Đội đặc nhiệm chống khủng bố trên biển
Thứ hai, 05/03/2012 16:42

Tất cả những khả năng, kỹ năng tác chiến của mỗi chiến sĩ đội đặc nhiệm chống khủng bố của Đoàn 126 (Đoàn đặc công hải quân 126 - Quân chủng hải quân VN) hầu như nằm gọn trong một từ: nhanh.

Các chiến sĩ đặc nhiệm thực hiện thao tác tiếp cận mục tiêu từ dưới nước - Ảnh: Đoàn đặc công hải quân 126 cung cấp

Đây là lực lượng tinh nhuệ đặc biệt: vừa có thể tác chiến trên bộ, trên biển và cả... trên trời.

Tất cả đều liên quan đến yếu tố thời gian: tinh nhanh, chính xác, kịp thời, chạy nhanh, trèo nhanh, bơi nhanh, nhảy nhanh. Đó là những kỹ năng mà mỗi chiến sĩ trong đội đặc nhiệm có được sau thời gian huấn luyện.

Họ có khả năng chạy liên tục trên quãng đường 48km. Họ có kỹ năng tác chiến nhanh như chim cắt, leo tường đứng thẳng cao hàng chục mét, leo ống nước, dây chống sét, vận động trên nóc nhà nhưng không gây tiếng động. Đồng thời, có thể bơi liên tục từ 4-8 giờ hoặc cả ngày. Không chỉ giỏi võ thuật, bơi lặn như người nhái, mỗi chiến sĩ trong đội đặc nhiệm chống khủng bố đều là những tay súng thiện xạ.

Khóa huấn luyện đặc biệt

Thành lập từ tháng 2-2005, đội đặc nhiệm chống khủng bố của Đoàn 126 chuyên thực hiện những nhiệm vụ chống khủng bố trên đất liền và trên biển. Trong một đơn vị tinh nhuệ như Đoàn 126, đội đặc nhiệm chống khủng bố lại là nơi tập trung những gương mặt ưu tú nhất, xuất sắc nhất về sức khỏe, bản lĩnh, trình độ chuyên môn, có lý tưởng... được tuyển chọn từ đội đặc công người nhái, vốn được coi là lực lượng đặc biệt của Đoàn 126.

“Trong các hội thao hay huấn luyện hợp đồng nhảy dù, nhảy đổ bộ trực thăng bằng dây trượt... chúng tôi luôn chọn đội đặc nhiệm chống khủng bố tham gia diễn tập và luôn đạt thành tích rất cao” - đại tá Đoàn Văn Mạnh, chính ủy Đoàn đặc công hải quân 126, cho biết.

Năm 2006, đại úy Thiều Đình Trúc - đội trưởng đội đặc nhiệm chống khủng bố - là người VN duy nhất được chọn vào lớp đào tạo biệt kích diễn ra tại một quốc gia châu Á. Giáo trình lấy từ chương trình huấn luyện biệt kích đặc biệt của châu Âu.

Đây là khóa học có chương trình tuyển chọn rất khốc liệt và quá trình huấn luyện dài bốn tháng. Ban tổ chức chọn và loại thí sinh đầu vào trực tiếp bằng sức khỏe và ý chí. Khóa huấn luyện hơn trăm người nhưng chỉ hơn mười người vượt qua đợt tuyển chọn!

Biệt kích là lực lượng tinh nhuệ nên những bài huấn luyện rất căng thẳng. Đại úy Thiều Đình Trúc kể: “Đi huấn luyện mà cứ một xe cấp cứu, một xe chở nước uống túc trực. Ai có vấn đề gì là cho lên xe chở vào bệnh viện... loại ngay! Suốt bốn tháng, mỗi ngày chúng tôi chỉ ngủ được một tiếng đồng hồ. Trước khi ngủ, có khi giáo viên huấn luyện yêu cầu để nguyên quần áo nhảy xuống hồ! Có đêm họ bắt chạy mấy tiếng đồng hồ”.

Khóa huấn luyện diễn ra vào mùa mưa mà trung tâm huấn luyện lại là rừng đồi hoang dã nên lúc nào cũng ẩm ướt. Ban đêm nhiệt độ xuống rất thấp nhưng giáo viên huấn luyện chỉ cho học viên một ít cồn và ít gạo ăn đủ cho một ngày nhưng yêu cầu phải sống được... 14 ngày (bảy ngày trong rừng và bảy ngày trên sông biển)!

Học viên được dạy cách bẫy thú rừng rồi được đưa ra một khu rừng có nhiều động vật để huấn luyện sống sót. Sau đó là một tuần sống sót trên biển trong tình huống người lính bị lạc đơn vị.

“Chúng tôi được học nhiều phương pháp chuyên ngành, các bài huấn luyện thể lực như chống đẩy, chạy 10km vào buổi sáng, nhảy từ trên cầu cao 12m, chân đeo chân nhái, bơi 4km, ăn sáng thể dục sáng. Vì mật độ huấn luyện quá dày đặc và đòi hỏi cao về thể lực, sức bền nên nhiều lúc có người vừa chạy vừa lau súng, vừa bơi vừa ngủ gật!” - đại úy Thiều Đình Trúc kể.

Sau bốn tháng tuyển chọn, khi con số chỉ còn lại hơn mười người, ban huấn luyện mới bắt đầu đào tạo chuyên ngành và huấn luyện chuyên sâu. Lúc này, học viên được huấn luyện rất khoa học nhằm đảm bảo sức khỏe và nâng cao các kỹ năng chuyên môn.

Đại úy Trúc cho biết: “Họ cho học viên bắn súng thoải mái. Học viên thích bắn bao nhiêu cũng được, chỉ là để cảm nhận được cò súng và thật quen với tiếng súng nổ. Sau đó là những bài huấn luyện kỹ năng chuyên sâu hơn như bắn ở nhiều tư thế, các kỹ năng đổ bộ, leo trèo, nhảy... khi tác chiến”.

Cán bộ, chiến sĩ đội Đặc nhiệm chống khủng bố khởi động trước một chuyến nhảy dù - Ảnh: Đoàn Đặc công hải quân 126 cung cấp

Trực thăng chuẩn bị thả quân nhảy dù trong bài huấn luyện đổ bộ - Ảnh: Đoàn Đặc công hải quân 126 cung cấp

Chiến sĩ đội Đặc nhiệm chống khủng bố nhảy dù chuẩn bị tiếp cận mục tiêu - Ảnh: Đoàn Đặc công hải quân 126 cung cấp

Chiến sĩ đội Đặc nhiệm chống khủng bố rời khỏi trực thăng trong huấn luyện đổ bộ - Ảnh: Đoàn Đặc công hải quân 126 cung cấp

Kiểm tra các trang thiết bị trước khi lên máy bay để nhảy dù - Ảnh: Đoàn Đặc công hải quân 126 cung cấp

Máy bay đổ bộ AH2 thả quân nhảy dù trong bài huấn luyện đổ bộ - Ảnh: Đoàn Đặc công hải quân 126 cung cấp

Học ở độ cao 1.500m

Bài huấn luyện đầu tiên với các chiến sĩ là nhảy dù, bắt đầu với bài kỹ thuật nhảy vo, tức nhảy mà không có dù bảo vệ. Chiến sĩ sẽ đứng ở trên cầu nhún vốn dùng cho các vận động viên học môn nhảy cầu, lấy đà nhảy xuống nước ở độ cao từ 7-15m. Với những người sợ độ cao thì đây là một thử thách không nhỏ.

“Kinh nghiệm mà những anh đi trước nói với những người mới là mắt phải nhìn thẳng với cầu ngang, không nhìn xuống sẽ đỡ sợ hơn. Chỉ cần bước một chân ra là tự nhiên rơi xuống” - thiếu tá Nguyễn Ngọc Khoa nói.

Sau giai đoạn căn bản đó, chiến sĩ được thử thách tiếp qua bài huấn luyện trên trời với máy bay trực thăng ở độ cao 1.500m. Đứng ở độ cao ấy nhìn xuống chỉ thấy hun hút những mảng màu, không ai không sợ.

Thiếu tá Khoa kể: “Lần đầu được nhảy dù từ máy bay trực thăng, ai cũng háo hức nhưng rất hồi hộp, lo lắng. Cửa mở, thò đầu ra chuẩn bị nhảy là tim đập thình thịch. Nhưng khi vừa nhảy xuống chỉ mấy giây là dù đã bật ra. Mỗi người chỉ cần tập nhảy đến lần thứ hai, thứ ba là không biết sợ nữa”. Họ phải rèn luyện kỹ năng lái dù vào đúng vị trí muốn đáp xuống để không bị lạc vào rừng, vướng vào cột điện, khe suối...

“Khi anh em đã thuần thục với bài huấn luyện này, chúng tôi sẽ chuyển sang bài huấn luyện nhảy đổ bộ trong tình trạng trực thăng treo, đổ bộ bằng cách trượt dây thừng bằng tay có găng tay bảo vệ, trượt xuống nóc nhà, với tình huống không đột nhập từ dưới lên được, không nhảy dù được...” - đội trưởng đội đặc nhiệm cho biết.

Ở những bài huấn luyện này, trước hết phải tập leo dây và xuống dây cao 15m bằng tay không để rèn luyện cơ bắp. “Vì khi trượt dây mà không có găng tay bảo vệ, cầm vào dây bỏng rát như chạm vào lửa. Cho nên chúng tôi phải tập luyện cho cơ bắp thật rắn chắc. Sau đó mới được thực hiện thao tác trượt. Ở đơn vị khác đã có trường hợp bị bỏng tay khi trượt dây thừng bằng tay vo, tụt tay, rơi xuống sụm xương sống” - thiếu tá Khoa giải thích.

Người chiến sĩ đã từng 14 năm là đặc công nước này cho biết thêm: “Đổ bộ tòa nhà cao tầng đòi hỏi độ chính xác cao hơn khi nhảy xuống biển. Chúng tôi phải điều khiển được sợi dây theo ý mình. Khi nhảy được lần đầu thành công, thích và mừng. Chỉ cần đến lần thứ hai là quen và bị “nghiện”, cứ muốn được làm nhiều lần cho tới lúc thuần thục”.

“Khi máy bay trực thăng treo ở độ cao 40m, luồng gió từ cánh quạt quay rất mạnh - đại úy Thiều Đình Trúc nói tiếp - Thế nên khi trượt không được nhìn xuống, phải nhìn ngang và phải thật cẩn thận từng tí một, nếu không sẽ gãy chân khi tiếp đất. Chúng tôi cứ nâng dần độ cao lên đến khi nào anh em chùn chân mới thôi”.

Sau khi huấn luyện đổ bộ bằng máy bay trực thăng với dây chuyên dụng và dây thô trong bờ thuần thục ở độ cao từ 25-45m hoàn tất, các chiến sĩ đội đặc nhiệm chống khủng bố được chở ra biển, thực hành trượt dây thừng xuống mặt nước ở độ cao 40-45m trong tình huống giải thoát con tin trên tàu hoặc trên đảo.

Tuy nhiên, theo khẳng định của đội trưởng Thiều Đình Trúc, bài huấn luyện thả trôi hàng chục giờ giữa đại dương mới là nội dung khắc nghiệt nhất. Bài huấn luyện này được đưa ra trong tình huống đang chiến đấu thì bị rơi xuống biển. Người chiến sĩ phải biết cách sống sót trên biển cho đến khi lực lượng cứu hộ tới.

Anh Trúc kể: “Khi trôi dạt trên biển, anh em sẽ bị sóng đánh say lại bị ngâm nước biển lâu nên có người lạnh đến đờ đẫn cảm giác, bị mất nhiệt. Khi được vào bờ, da mặt, da chân ai cũng bị lột hết, có người lịm đi. Bác sĩ và người bảo hiểm trên bờ trực sẵn, đưa lên xuồng và cấp cứu ngay. Nhưng sau mỗi lần huấn luyện như thế, ý chí và khả năng tác chiến của anh em tiến bộ rất đáng kể”.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Khoa chia sẻ: “Ngay cả khi huấn luyện chúng tôi vẫn phải đặt mình vào tình huống thật để thử thách chính bản thân mình. Khi đứng giữa sống chết, không thể nào làm giả được. Nhiều khi huấn luyện xong chúng tôi vẫn không tin mình đã vượt qua được những thứ tưởng như vượt quá ý chí của mình”.

Đặc nhiệm của hải quân các nước

Hải quân của các nước trên thế giới đều có lực lượng đặc nhiệm chuyên thực hiện những nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt hoặc những nhiệm vụ khó khăn mà các lực lượng thông thường không thực hiện được.

Lực lượng đặc nhiệm hải quân Mỹ (SEAL hay Navy SEAL) được cả thế giới biết đến khi thực hiện vai trò rất quan trọng trong vụ tiêu diệt trùm khủng bố Al-Qaeda Osama Bin Laden đêm 1-5-2011. Các binh sĩ của biệt đội đặc nhiệm SEAL phải trải qua khóa huấn luyện gồm những bài tập đau đớn về trí não lẫn thể xác.

Lực lượng đặc nhiệm trực thuộc hải quân của Nga (PDSS) nổi tiếng qua biệt danh “biệt đội Delfin”. Mỗi thành viên biệt đội Delfin có kỹ năng chinh phục và chiếm lĩnh tất cả địa hình, sử dụng được các loại vũ khí và thiết bị liên lạc. Đặc biệt, họ có khả năng vô hiệu hóa các phương tiện phòng thủ siêu hiện đại và hoạt động ngay xung quanh căn cứ địch trong một thời gian dài.

 

Tuổi Trẻ
Tag: Đội đặc nhiệm , Chống khủng bố , Đoàn 126 Hải Quân , Lính thủy đánh bộ