Hình ảnh người mẹ nghèo ngày ngày bồng bế cô con gái 7 tuổi tay chân còng queo đi lại giữa khoa Hồi phục chức năng, bệnh viện Nhi Trung ương đã trở nên quen thuộc với hầu hết các y bác sĩ và bệnh nhân. Ròng rã 7 năm trời, người mẹ nghèo này tất tả ngược xuôi, đi đi về về giữa mảnh đất miền Trung nắng gió Nghệ An – Hà Nội để chạy chữa cho con. Đó là chị Nguyễn Thị Hường ngụ tại xóm 12, xã Nghi Mỹ, huyện Nghi Lộc, Nghệ An.
Vừa lấy tay nắn bóp đôi chân quắt queo của cô con gái, chị Hường vừa kể lại cuộc sống đẫm nước mắt của mình với giọng nói trầm buồn, đứng quãng.
Theo chị Hường, ngày 31/3/2006, chị vào Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An để chữa u mặt. Cũng trong ngày hôm đó, bệnh viện tiếp nhận một ca sinh khó, sau khi mổ lấy được con ra thì người mẹ trẻ cũng tử vong. Sự việc khiến nhiều bệnh nhân, trong đó có chị, tò mò đến xem. Cảnh đứa trẻ sơ sinh nằm khóc ngằn ngặt bên xác mẹ, mà không có ai đến nhận, khiến chị không cầm lòng.
Bỏ lại việc chạy chữa của mình, chị Hường ngày ngày dõi theo đứa trẻ sơ sinh đáng thương. Theo kết luận của bệnh viện và điều tra của cơ quan chức năng, mẹ của bé người Diễn Châu, Nghệ An, không lấy chồng, có con với một ông già góa vợ đã hơn 70 tuổi. Tuy nhiên, người thân của mẹ bé không có, người đàn ông 70 tuổi cũng không nhận con, sau nhiều thủ tục pháp lý, chị Hường được nhận nuôi đứa trẻ.
Em bé về ở với mẹ Hường được chị đặt tên Trần Thị Phúc Liên, với mong muốn con gái thật xinh đẹp và có cuộc sống hạnh phúc, may mắn sau này.
Bé Phúc Liên dù đã 7 tuổi nhưng chỉ nặng 13kg, không thể tự mình đi đứng.
Nói về hoàn cảnh của mình khi ấy, chị Hường cho biết: “Không phải tôi sung sướng hay giàu có quá mới nhận nuôi đứa trẻ. Ai đã từng làm mẹ đều biết cái cảm giác nhìn đứa trẻ đỏ hỏn nằm khóc ngằn ngặt bên xác mẹ lạnh ngắt, mà không có ai đến nhận, nó đau xót đến thế nào. Tôi là người ít học, học hết cấp 2 thời đó (năm lớp 10 hiện nay) thì ở nhà lấy chồng.
Năm 1978, tôi sinh hạ được một cậu con trai kháu khỉnh, thế nhưng, cùng năm đó, mẹ tôi bỗng dưng bị liệt, không thể đi lại được. Những tưởng người chồng sẽ giúp tôi phụng dưỡng mẹ già và chăm con thơ, thế nhưng ông ấy bỏ đi sau những ngày rượu chè bê tha, có lẽ vì gia cảnh lúc đó quá túng bấn. Thế là, dù mới chỉ sinh con được vài ngày, tôi vừa chăm con nhỏ, vừa phục vụ mẹ nằm liệt giường liệt chiếu”.
Nói đến đây, ánh mắt chị Hường sáng lên và khuôn mặt chị cũng tươi tắn hơn: “Cũng may, có lẽ do trời thương tình, con trai tôi lớn lên mà ít khi đau ốm và quấy khóc với mẹ. Năm 18 tuổi, cháu nhập ngũ rồi theo học sĩ quan. Cứ thế, cuộc sống trôi đi, hiện tại, cháu đã lập gia đình và có 2 bé trai. Tuy nhiên, vì cháu ở gần cơ quan, còn tôi phải chăm lo nhà cửa, hương hỏa tổ tiên nên 2 mẹ con không thể sống cùng nhau”.
Chị Hường cho biết, khi nhận nuôi bé Phúc Liên, cậu con trai của chị đồng ý nhưng con dâu thì tỏ ra không hài lòng và nói thẳng với chị rằng chưa đủ khổ, chưa đủ đói hay sao mà lại đèo bòng thêm vào người.
“Tôi không trách các con, cũng không cần các con giúp đỡ. Khi ấy, tôi chỉ mong Phúc Liên mau lớn, để hai mẹ con có thể ngày ngày bầu bạn, tâm sự cùng nhau”, chị Hường tâm sự.
Chị Hường nặng gánh với một bên là con gái bệnh tật, một bên là mẹ già nằm liệt giường.
Phúc Liên lớn lên trong vòng tay mẹ Hường hoàn toàn khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. 7, 8 tháng bé cũng biết bò và luôn tươi cười mỗi khi có người hỏi chuyện. Tuy nhiên, đến 9 tháng bé vẫn chỉ nằm một chỗ, hai tay co quắp, chân cứ cong queo dần. Biết có chuyện chẳng lành, chị Hường tức tốc đưa con đi khám tại Bệnh viện tỉnh Nghệ An, các bác sĩ kết luận Phúc Liên bị bại não, não úng thủy, chậm phát triển.
Không tin vào điều này, chị Hường cơm đùm cơm nắm đưa con xuống Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội để khám. Tại đây, các bác sĩ cũng chuẩn đoán và kết luận tương tự, khiến chị cảm thấy choáng váng và hụt hẫng.
Chị Hường nói: “Lúc đó, tôi đã khóc, khóc như cạn kiệt nước mắt và luôn miệng kêu trời vì không hiểu sao mọi nỗi đau, tai ương và sự bất hạnh liên tiếp giáng xuống đầu mình. Đứa con gái nhỏ ngây thơ cứ ôm chặt lấy tôi khi tôi khóc, người nó run lên theo từng tiếng tôi nấc, khiến tôi chợt bừng tỉnh, bởi khóc lóc lúc này không giải quyết được gì”.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, bé Phúc Liên đến khám khi chưa tròn 2 tuổi, sức khỏe bé lại yếu nên không thể làm phẫu thuật. Các bác sĩ đã khuyên chị Hường ráng về chăm sóc con, hẹn năm bé 4 tuổi thì khám lại.
Thế là, hai mẹ con chị Liên lại tất tả trở về quê, với nỗi đau đè nặng trong lòng. Một bên là con gái bại não, một bên là mẹ già liệt giường, chị Hường quần quật làm việc suốt ngày đêm, cố gắng kiếm cơm, rau cháo qua ngày. Bé Phúc Liên dường như hiểu nỗi vất vả của mẹ nên rất ngoan ngoãn.
Chị Hường nói: “Có những ngày, tôi phải khóa trái cửa, để mẹ và con gái nằm trong nhà để đi làm thuê, làm mướn. Bé Phúc Liên không quấy khóc gì, cũng không tè dầm, ị bậy. Khi mẹ lạch cạch mở cửa về, bé nhướn về phía mẹ và khẽ nói ‘tè tè’, tôi mới biết bé ‘nhịn’ suốt 3, 4 tiếng trời, chờ mẹ về mới xin đi tè”.
Theo đúng lịch hẹn của bác sĩ, năm 2010, hai mẹ con chị Hường lại ngược ra Hà Nội để phẫu thuật. Tiền không có, chị Hường nhận được sự giúp đỡ rất lớn của bà con hàng xóm, hội bảo trợ trẻ tàn tật Nghệ An và Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An – nơi bé Liên chào đời.
Đầu của Phúc Liên không thể đứng thẳng, cứ ngặt nghẹo sang 2 bên, chiếc van ốc dẫn thủy hằn rõ.
Sau khi được phẫu thuật đặt dây van ống dẫn thủy, giúp rút nước trong não, đầu của Phúc Liên đã nhỏ dần, tuy nhiên, bé vẫn chưa thể đi đứng được, đầu bé vẫn ngặt nghẽo, không giữ thẳng còn hai chân thì cong cứng, xếp chéo lên nhau. Lại một lần nữa, các bác sĩ đành phải để mẹ con chị về quê, hẹn năm 2013, khi bé 7 tuổi quay trở lại để phẫu thuật khớp háng.
Ra Hà Nội đúng dịp rằm trung thu, hai mẹ con chị Hường khép nép đứng từ xa nhìn các bạn vui đùa trong ngày hội Trung thu hồng. Mỗi khi có người đi qua hỏi chuyện, Phúc liên gục gặc đầu và nở nụ cười hồn nhiên, khiến không ít người cảm thấy xót lòng.
Do điều trị dài hạn, lại không được ở nội trú, không có tiền ở trọ, những ngày đầu, hai mẹ con chị Hường phải ngủ tạm trên ghế đá, hoặc trước cửa hiệu bán thuốc trước bệnh viện. Thấy hoàn cảnh chị khó khăn, chị Ngô Thị Lan, y tá bệnh viện đã đưa hai mẹ con chị Hường về nhà trọ của mình cho ở miễn phí.
Theo cán bộ Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Nhi Trung ương, trường hợp mẹ con chị Hường không ai trong bệnh viện mà không biết. Dù nhận được nhiều sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và quyên góp của y bác sĩ bệnh viện, nhưng số tiền phẫu thuật lại não và khớp háng của bé Liên lên tới gần trăm triệu đồng cùng các chi phí thuốc thang khác. Do không có tiền nộp bệnh viện, mẹ con chị Hường vẫn “vạ vật” qua ngày ở bệnh viện mà chưa thể phẫu thuật cho bé.
Nụ cười ngây thơ đến xót lòng của Phúc Liên khi có người hỏi thăm 2 mẹ con em.
Gạt nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt, chị Hường nức nở: “Thực sự, tôi không mong con gái có thể lớn lên, phát triển bình thường như người ta. Tôi chỉ mong con có thể tự đi đứng, làm được các việc vệ sinh cá nhân, tự chăm lo cho mình. Đến lúc ấy, nếu lỡ có nhắm mắt xuôi tay tôi mới an lòng”.