Dân kêu cụm công nghiệp gây ô nhiễm

Hàng trăm hộ dân sinh sống và sản xuất quanh hai cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang phải kêu trời vì các nhà máy gây ô nhiễm môi trường và việc xây dựng mặt bằng CCN gây bồi lấp đất sản xuất.

Người dân kéo vào khuôn viên Công ty CP Quảng Phúc (sản xuất tấm lợp fibrocement) tại cụm công nghiệp - làng nghề Bình Nguyên phản ảnh nhà máy này xả thải ra môi trường gây ô nhiễm (ảnh chụp tháng 12-2011) - Ảnh: Trà Giang

Theo ông Nguyễn Sơn - chuyên viên ban quản ký CCN - làng nghề Bình Nguyên, sau tám năm xây dựng CCN này chưa được đầu tư giao thông (chủ yếu đường đất tự tạo), chưa xử lý được rác thải. Ban đã kiến nghị kinh phí để đầu tư đường sá, xử lý nước thải cho CCN trong năm 2012, nhưng cũng đang còn chờ vì... chưa có vốn.

Đầu tháng 12-2011, hàng trăm người dân hai thôn Châu Tử và Phước Bình (xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn) đã kéo ra đường chặn các loại xe tải của các xí nghiệp trong CCN - làng nghề Bình Nguyên vì gây bụi, sình lầy...

Ông Nguyễn Đức Nhân (69 tuổi) ở thôn Châu Tử cho biết: Không chỉ bụi và sình lầy, 2ha đất nông nghiệp của 55 hộ dân còn bị ảnh hưởng bởi nước thải từ các nhà máy. Lội xuống làm ruộng bị ngứa chân tay, sinh bệnh ngoài da. Trồng lúa bị giảm năng suất chỉ còn phân nửa, nuôi vịt thì bị giảm đẻ...

Trên 20 hộ dân ở thôn An Long (xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức) cũng đang khóc ròng vì hơn 1,5ha ruộng cánh đồng Rộc Lăng bị bồi lấp, không sản xuất được. Nguyên nhân, theo ông Bùi Thanh Sang - phó chủ tịch UBND xã Đức Hiệp, là do CCN Quán Lát và tuyến đường từ Trường THPT số 2 Mộ Đức đi Ngõ Căng chưa xây dựng hệ thống thoát nước và việc khai thác đất ở núi Vom để làm mặt bằng CCN dẫn đến sạt lở. Mưa lớn, nước trên núi đổ xuống kéo theo đất, sỏi, cộng với đất sét ở các cơ sở sản xuất gạch nơi chân núi, gây nên tình trạng ruộng đồng bị bồi lấp.

Ông Phan Hồng Thái (thôn An Long) cho biết nhà ông có sáu sào đất nhưng chỉ làm được ba sào, còn ba sào bỏ hoang. Không chỉ ruộng đồng bị bồi lấp, những hộ dân ở khu vực gần núi còn khổ sở vì nhà cửa thường xuyên bị ngập nước, đất đỏ ngập vườn nhà. Ông Thái ngao ngán: “Tôi ở đây hơn 20 năm nay chưa thấy nước vô nhà bao giờ, vậy mà nay chỉ cần một cơn mưa lớn là nước, đất đổ vô nhà tới tấp”.

Ông Nguyễn Ngọc Lân, phó chủ tịch UBND huyện Mộ Đức, cho biết năm 2006 khi công bố quy hoạch CCN - làng nghề Quán Lát đến nay, huyện mới chỉ được bố trí khoảng 4 tỉ đồng bồi thường cho dân để giải phóng mặt bằng. Huyện không có kinh phí làm đường giao thông, hệ thống thoát nước tràn, nước thải nên khi mưa xuống là nước đọng, ứ chảy về chỗ trũng gây ngập úng cho đất sản xuất của người dân. Còn tuyến giao thông trong CCN mới chỉ là đường đất nên xe tải của các doanh nghiệp khi lưu thông đã “băm nát” đường khiến việc đi lại của bà con hết sức khó khăn.

“Huyện đã bố trí 300 triệu đồng nạo vét đất bồi để người dân có đất sản xuất, còn việc xây dựng hệ thống giao thông, thoát nước... thì chưa có vốn” - ông Lân cho biết.

Về ô nhiễm từ các nhà máy trong CCN - làng nghề Bình Nguyên, ông Hồ Minh Sơn - phó Phòng TN-MT huyện Bình Sơn - nhìn nhận: “Qua kiểm tra môi trường tại hai nhà máy, những bức xúc của người dân là chính đáng. Đường giao thông của CCN - làng nghề chưa được bêtông hóa, chưa xây dựng hệ thống thoát nước mưa và thoát nước thải. Do đó xe đi qua tuyến đường này mùa mưa thì lầy lội, nước chảy tràn từ các nhà máy chưa qua xử lý ra bên ngoài. Phòng TN-MT đã kiến nghị UBND huyện chỉ đạo ban quản lý đánh giá tác động môi trường để tham mưu cho huyện có chủ trương đầu tư nhà máy xử lý nước thải”.