Người dân xứ Huế gọi ông là “nhà nghiên cứu Huế”, hay "vua" cổ vật. Nhưng, ông chỉ nhận mình là "người tiên phong tìm đồ cổ trên dòng Hương Giang"… Ông "vua" cổ vật ấy là Hồ Tấn Phan, năm nay ngoài 70 tuổi, ở phường Phú Hiệp, TP- Huế, người sở hữu một kho sách cùng hàng ngàn cổ vật quý có niên đại hơn 2.500 năm…
Mượn tiền đi mua cổ vật
Tiếp chúng tôi trong khu vườn nhà mà ông tự giới thiệu là "bảo tàng cổ vật sông Hương". Ông Phan kể, cuộc hành trình đi tìm đồ cổ ấy khiến ông phải sớm chia tay với bục giảng. Năm 49 tuổi, cuộc truy tìm cổ vật được ông đầu tư công sức hơn bao giờ hết. "Ở mô có cổ vật là tôi đến tìm cách "vác" về bằng được. Nói thật, lúc đó người ta bán rẻ như bèo chứ không như bây giờ” - ông Phan chia sẻ.
"Trước là thầy giáo, tôi rất mê sách. Có bao nhiêu tiền cũng dành cho sách. Cứ tưởng mình sẽ gắn cuộc đời với nghề giáo và sách nhưng rồi mọi chuyện lại thay đổi". Câu chuyện ông đang kể với chúng tôi đành bỏ dở vì có vài vị khách lạ ghé thăm và cần chính ông "vua" cổ vật này giải thích, phân tích giá trị về văn hóa của từng đồ cổ.
Trở lại câu chuyện với chúng tôi, ông Phan tiết lộ, để có được những cổ vật như bây giờ nhiều lúc con người ông không "bình thường" chút nào. Mỗi lần nghe người dân vạn chài vớt được đồ quý, ông tức tốc chạy đến. Sau khi trả giá, ông say sưa nâng niu món hàng rồi ra về quên cả đưa tiền liền bị chủ nhà "giữ" lại. "Hôm đó mình nghe có đồ quý nên chạy đi ngay. Không ngờ trong túi không còn một xu. Thế là đành dặn dò mấy anh em ở xứ vạn đò ấy là không được bán cho ai để mình về xoay tiền. Ở nhà gomsạch cả tiền đi chợ của vợ cũng không đủ trả. Chạy vạy khắp nơi, mất cả tuần mới mượn đủ số tiền. Cầm được cổ vật trên tay mình thấy nhẹ cả người", ông Phan kể với vẻ tâm đắc.
Cổ vật mà mấy chục năm qua ông Phan cất công tìm kiếm đến giờ này đã chất đầy từ trong nhà ra đến ngoài vườn. Ảnh: Linh Linh
Theo ông Phan, để sở hữu một kho tàng cổ vật không dễ chút nào. Riêng chuyện phải "đối phó" với những tay anh chị chuyên đi buôn đồ cổ đã rất khó khăn. Song, sau nhiều năm gắn bó với người dân vạn đò, khi vớt được thứ gì họ cũng đem bán cho ông với giá vừa phải. “Bà con biết tôi sưu tầm cổ vật là để nghiên cứu lưu giữ tại Huế làm bảo tàng cổ vật chứ không buôn bán. Vậy là người dân vạn đò sau mỗi lần tìm được cổ vật sông Hương lại gọi cho tôi ngay” - ông Phan cho biết.
Không riêng gì việc tìm mua cổ vật sông Hương tại Huế, trong mấy chục năm qua ông đã nhiều lần một mình đạp xe ra Quảng Trị (Huế- Quảng Trị 70km)… khi nghe tin bà con tìm được tiền cổ hay chum sứ…
Ông Phan khẳng định, mỗi khi tìm được cổ vật mới là ông phải thức ngày thức đêm để nghiên cứu giá trị của triết lý văn hóa và niên đại của cổ vật. Ảnh: Linh Linh
Chưa từng bán cổ vật nào
Những cổ vật của ông được trưng bày khắp nơi, từ trong nhà ra ngoài vườn. "Nhiều cổ vật đành phải để ngoài vườn, tôi đau lắm nhưng chẳng có cách nào hơn vì trong nhà bây giờ không còn chỗ nữa, có sắp xếp mấy cũng bộn bề như rứa", ông Phan cho hay.
Ông Hồ Tấn Phan không chỉ sở hữu bộ sưu tập cổ vật đồ sộ mà còn có cả kho sách khoảng ba vạn cuốn. Hiện ông Phan lưu giữ rất nhiều sách lịch sử, văn hóa loại hiếm. Trong đó, có bộ sách "BAVH" (Tạp chí Những người bạn Cố Đô Huế) hơn 100 quyển xuất bản năm 1914 bằng tiếng Pháp...
Ông Phan tiết lộ, hiện ông có nhiều loại cổ vật quý hiếm, có giá trị về lịch sử và khoa học. Đa số cổ vật của ông là đồ gốm Sa Huỳnh có niên đại hơn 2.500 năm. Với rất nhiều cổ vật hiếm và nhiều thời kỳ khác nhau ấy, ông "vua" cổ vật này đã chia bảo tàng của mình thành ba nhóm chính.
Thứ quý nhất, theo ông, là các cổ vật ở giai đoạn tiền và sơ sử. Loại này, ông có khoảng vài nghìn hiện vật, bao gồm các loại đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của người tiền sử như chum, hũ, nồi niêu...
Loại cổ vật thứ hai là những loại có niên đại từ thế kỷ II đến thế kỷ XIV. Còn loại thứ ba có niên đại từ thế kỷ XIV đến thời các vua chúa nhà Nguyễn. Loại này đa số bằng đồng như bình vôi, bình hoa... được chạm khắc hoa văn tinh xảo.
Ông Phan cho biết, thời điểm này ông và nhiều bạn bè của mình là những giáo sư chuyên ngành khảo cổ đã nghiên cứu và xác định được niên đại của rất nhiều loại cổ vật. Quan trọng nhất là việc xác định được sự tồn tại của nền văn hóa Sa Huỳnh ở dọc hạ nguồn sông Hương.
Tiếng về ông "vua" đồ cổ xứ Huế được nhiều người biết đến, nên mấy năm qua có nhiều tay buôn cổ vật tìm tới nhà ông để gạ mua lại cổ vật nhưng ông quyết định không bán. Ông Phan bảo rằng "cái nghiệp đi tìm đồ cổ là cái duyên của đời ông" vì vậy, dù ai có cho ông bạc tỷ thì ông cũng không bao giờ bán đi một thứ đồ cổ nào dù là nhỏ nhất. Ông Phan còn lý giải: "Những hiện vật cổ mà mấy mươi năm qua tôi cất công sưu tập ấy có giá trị văn hóa rất cao. Nó phục vụ cho việc nghiên cứu giải đáp những câu hỏi mang tính lịch sử. Mình mà bán đi thì sợ sẽ mất luôn".
Gần đây, có vị giáo sư người Nhật nghiên cứu về khảo cổ học đến thăm "bảo tàng". Quá mê bảo tàng của ông, vị giáo sư này cứ đi lui đi tới cả ngày quanh vườn chiêm ngưỡng hết cổ vật này đến cổ vật khác. Tới chiều, vị giáo sư người Nhật muốn mua một chiếc chum nhưng không dám hỏi. Ông ta chỉ nói "ông đã từng bán cho ai các loại cổ vật này chưa". Ông Phan lắc đầu, cười vì biết được ý định của vị khách. Và nói luôn cho vị khách ấy biết: "Cả cuộc đời tôi đi tìm cổ vật là nhằm nghiên cứu để giới thiệu cho con cháu văn hóa lâu đời của dân tộc mình”.
Ông Phan khẳng định, người chơi đồ cổ không chỉ cần tiền, cần sự nhẫn nại mà còn cần cả cái duyên, cũng giống như trai gái yêu nhau, sống với nhau cũng cần cái duyên vậy. Có lẽ ông có cái duyên với đồ cổ thật, bởi đã không ít lần ông vừa mua được một bình gốm quý, đẹp với giá phải chăng thì đã có người tìm đến trả gấp đôi ba lần nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu mà thôi…