Đi tìm cách hóa giải Tiqui-taca

Chỉ có đánh bại nhà vô địch thì cơ hội đoạt cúp bạc EURO mới rộng mở. Và để làm được điều đó, phải tìm cách hóa giải được ngón đòn tiqui-taca.

ĐT Tây Ban Nha đang là một “Độc Cô Cầu Bại” trong giới túc cầu. Họ đã vô địch World Cup 2010 và đang là nhà đương kim vô địch của EURO. Tất cả đều nhờ chiến thuật Tiqui-taca huyền ảo. Đương nhiên, nếu kẻ hùng tâm nào đó muốn vô địch EURO 2012, đối thủ lớn nhất của họ chắc chắn phải là Tây Ban Nha.

TBN sẽ khó giành chiến thắng...

Tại World Cup 2010, ĐT Thụy Sĩ bất ngờ thắng TBN 1-0 ngay trận ra quân. Đấy tất nhiên không phải là chiến thắng của sự trên tài, mà là thành công rực rỡ về mặt chiến thuật của HLV Ottmar Hitzfeld. Trước đó 1 năm, ĐT Mỹ của HLV Bob Bradley cũng gây tiếng vang khi thắng TBN 2-0 tại giải Confederations Cup. Điểm chung trong cả 2 trận: tiền vệ Xavi - nhân vật trung tâm trong lối chơi Tiqui-taca nổi tiếng, hầu như chìm nghỉm ở khu giữa sân.

Hãy kẻ một vạch ngang tưởng tượng trên sân, cách khung thành mình khoảng 30m. Rồi làm mọi cách không cho Xavi bén mảng đến khu vực ấy, sẽ vô hiệu hóa được phần lớn sức mạnh của TBN. Để Xavi vượt qua cái “vạch 30m tưởng tượng” ấy, hãy chuẩn bị vào lưới nhặt bóng! Lý thuyết là vậy. Còn trên thực tế, vô hiệu hóa Xavi bằng cách nào, thậm chí có làm được việc ấy hay không, thì tùy vào năng lực cũng như nhân sự cụ thể của mỗi đội.

... khi Xavi bị khóa chặt cách khung thành đối phương 30m

Nguyên lý của tiqui-taca là phải chuyền ngắn liên tục để giữ bóng, nghĩa là phải thi thố kỹ thuật cá nhân và tấn công bằng số đông. Cách chơi như thế, nếu chỉ áp dụng ở khu giữa sân (khoảng cách tối thiểu có thể chấp nhận là 30m trước khung thành) thì cứ... tha hồ múa may. Thụy Sĩ thắng TBN bằng cách quyết liệt bảo vệ cái “vạch 30m tưởng tượng”. Còn Mỹ thắng TBN bằng cách đá thật “rát”, ngăn chặn Xavi nhận hoặc chuyền bóng. Nếu chỉ châm ngòi bằng cách chuyền ngắn ở khu giữa sân, thì Xavi kiến thiết cơ hội ghi bàn bằng cách nào?

Trước đây, người ta cho rằng cách tấn công bằng số đông của TBN sẽ dẫn đến hậu quả là “hở lưng” và dễ dính đòn phản công. Thật ra, chuẩn bị “ăn” TBN bằng đòn phản công theo lý thuyết ấy là một sai lầm. Bởi điều căn bản là chính các cầu thủ TBN đã ý thức rất rõ rằng họ sẽ có nhiều pha mất bóng (phải chuyền liên tục mà không mất bóng thì mới lạ). TBN có thể mất bóng, nhưng không bất ngờ, nghĩa là hàng thủ luôn sẵn sàng đón tình huống ấy, nên đối phương không thể tung đòn phản công.

Đến đây, lại phải nêu một điểm chung quan trọng nữa, khi Thụy Sĩ và Mỹ thắng TBN trong các trận đấu nêu trên. Họ thắng bằng những tình huống chủ động tấn công nhanh, chứ không phải bằng những pha phản công. Họ kiên nhẫn phòng thủ, chịu trận, đến khi pha tấn công của TBN kết thúc thì chính họ tổ chức tấn công. Cơ hội dĩ nhiên không nhiều, nhưng không phải không có. Mỹ và Thụy Sĩ thuận lợi ở chỗ: hình như TBN đã chuẩn bị rất tốt để chống phản công khi gặp các đối thủ ấy, nhưng lại không tính rằng các đối thủ ấy sẽ chủ động tấn công họ.

Tóm lại, đá với TBN thì cứ tìm cách loại Xavi ra khỏi cuộc chơi, không để “cái trò Tiqui-taca” diễn ra cách khung thành khoảng 30m đổ lại, và hãy chuẩn bị bài bản tấn công thật sắc nét để khi đến lượt mình sở hữu bóng thì tấn công một cách “đàng hoàng”. Hàng thủ TBN không quá mạnh. Đừng trông cậy vào tình huống phản công, bởi phản công thì độ chuẩn không cao, cũng không có yếu tố bất ngờ do các hậu vệ TBN thường không chủ quan khi hàng công của họ liên tục chuyền bóng.