Khi nước Nga xuất khẩu vốn
Công cuộc tư nhân hóa, hiện đại hóa và dân chủ hóa của nước Nga là thời kỳ cần đến vốn và công nghệ từ phương Tây nhiều nhất, nhưng lạ thay, nước Nga lại xuất khẩu vốn sang phương Tây nhiều hơn là ngược lại. Những tỷ phú mới phất lên nhờ mua rẻ những tài sản nhà nước (đặc biệt là các công ty khai thác tài nguyên) trong cuộc tư nhân hóa thần tốc thời Yeltsin đã chuyển vốn ra nước ngoài, tiêu xài vào những món đồ chơi hàng tỷ USD thay cho việc tạo ra công ăn việc làm và nâng cao giá trị gia tăng ở trong nước. Nổi tiếng nhất là Roman Abramovich, với món đồ chơi Chelsea.
Ông chủ của Chelsea không phải là trường hợp duy nhất chuyển vốn ra nước ngoài. Người ta lý giải rằng, họ trốn tránh một cuộc thanh trừng do Putin chủ trương, nhằm vào các tỷ phú Nga phất lên thời Yeltsin, những người thao túng nền chính trị và kinh tế Nga. Tiêu biểu trong số này là Mikhail Khodorkovsky, người giàu nhất nước Nga ở thời điểm trước khi ông vào tù gần 10 năm trước.
Nói đến bóng đá Nga, người ta lại nghĩ đến... Chelsea, với ông chủ là Abramovich
Putin, người giúp nước Nga vượt qua thời kỳ hỗn loạn sau thời kỳ chuyển đổi, muốn khôi phục vị thế và niềm kiêu hãnh của nước Nga. Nhưng nghịch lý giữa khát vọng phục hưng nước Nga với thực tế tài sản lại chuyển ra ngoài, cho thấy sự nan giải của công cuộc mà Putin theo đuổi.
Một nghịch lý khác liên quan đến thể thao. Putin luôn được biết đến như là một vận động viên đai đen môn Judo, mà người Nhật sản sinh ra nó chứ không phải người Nga, và còn được gọi là “Nhu đạo”, với nguyên lý lấy nhu chế cương, trong khi ông luôn thể hiện mình là người mạnh mẽ, cứng rắn. Thời Putin, môn thể thao cá nhân như tennis không còn được khuyến khích như thời Yeltsin, nhưng môn thể thao đồng đội cũng không vì thế mà nhận được nhiều hỗ trợ. Những môn thể thao bao cấp như thể dục dụng cụ, trượt băng... từng giúp Liên Xô thống trị các kỳ Olympic nay đã trượt dốc, trong khi các môn thể thao đại chúng cũng không đạt được bước đột phá nào, nếu không có các tỷ phú tài trợ.
Dù hình ảnh của Putin được xây dựng như vị cứu tinh của nước Nga, chúng ta không biết điều gì về mối liên hệ giữa Putin và bóng đá.
Khi nước Nga xuất khẩu cầu thủ
Sau thành công đầy ấn tượng ở EURO 2008 với việc đội tuyển Nga vào tới bán kết bằng lối chơi thuyết phục, những cầu thủ tài năng nhất của bóng đá Nga lần lượt kéo ra nước ngoài, gồm đội trưởng Arshavin, chủ công Pavlyuchenko, rồi nữa là Zhirkov, Pogrebnyak, nối tiếp Kerzhakov.
Nghịch lý ở chỗ, trong lúc vài ông chủ Nga muốn nâng tầm giải vô địch Nga thông qua việc đầu tư đặc biệt vào một vài CLB như Zenit, Kazan, và CSKA, thì lại là lúc các cầu thủ hàng đầu xuất ngoại. Hệ quả là, những quyền lực mới nổi của bóng đá Nga đang gây ấn tượng ở đấu trường châu Âu, giờ lại trở về với thân phận kẻ chầu rìa, trong khi các tuyển thủ Nga hàng đầu không ai vươn lên tầm ngôi sao khi xuất ngoại, thậm chí mất dần vị trí chính thức ở CLB của mình.
Sự sa sút của Arshavin trong màu áo Arsenal là một điển hình, đến nỗi anh - cũng như Kerzhakov - phải trở về Zenit để được ra sân thường xuyên nhằm chuẩn bị cho giải EURO này. Và anh vẫn sẽ là đội trưởng của đội tuyển xứ Bạch Dương.
Sự thành công của đội tuyển Nga ở kỳ EURO 2008 là lời giới thiệu của nước Nga với bóng đá châu Âu một thế hệ cầu thủ mới, được đào tạo sau khi Liên Xô sụp đổ, với thứ bóng đá “động” kiểu Nga pha trộn với yếu tố sáng tạo cá nhân do các cầu thủ được giải phóng hơn. Đáng tiếc, những nghịch lý trong bối cảnh chung của nước Nga đã cản trở sự phát triển liên tục của các cầu thủ và lối chơi ấy, để lại hình ảnh khá nhạt nhòa trong hiện tại.
Đội tuyển Nga cũng không còn được dẫn dắt bởi Guus Hiddink, chiến lược gia hiểu về bóng đá Nga hơn chính người Nga.
Dù sao, HLV hiện tại Advocaat cũng không phải là HLV tầm thường, trong khi các đối thủ của Nga ở bảng A đều khá tầm thường. Một vé vào vòng sau là hiện thực, nhưng làm “ngựa ô” thì quá khó với đội tuyển của một nền bóng đá mất phương hướng.