cửa nát nhà, tha phương cầu thực! Bay ở đây còn là chính những nhà đầu tư. Họ phải dùng mọi thủ đoạn để “chiến đấu với đồng bào mình”, từ khung giá đền bù, tiến độ giải ngân, những lời hứa suông, đến không còn thiếu thủ đoạn nào để cắm mốc định danh phần đất mà Nhà nước địa phương giao cho họ.

Cuộc chiến có lúc, có nơi không thiếu sự nóng bỏng, thậm chí từng có lửa cháy, máu chảy. Đất đai thì có hạn, cho nên phải nhanh chân xí phần. Vì thế, dù chưa có một đồng vốn, chưa biết làm việc gì, nhiều người vẫn cứ vay tiền gom đất trước. Vào thời hoàng kim của bất động sản, khu nghỉ dưỡng, xưởng chế xuất…nhiều dự án khổng lồ mọc lên ngay sau đó, tạo ra hiệu quả kinh tế nhất định, tức là việc thu hồi đất ít nhiều còn có hiệu quả thực và vì thế có lý do chính đáng. Nhưng không ít những dự án, sau cuộc tranh cướp đầy bi hài, tạo ra vô vàn hệ luỵ pháp lý và tình cảm, thì lại bỏ hoang năm này sang năm khác như đã liệt kê. Phần lớn chúng chỉ được xây tường bao, để xác định ranh giới sau khi tước bỏ vĩnh viễn khả năng canh tác của nó bằng việc cho vét đất mặt rồi thay thế bằng lớp cát sỏi hỗn hợp. Nghĩa là nếu những khu đất vốn là bờ xôi ruộng mật ấy mà không được sử dụng làm dự án, thì chỉ còn tác dụng duy nhất là bỏ hoang.

Sau đây là một vài con số:

Chỉ riêng một xã Tiến Xuân Hà Nội, đã có cả thảy thảy 24 dự án treo (chiếm một nửa số dự án đã thu hồi đất). Số đất nông nghiệp của xã này biến mất trong thời gian qua là 900 ha!

Huyện Nhà Bè (TP.HCM) xã nào cũng có dự án “treo”.

Tại Ðồng Nai trong hơn 9.200 ha đất KCN, vẫn còn 2.700 ha chưa được sử dụng…

Các điểm nóng dự án treo khác phải kể đến Bắc Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Hà Nam, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Cần Thơ…

Nói gọn lại thì hầu như tỉnh thành phố nào trong cả nước cũng có dự án treo.

Theo Viện Phát triển bền vững Ðông Nam Bộ thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, trong hơn mười năm qua, diện tích đất nông nghiệp Ðông Nam Bộ giảm 90 nghìn ha, từ 1,45 triệu ha (năm 2000) xuống còn 1,36 triệu ha (tính đến cuối 2011). Từ khi nghiên cứu này công bố, không biết “miếng da lừa” hẹp thêm lại bao nhiêu?

Nhưng những thông tin chỉ ấn tượng bởi con số, dù rằng đó là những con số khủng khiếp. Còn trên thực tế, bất cứ ai có điều kiện đi dọc từ Bắc vào Nam, len lỏi đến các vùng trung du Bắc bộ, các tỉnh từng là vựa lúa, vựa ngô đều được chứng kiến những cánh đồng mênh mông một thời, những cánh đồng không chỉ làm cho con người no ấm, tử tế, mà còn cho cuộc sống vẻ đẹp, niềm an bình, giờ biến thành những bãi đất chết, nhiễm độc từng ngày vì đủ loại phế thải, trở nên thù nghịch với chính chủ nhân một thời của nó. Về mặt quản lý quy hoạch, phát triển kinh tế thì đó là một sự yếu kém thảm hại; về mặt văn hoá thì đó là sự xúc phạm không thể tha thứ; còn về khía cạnh đạo đức thì nó chỉ cho thấy rõ hai điều: Lòng tham vô đáy và thói ích kỷ của con người đã xuống tới mức u tối.

Điều nghịch cảnh là trong khi đất canh tác bị bỏ lãng phí, thì hàng triệu nông dân mất việc làm, phải ly hương, ly nông, kiếm ăn trên các đường phố trong đói khát, bệnh tật, tai hoạ. Bản thân họ là nạn nhân. Nhưng rất nhiều trong số đó là nguyên nhân của các vụ án kinh hoàng với nhiều nạn nhân khác. Quá trình này đang tiến tới một giới hạn nguy hiểm, không thể kiểm soát được.

Chúng ta hay nói đến sự trả thù của thiên nhiên cho việc con người phung phí tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Nhưng còn có sự trả thù khác khốc liệt hơn mà chúng ta cứ vờ như không biết, đó là sự trả thù của tương lai. Điều đó đang hiện hữu ngày một rõ nét trong đời sống hàng ngày. Hàng triệu trẻ em, thanh niên nông thôn đang phải đối mặt với sự thực cay đắng là họ không thể thoát kiếp nông dân nhưng lại không được làm nông dân, chỉ vì không có đất! Con số gia nhập đội quân thất thế, đội quân thù nghịch vì tăng trưởng ấy vẫn đang tăng lên từng ngày!

Chúng ta đang hành động như những người thích đi ngược chiều: Trong khi trên thế giới, chỉ những khu đất ít khả năng canh tác mới biến thành đất công nghiệp, đó là điều kiện mang tính pháp lý và đạo đức. Và đi kèm với những khu chế xuất, khu công nghiệp…luôn luôn là hệ thống hạ tầng mới tinh, có khả năng văn minh hoá những khu vực xa xôi ấy-cũng trở thành một thứ điều kiện mang tính ràng buộc nghiêm khắc. Còn ở ta, hãy thử đi dọc những con đường cắt ngang qua những đồng bằng để thấy điều kiện trên kia bị đảo ngược như thế nào? Chỉ thấy rõ nhất biểu hiện của sự “cướp bóc”, trước hết là cướp bóc thịnh tình của thiên nhiên, sau đó là cướp bóc của chính con cháu mình. Chưa ai chịu khó bỏ công ngồi tính xem, khi hàng trăm ngàn ha đất nông nghiệp bị thu hồi rồi bị bỏ hoang, thất thoát tài sản cho xã hội là bao nhiêu, thất thoát kỷ cương là bao nhiêu, thất thoát niềm tin là bao nhiêu…?

Nhưng chỉ cần một phép tính nhẩm đơn giản, thì với số đất đó, khoảng hơn 2 triệu nông dân mất việc quanh năm. Với những người này, tăng trưởng kinh tế, tăng các lợi ích phúc lợi hầu như không có ý nghĩa gì với họ. Họ bị đẩy ra rìa, trở thành vật hy sinh cho sự giầu có của những người mà trước sau họ cũng căm ghét. Trên lý thuyết và thực tế, điều đó đều là ẩn hoạ, mầm mống của những rối loạn, bạo loạn xã hội.

Tạ Duy Anh

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: Dự án , Quy hoạch , Vô cảm , Đất đai , Bỏ hoang , Hoang hóa