Tiếp tục xử phúc thẩm vụ án của Bầu Kiên sáng 4-12, Hội đồng xét xử tập trung làm rõ hành vi cố ý làm trái của các cựu lãnh đạo ngân hàng ACB.
Cựu lãnh đạo ACB: 'Luật không cấm thì được phép làm' |
Sáng 4-12, hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên (còn gọi là Bầu Kiên, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ngân hàng ACB) tiếp tục thẩm vấn các bị cáo và người liên quan về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bản án sơ thẩm trước đó đã buộc Bầu Kiên cùng các thành viên trong HĐQT Ngân hàng ACB thống nhất chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB gửi 718 tỉ đồng vào Ngân hàng VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP.HCM.
Toàn bộ số tiền này đã bị bà Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank chi nhánh TP.HCM, chiếm đoạt.
Không rõ có phạm luật hay không?
Bị cáo Phạm Trung Cang (nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB) cho biết năm 2010, khi ngân hàng ACB ở thời điểm khó khăn, bị cáo đã đưa ra phương án giảm lãi suất cho vay nhưng bị cáo Kiên không đồng ý.
“Tôi với anh Kiên tranh luận kịch liệt về quan điểm này. Sau đó Tổng giám đốc Lý Xuân Hải đưa ra phương án ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền".
Theo bị cáo Cang, lúc đầu bị cáo có băn khoăn, nhưng sau đó ban pháp chế ngân hàng nói không phạm luật. Lúc đó, ông Trần Xuân Giá, Chủ tịch HĐQT là người có nhiều kinh nghiệm cũng nói những gì luật không cấm thì được làm.
"Giờ nghĩ lại tôi thấy nhận thức lúc đó là không đúng” - ông Cang khai trước tòa.
Trình bày kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng bị cáo Trịnh Kim Quang (nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB) vẫn nói trước tòa: “Tôi không hiểu việc làm của tôi và các thành viên trong HĐQT ACB có trái luật hay không, đến giờ tôi vẫn rất mù mờ”.
Bị cáo Lý Xuân Hải cho rằng việc Huyền Như chiếm đoạt tiền 'không phải là hệ quả của chủ trương HĐQT ACB mà là hệ quả của việc quản lý của Vietinbank'
Theo bị cáo Quang: “Cho đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng Nhà nước có cho một văn bản nào cấm việc ủy thác gửi tiền? Thầy Giá (ông Trần Xuân Giá) khi về ACB vẫn nói rằng tinh thần mới của Luật Doanh nghiệp là doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm."
Tòa sơ thẩm không quan tâm làm rõ ba căn cứ: Thứ nhất, vì sao có phát sinh hoạt động ủy thác gửi tiền, đó là điều rất lạ. Tại sao các ngân hàng lại có hoạt động ủy thác gửi tiền?
Thứ hai, cơ sở nào chúng tôi chấp thuận chủ trương ủy thác?
Thứ ba, chúng tôi đưa ra chủ trương ủy thác gửi tiền và yêu cầu ban kiểm soát và bộ phận pháp chế tuân thủ của ngân hàng ACB kiểm tra - đây là bộ phận kiểm soát việc tuân thủ pháp luật của ACB.
Tuy nhiên tôi phân vân hai định chế này họ làm gì, họ không có ý kiến khi HĐQT có chủ trương ủy thác tiền gửi, hay họ cho rằng chủ trương này không vi phạm pháp luật. Tôi không rõ chủ trương có phạm luật hay không?”.
Trình bày trước tòa, bị cáo Lý Xuân Hải cho biết: Năm 2010, thực trạng các ngân hàng thiếu vốn, vay liên ngân hàng nhưng không trả.
“Lúc đó bị cáo nhận được thông tin các ngân hàng ưu tiên trả tiền cho cá nhân, doanh nghiệp nên bị cáo đề xuất với HĐQT ACB chủ trương ủy thác cho các nhân viên ACB mang tiền đi gửi ở ngân hàng khác”.
Luật Các tổ chức tín dụng có quy định ủy thác đi gửi không? - Tòa hỏi.
Bị cáo Lý Xuân Hải đáp: "Nhận thức của tôi hoạt động ủy thác gửi tiền là được phép. Tôi nghĩ chủ trương ủy thác gửi tiền năm 2010 là không sai lầm và vẫn tiếp tục.
Việc gửi tiền hiện nay chưa có hậu quả. Quá trình gửi tiền tôi đã thực hiện đúng pháp luật, tiền đã được chuyển vào tài khoản của ngân hàng Vietinbank thông qua hệ thống của ngân hàng Nhà nước. Tiền đã chuyển vào tài khoản của Vietinbank và ở đó chứ không thể mất”.
Ông Hải cho rằng toàn bộ hành vi của Huỳnh Thị Huyền Như là dùng chứng từ giả để lấy tiền từ tài khoản của Vietinbank chứ không phải từ túi của ACB. Việc Huyền Như chiếm đoạt tiền không phải là hệ quả của chủ trương HĐQT ACB mà là hệ quả của việc quản lý của Vietinbank.
“Việc quản lý đó đúng sai thế nào thì là đánh giá của tòa”- bị cáo nói.
Tòa trích dẫn các điều luật và cho biết thời điểm năm 2010, luật không có quy định nào về việc ngân hàng được phép ủy thác cho cá nhân đi gửi tiền vào ngân hàng khác mà chỉ có quy định về cho vay liên ngân hàng.
“Tôi không chỉ đạo, gây áp lực”
Trình bày trước tòa nội dung kháng cáo về hành vi cố ý làm trái, bị cáo Kiên cho rằng việc bản án sơ thẩm quy kết bị cáo là cổ đông lớn, có vai trò chỉ đạo chi phối điều hành hoạt động của ACB là sai.
“ACB là doanh nghiệp lớn, không cho phép cá nhân nào làm được việc chỉ đạo, chi phối hoạt động của ACB. Với vai trò là Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập, tôi làm đúng quy chế của hội đồng sáng lập. Trong 5 năm giữ vị trí này, tôi chưa có ý kiến nào trái pháp luật, tôi khẳng định và tự tin các ý kiến của tôi là đúng pháp luật và vì quyền lợi của ACB, nếu tôi có chỉ đạo sai mà đại diện VKS và tòa đưa ra, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật” - lời bị cáo Kiên.
Ông Kiên khẳng định không hề đưa ra bất cứ áp lực, chỉ đạo nào đối với cấp dưới tại ACB.
Với hành vi đầu tư cổ phiếu ACB gây thiệt hại 687 tỉ đồng, bị cáo Kiên cho rằng việc đầu tư cổ phiếu ACB là của hai công ty ACI và ACI HN. Vì hai công ty này đã đầu tư vào cổ phiếu ACB trước đó, trong một thời gian lâu dài.
Bầu Kiên cũng cho rằng việc đầu tư cổ phiếu không gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho ACB, ACBS và đến nay chính ACB và ACBS đã khẳng định là không có thiệt hại.
Chiều nay 4-12, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn về hành vi cố ý làm trái.
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?