Đám cưới không chú rể: Khắc tuổi nên 2 lần phát thiệp vẫn không tròn
Thứ hai, 03/11/2014 19:28

Lễ rước dâu diễn ra ảm đạm. Thay vì áo hoa, cô dâu diện nguyên đồ bộ lên xe hoa. Khuôn mặt không son phấn, cô dâu khóc sướt mướt về nhà chồng với chiếc ghế chú rể trống.

Đám cưới không chú rể: Khắc tuổi nên 2 lần phát thiệp vẫn không tròn (Ảnh minh hoạ)

Đám cưới không chú rể: Khắc tuổi nên 2 lần phát thiệp vẫn không tròn (Ảnh minh hoạ)

Buổi tối một ngày giữa tháng 10, trời lất phất mưa. Không gian vắng lặng đêm cuối thu bị xé toạc bởi tiếng va chạm mạnh. Nhiều gia đình sống hai bên đường đồng loạt mở cửa, lao ra phố. Cảnh tượng trước mắt khiến nhiều người kinh hãi. Năm chiếc xe máy ngã chỏng chơ, hư hỏng nặng. Nhiều người nằm lăn lóc trên đường, máu me bê bết. Các nạn nhân nhanh chóng được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Hai lần phát thiệp vẫn không tổ chức tròn lễ cưới

Thời điểm đó, anh anh Nguyễn VănTrọng (31 tuổi, ngụ phường Thuỷ Xuân, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) chở vợ là Trần Nguyên Thi (25 tuổi) lưu thông theo hướng Đàn Nam Giao – Phan Bội Châu. Khi đến đường Điện Biên Phủ, xe anh Trọng bất ngờ va chạm với chiếc xe máy lưu thông theo chiều ngược lại. Cú va chạm mạnh khiến ba xe máy chạy phía sau không làm chủ được tay lái gặp nạn liên hoàn.

Ngôi nhà anh Trọng vắng hoe. Cửa khoá im ỉm. Người phụ nữ dáng gầy nhom, mặc bộ đồ nhàu nát lui cui dọn dẹp phía sau nhà, khuôn mặt ảm đạm. Nếu không có chiếc bánh cưới với hình cô dâu chú rể cười tươi rói gắn phía trên, chắc người ta không biết hôm trước bà mới đón dâu về nhà. Bà mẹ ảo não, hôm đó là đám cưới của con  trai bà. Nhà gái dọn trước một ngày. Sau khi kết thúc tiệc ở đằng gái, anh Trọng chở cô dâu về nhà mình, định chơi xong nhạc sống sẽ chở vợ trả nhà ngoại, ngày sau mới rước dâu. Ai ngờ hai người gặp nạn, khiến ngày vui hoá đau thương.

“Tối nớ bạn bè con tui kéo đến rất đông. Tụi hắn định quậy phá một đêm, mừng thằng Trọng đêm cuối cùng sống độc thân. Nhạc đang vui nhộn, mọi người nói cười rôm rả thì có người báo về, hai đứa đang nằm trong bệnh viện. Vừa nghe đến đó, tui bủn rủn chân tay, chẳng biết gì nữa”, mẹ anh Trọng kể. Do mọi việc đã chuẩn bị xong xuôi, nên dù chú rể đang nằm cấp cứu, hôn lễ vẫn diễn ra theo đúng nghi thức. Người mẹ với tâm trạng rối bời, ngồi ủ rũ góc nhà. Mọi việc trong ngoài đều nhờ người thân lẫn hàng xóm coi sóc.

Vào buổi sáng nhà trai đang đón dâu, cô gái mới vội vã từ bệnh viện về. Nghi lễ đón dâu diễn ra lặng lẽ. Không có cô dâu chú rể đến vái bàn thờ gia tiên như thường lệ. Gương mặt nhoè nhoẹt nước mắt, cô dâu được mọi người bồng vào xe hoa. “Khi nhà trai dọn cưới, rồi bắc ghế ra ngồi đón khách. Nó bảo đã không có chú rể, ít ra cũng phải có cô dâu, mới ra đám cưới. Nhưng vì lo lắng chồng đang nằm cấp cứu, con bé cứ khóc miết. Bao nhiêu son phấn tô điểm trên mặt, đều trôi theo nước mắt. Thành ra ngày vui, mà nó cứ khóc như mưa”, người mẹ thở dài.

Tâm trạng mẹ cũng chẳng hơn gì cô dâu. Cứ nghe họ hàng hỏi thăm sự tình, rồi xuýt xoa bình luận, bà càng thêm đứt ruột gan. Suốt ngày con trai nằm viện, bà chẳng dám đặt chân đến thăm. Vợ chồng người con trai lớn bắt bà ở nhà. Sợ vào viện, thấy tình trạng thương tích nặng nề của Trọng, bà tăng huyết áp thì nguy.

Không như bạn bè đã có vợ đề huề, ở tuổi 31,anh Trọng mới quyết định lập gia đình. Nhưng chẳng hiểu trời xanh ghen ghét thế nào, mà hai lần lên lịch cưới xin, cả hai lần đều gặp sự cố. lần đầu, chỉ còn vài ngày diễn ra hôn lễ, không ngờ bà ngoại cô dâu mất. Việc cưới xin đành hoãn lại. Hai nhà vội đi thu hồi thiệp hồng. “Cưới xin là chuyện hệ trọng cả một đời. Người ta có thể một lần không gặp may, nhưng không may đến hai lần trong ngày cưới như em thì hi hữu quá”, cô dâu nói giọng bùi ngùi.

cuoi-khong-chu-re1

Đám cưới không chú rể: Khắc tuổi nên 2 lần phát thiệp vẫn không tròn lễ cưới (Ảnh minh hoạ)

Mẹ anh Trọng kể, vợ chồng con trai bà “khắc tuổi” nhau. Dù gia đình không tin bói toán, nhưng theo thông lệ vẫn nhờ người chọn ngày lành tháng tốt mới dám tổ chức cưới xin: “Họ nói “dần, thân, tỵ, hợi tứ hành xung”. Hai đứa nó, đứa tuổi hợi, đứa tuổi tỵ, thầy bảo chỉ khắc khẩu, nên việc cưới xin không cần kiêng kỵ. Cứ nghĩ trước đã không cưới xin được, tui đinh ninh lần này chắc trót lọt. Mọi chuyện sẽ thuận buồm xuôi gió, vậy mà tai kiếp cũng chưa tha”.

Tuần trăng mật hoá… dập mất

Nằm trên giường cấp cứu, gương mặt anh Trọng sưng húp, chi chít những vết may. Hai mắt anh tím bầm. Vết thương ở miệng khiến anh nói chuyện khó khăn. Anh đang nằm chờ đến lịch mổ sắp lại hàm trên. Vợ anh xin nghỉ dạy, vào ra bệnh viện chăm sóc chồng. Một chân sưng húp, đi lại khó khăn, nhưng cô dâu vẫn cắn răng chịu đau, cà nhắc ở bệnh viện chăm chồng. Chỉ đến khi đêm xuống, chị mới chịu về nhà chăm sóc cái chân đau.

Chị Thi kể, hai bên gia đình đều neo người. Chị từ nhỏ sống với bà ngoại và người dì. Chồng chị mồ côi cha mẹ, nhà chỉ có hai anh em. Mẹ chồng sức khoẻ yếu, nên những ngày anh Trọng nằm viện, mỗi chị với vợ chồng người anh vào ra chăm sóc. “Nhà đông người, những lúc thế này, mỗi người giúp một tay lại hay. Chứ neo người như vợ chồng em nhiều khi cũng khổ”, cô dâu chia sẻ. Chị kể, từ hôm vợ chồng gặp nạn đến nay, chưa đêm nào chị ngủ yên giấc. Cứ nhắm mắt, chị lại thấy gương mặt đầm đìa máu me của chồng hiện ra. Hoảng hốt, chị lại giật mình tỉnh giấc. Hôm gặp nạn nhìn anh nằm trên vũng máu, chị khóc nấc, cứ nghĩ anh không qua khỏi. Chị cứ day dứt, hạy tại số mình không cưới được chồng, nên mới liên luỵ đến anh. Lần trước chưa kịp mặc vào người chiếc áo cưới, bà ngoại chị đã vội vã ra đi. Nếu lần này  anh cũng ra đi thật, chị biết phải làm sao.

Người phụ nữ đưa mắt nhìn bó hoa hồng tươi tắn đặt nơi chiếc tủ cạnh giường bệnh, cười ngại ngùng rồi khoe: “Biết hôm ni là ngày lễ phụ nữ, chồng em chân đau, không thể trốn viện ra mua hoa tặng vợ. Anh ấy phải gọi điện thoại nhờ người thân giúp, mang hoa vào đây”. Hương hoa dịu mát dường như giúp căn phòng vơi bớt sự ngột ngạt. Sau ngày cưới, lẽ ra cô dâu chú rể vi vu đi hưởng tuần trăng mật, thì đôi vợ chồng trẻ lại dắt nhau vào viện. “Họ trăng mật, chứ vợ chồng tui… dập mật rồi”, người chồng pha trò. Anh nói, không ai như anh, đám cưới mình lại không tham dự được, mà phải xem “truyền hình trực tiếp” qua điện thoại. Trong lúc bạn bè đang “chén tạc chén thù” thì anh nằm chèo queo ở bệnh viện. Vì vắng chú rể, nên hôm đám cưới, nhà trai đành cho anh quay phim “nghỉ việc”. Chú rể đành ngậm ngùi xem những thước phim cưới của mình do bạn bè ghi hình.

Dì của Thi chia sẻ, hồi năm ngoái, hai bên gia đình đã tổ chức lễ ăn hỏi. Dự định bốn tháng sau thì cưới. Trước lễ cưới, thấy bà ngoại Thi  bệnh trở nặng, lúc nhà trai ra xin lễ “chịu lời”, bà đã “mớm lời”,. Bảo người thân bệnh nặng sợ không qua khỏi, lo việc cưới xin không vẹn toàn. “Tui nói rứa, định bụng bên nhà trai họ đặt ra mấy miếng trầu, rồi xin dẫn dâu về. Xem như cháu gái tui đã là con dâu nhà họ, coi như mọi chuyện vậy là êm xuôi. Nhưng thấy họ không “động đậy”, mình nhà gái, cũng không thể nói nhiều được. Không ngờ hai đứa nó cao số quá, nên việc cưới xin cứ lận đận hoài”.

Bên nhà cô dâu, sau ngày đám cưới, nhà cửa cũng vắn tanh. Người hàng xóm nhanh miệng tiếp chuyện: “Lần cưới trước, thấy bà ngoại con bé yếu, nhà cho ngậm sâm liên tục. Mong kéo dài được chút thời gian, để ngày vui của con bé được vuông tròn. Vậy mà cũng không xong. Tuổi hai đứa nó “xung khắc” lắm, biết vậy cứ đi đăng ký kết hôn, chẳng tổ chức lễ lại, biết đâu đã tránh được nạn”.

Sau những biến cố vừa qua, nhiều người thân của đôi vợ chồng trẻ hy vọng cuộc hôn nhân của họ sẽ bình yên. Để hai đứa được sống những ngày hạnh phúc cho đến lúc răng long đầu bạc.

Hà Lê (Pháp luật & Thời đại)

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: dam cuoi khong chu re , khac tuoi nen 2 lan cuoi khong xong , hai lan phat thiep van khong tron le cuoi , dam cuoi 2 lan phat thiep khong tron le , tin , bao