Đằng sau gốc đào Tết “hét” giá cho thuê 200 triệu

Theo chủ vườn, những người thuê đào của mình về trưng trong những ngày Tết đều là những “đại gia đất Hà thành”.

Những “khúc củi khô” này được “hét” giá chỉ  thuê không đã hàng trăm triệu đồng.
 
200 triệu có thể là hàng trăm cái Tết của nhà nghèo, là hàng ngàn phần thưởng Tết của giáo viên… vậy nhưng với người ở làng hoa Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội), số tiền đó có thể chỉ vừa đủ cho việc… thuê một gốc đào trưng trong nhà mấy ngày Tết.
 
Sự thật thì giá trị của gốc đào “khủng” này là bao nhiêu thì không có gì để kiểm chứng, nhưng câu chuyện khiến người ta chạnh lòng thương người nghèo khi Tết đến, xuân về.

Sự thật nào sau lời “hét” giá khủng?

Chủ vườn đào T.K “lý sự” về việc những gốc đào trong vườn nhà anh có giá trị cao vì “đó toàn là cây cổ”. Ngoài vài chục gốc đào đã có tuổi thọ khoảng 30 năm, anh còn sở hữu hai "cụ" đào gần trăm năm tuổi. Một là chậu song thụ được ghép từ hai gốc đào 60 năm tuổi theo dáng Phụ tử và gốc đào 80 năm có dáng Thăng Long (Rồng bay lên). “Chậu thứ nhất có giá cho thuê là khoảng 150 triệu đồng; chậu thứ hai vốn đã quý, lại vào đúng năm con Rồng nên giá cho thuê sẽ không dưới 200 triệu” - người chủ vườn khẳng định “như đinh đóng cột”.
 
Vị chủ vườn còn “cãi lý” khi giải thích “đắt xắt ra miếng”, rằng số lượng đào có tuổi thọ cao ở Hà Thành nay “chỉ còn đếm trên đầu ngón tay” nên giá thuê mới “khủng” như vậy. Gốc đào 80 năm tuổi đến tay anh chăm sóc đã là đời thứ ba, tuy có tuổi thọ cao nhưng cây vẫn hội tụ đủ các yếu tố của cây cảnh ngày Tết: Đủ cả lá xanh, chồi biếc, hoa đỏ và quả trắng.

Nói công bằng thì dáng cây đào khủng của K thuộc dạng tuyệt đẹp và theo lời giới thiệu của chủ vườn thì tự bản thân cây cổ đã có dáng như thế, bàn tay nghệ nhân chưa chắc gì tạo được. "Cụ" đào cao khoảng 2m, chỉ có một thân mọc thẳng nhưng xoắn vặn thừng ở đoạn gốc khiến cây như tự tách làm đôi, trườn dài theo chậu tạo dáng rồng bay. Toàn bộ thân chính của "cụ" đã lũa gần hết và K cho biết đó lại chính là “điểm nhấn”, là phần có giá trị nhất. Thân chính của cây bắt đầu bị mục từ hàng chục năm trước và vì cây không chết nên để lại bộ gốc cứng và cực khỏe, lại tự nhiên, cổ kính.

K chia sẻ hai cây đào cổ này là “vô giá nên tôi cũng không bao giờ có ý định bán. Không chỉ vì hai gốc đào có giá trị kinh tế cao nên cho thuê nhiều lần thì sẽ được nhiều tiền hơn, mà còn bởi chúng mang hồn cốt của gia đình, dòng tộc. Ông nội, cha tôi đều đã rất dày công chăm sóc cây, rồi nay đến đời tôi, mỗi lúc ngắm cây đều như nhìn thấy dáng hình của những người ruột thịt nhà mình trong đó”.

Chủ vườn này khẳng định rằng những người thuê đào của mình về trưng trong những ngày Tết đều là những “đại gia đất Hà thành”. Ngoài hai "cụ" đào cổ, trung bình giá thuê những gốc đào còn lại là 30- 40 triệu. "Năm nay có vẻ các đại gia đi sắm tết muộn, nhưng cũng đã có chục cây buộc quả cau rồi", K chỉ những cây đào có treo lủng lẳng quả cau trên cành, giải thích "Họ viết địa chỉ vào quả cau rồi treo lên cây để đánh dấu. Đúng hẹn thì tôi cho người chuyển đi, khách không phải quay lại xem cây nữa".

Có hay không chuyện chủ vườn đào “thổi” giá?

Đó là những gốc đào ở “phân khúc cao cấp”, còn ở hạng “bình dân” thì người thường cũng “lắc đầu le lưỡi” trước cái giá mà những chủ vườn đưa ra cho những gốc đào Thất Thốn.

Người cao niên trong làng cho rằng giống đào mang cái tên lạ này là đào cổ có nguồn gốc từ phương Bắc. Có tới 3 cách giải thích cho cái tên "Thất Thốn": Cách thứ nhất, cứ mỗi "thốn" cành cây (dài bằng khoảng đốt ngón tay) là ra được một bông hoa; thứ hai, có ý kiến giải thích vì lá của loại đào này dài tới bảy thốn; thứ 3, do hình dáng cây thường cao không quá một mét (khoảng bảy tấc) nên nó có tên như vậy. Nhưng dù xuất xứ tên gọi có theo hướng nào thì đào Thất Thốn vẫn là loại hoa bị “hét” giá cao nhất trong các giống đào.

Khu vườn của chủ nhà H có hơn 50 gốc đào Thất Thốn. Theo chủ vườn này, đào Thất Thốn cánh kép, màu đỏ thắm như hồng nhung, các hoa ra khá dày, đặc biệt có thể đơm hoa từ gốc. Cây thường chỉ ra hoa vào khoảng mồng 10 tháng Giêng, mọi thủ thuật thúc ép thông thường như khoanh, tuốt lá hay ghép mắt đào thường vào gốc không có tác dụng gì với loại đào này.

Không những thế, đào Thất Thốn còn là loại cây có cả sắc và hương, vào ban đêm hoa tỏa hương thoang thoảng là một đặc điểm mà đào thường không có. Thân, gốc đều xù xì tựa như những gốc si lâu năm và cả những cành đào nhỏ, một cách tự nhiên đã nổi những u, những mấu.

Nhưng đó mới chỉ là một nửa lý do. Chủ vườn này giải thích đào Thất Thốn đắt nhất trong các loại đào còn vì để có được một cây ra hoa, người chủ đã phải đổ xuống biết bao là công sức. Là giống đào đã lớn chậm lại "khó tính", nếu chăm sóc không đúng quy trình thì cây sẽ không lớn, hoặc lớn mà chẳng ra hình thù gì. Ngoài việc tưới tắm, chăm bón tỉ mẩn, người chủ còn phải có nghệ thuật để uốn nắn từ khi cây mới nảy mầm. Khi cây đào còn bằng ngón tay, chủ vườn đã phải dùng dao cắt gọt quanh thân để hãm sự phát triển của cành và tạo vẻ xù xì độc đáo.

Công phu cắt gọt có thể nói là khâu khó nhất: Nếu gọt mạnh tay thì cây sẽ chết, còn nhẹ tay quá lại không có tác dụng. Đất trồng đào cũng phải là đất thịt được đánh lên, phơi khô, khử phèn khử chua. Nước tưới cây phải là nước sạch. Những ngày rét mướt hay những hôm nắng táp úa lá, chủ vườn phải túc trực theo dõi ngoài vườn, chăm bẵm không kém gì chăm con trẻ. Có như vậy thì hoa thì rất bền, có thể nở trong 3 tuần.

Trong vườn của H hiện đã có bốn loại đào Thất Thốn: Thân đỏ hoa đỏ, thân trắng hoa phai, thân trắng hoa 5 cánh đơn, thân trắng hoa 5 cánh kép, đủ tiêu chí cây có tán hình nấm, lá dày và có màu xanh thẫm, cành tỏa đều ra xung quanh, dáng cây cân đối với chậu.

Và điểm qua trọng là đến phần giá “đắng chát”: Loại “lèng mèng” giá trung bình từ 10 - 20 triệu đồng, cây cao giá nhất có dáng Nghênh phong được “hét” 80 triệu đồng.

Chỉ còn mươi ngày nữa là Tết đến, người làng đào kháo nhau rằng đã có “giao dịch thực tế kỷ lục” khi vườn đào N.M vừa có một “đại gia” đến thuê một chậu đào cổ dáng "tiểu cảnh 3 cây" với giá 120 triệu. Mừng cho nhà vườn được mối “khách sộp” nhưng cũng chẳng biết đó là chuyện thật hay chỉ là “chiêu” các chủ vườn “thổi” lên để trục lợi.

Quyền có tiền và quyền được tiêu tiền của mình là chuyện đương nhiên, nhưng có mấy “đại gia” chân chính lại nỡ bỏ ra đến hàng trăm triệu chỉ để thuê một gốc đào? Làm như vậy khác gì cười trên nỗi đau của người nghèo thời kinh tế khó khăn?