Người cha phát hiện con lấy cắp tài sản người khác đã cương quyết bắt giao công an xử lý. Sau đó người con bị kết án 9 tháng tù giam.
Con ăn trộm, cha bắt giao công an |
Và càng ngạc nhiên hơn nữa là sau khi ra tù người con không hề oán hận cha mình, người cha cũng không ghét bỏ con. Họ thương yêu nhau nhiều hơn. Hằng ngày người cha chở con đi làm ở cùng một doanh nghiệp cách nhà vài cây số. Người cha ấy là ông Lê Văn A., còn người con là Lê Hoàng Q. (23 tuổi).
Nghiêm khắc với con
Khi biết chuyện ông A. bắt quả tang con ruột mình đang lấy trộm cắp tài sản của người khác giao công an để rồi anh này phải đi tù, chúng tôi rất dè dặt khi tìm gặp họ. Trước khi đến nhà họ, chúng tôi đã gặp nhiều người dân địa phương dò hỏi thông tin về mối quan hệ giữa hai cha con sau khi Q. mãn hạn tù về nhà để biết mà ứng xử. Nhiều người nói thấy ông A. chở Q. đi làm hằng ngày, hai cha con nói cười vui vẻ lắm chứ không có chuyện gì. Nghe vậy tôi thấy yên tâm.
Ông A. xin phép chủ doanh nghiệp chở con mình về nhà trò chuyện với chúng tôi gần hết buổi sáng. Nhắc chuyện cũ, ông A. rơm rớm nước mắt: “Hổ dữ cũng không bao giờ ăn thịt con. Tình cảm cha con rất thiêng liêng. Nếu con sai thì cha sẽ tìm cách bảo vệ, che chở hoặc chịu tội thay. Nhưng vì tôi muốn con mình phải biết làm vậy là sai và phải trả giá để sau này không dám làm sai nữa. Từ lúc tố cáo con với công an rồi con đi tù, tôi đứt ruột đứt gan nhưng cũng không dám để lộ ra ngoài. Tôi mang tiếng ác nhiều lắm, nhưng tôi tin từ từ mọi người sẽ hiểu và chia sẻ. Nhưng điều tôi mừng nhất là con tôi không hận tôi mà vẫn tôn trọng, lễ phép với tôi sau chuyện đó”.
Ông A. là tài xế xe tải chở thuê cho ông Quan - chủ một doanh nghiệp gần nhà. Q., con ông, đã lớn nên ông cho đi theo làm lơ xe với ý định sau này truyền nghề cho con. Tất nhiên ông A. phải giữ chìa khóa kho chứa xe tải. Rạng sáng 28-8-2010, Q. lén lấy chìa khóa kho mà cha mình đang giữ để mở cửa kho cùng một người bạn lấy trộm chiếc môtơ điện. Cả hai khiêng ra ngoài nhưng do nặng quá nên bỏ lại. Hôm sau người dân phát hiện môtơ này nên báo công an thu hồi trả lại cho ông Quan.
Tiếp đó vào đêm 19/12/2010 Q. lại lén lấy chìa khóa kho xe tải rồi rủ một người bạn khác vào lấy bình ăcquy đem bán lấy tiền tiêu xài. Trong lúc Q. đang lui cui khiêng bình ăcquy ra ngoài thì bị cha mình phát hiện. Ông A. liền thu giữ chiếc bình ăcquy trả lại cho ông Quan rồi bắt cả hai đem về nhà. Ông gọi điện cho công an xã đến đưa hai thằng ăn trộm về trụ sở lập biên bản. Ông A. giải thích hành động của mình thế này: “Tôi có quen mấy em ở công an xã nên chỉ muốn kêu mấy đứa nó ra làm dữ một trận để răn đe thằng Q. con tôi. Rồi trong quá trình điều tra, Q. khai trước đó đã lấy chiếc môtơ điện bỏ bên ngoài kho nên gần hai năm sau đó cơ quan điều tra đã khởi tố nó. Chuyện này nằm ngoài mong muốn nên dù có bất ngờ nhưng phải chấp nhận vì đó là nguyên tắc sống của tôi”.
“Con sai nên không trách cha”
Dù mang tiếng là mới ra tù, nhưng ngồi trước mặt chúng tôi là một thanh niên rất hiền lành, ít nói. Khi thấy cha mắt đỏ hoe Q. cũng lấy tay quệt vội những giọt nước mắt lăn dài trên má. Chúng tôi gặng hỏi nhiều lần, Q. vẫn quả quyết từ lúc nghe cha mình gọi điện cho công an đến bắt anh về trụ sở thì anh chỉ có cảm giác sợ chứ không hề trách hờn cha. Thực lòng Q. rất sợ cha mẹ từ con như anh đã từng nghe nói ở đâu đó. “Em biết cha rất giận việc em lấy trộm đồ người khác nên mới nghiêm khắc như vậy chứ cha thương em lắm. Em sai nên không trách cha, mà ngược lại chỉ mong cha đừng ghét bỏ em thôi. Lúc em lấy đồ người ta, em có uống rượu và không làm chủ được mình, không nghĩ đến hậu quả quá lớn như vậy” - Q. tâm sự.
Ông A. kể người thân trong gia đình ông hay tin Q. bị bắt do ông tố cáo nên ai cũng giận, thậm chí còn xỉa xói rằng: “Con nó mà nó còn kêu công an bắt ở tù, mình đừng dại dột mà đụng đến nó”. Ông nghe câu nói này mà đau thắt trong lòng nhưng chỉ biết im lặng. Bà L. (vợ ông) nói bà cũng không giận chồng vì biết tính ông rất thẳng, rất nghiêm khắc, khi quyết định làm việc gì thì đã nghĩ kỹ và không hối hận. Mỗi lần đi thăm nuôi con trong trại giam cả cha mẹ Q. đều có mặt, song chỉ có mẹ vào thăm, còn ông A. ngồi ngoài chờ. Ông kể: “Có lần nó đang lao động ngoài đồng thì được giám thị gọi vào cho thăm nuôi, nó đi ngang qua tôi, hai cha con nhìn nhau nhưng không ai nói với ai tiếng nào. Nó đi qua rồi tôi nhìn theo rất lâu, nước mắt cứ chực tuôn ra...”.
Ông A. tiếp lời: “Hôm đi đón thằng Q. về, tôi nôn nao đứng nhìn con đi từ trong ra tới cửa. Khi nó đến gần tôi, hai cha con nhìn nhau và im lặng rất lâu không ai nói câu nào. Nó thưa cha rồi im lặng. Trên đường về nhà, tôi chở nó tới công an xã trình diện rồi ghé ăn uống. Lúc đó tôi mới nói chuyện, hỏi thăm con. Nó tưởng tôi còn giận nên không dám nói gì, tội nghiệp...”.
Về nhà, hai cha con ngồi nói chuyện đến khuya. Ông A. cũng sợ con hận cha, mặc cảm rồi bỏ nhà đi. Còn Q. cũng sợ cha mẹ từ bỏ không nhìn mặt. Sau buổi nói chuyện thẳng thắn đó, Q. càng thương cha mẹ hơn. Còn ông A. cũng không còn lo con hận mình. Ông đến gặp ông Quan xin cho Q. tiếp tục được làm tại doanh nghiệp để ông có điều kiện gần gũi dạy bảo, động viên, chăm sóc con. Ông Quan gật đầu ngay vì trước đây chính ông đã làm đơn bãi nại, đề nghị không truy cứu việc Q. lấy trộm bình ăcquy. Ông Quan nói ông biết rõ Q. không phải là người xấu. Hành động sai trái trước đây chỉ vì một phút nông nổi tuổi trẻ sau khi có uống rượu. Hiện nay Q. đang phụ trách khâu vận hành máy sản xuất hạt nhựa, lương gần 3 triệu đồng/tháng.
Ông A. cho biết bây giờ vẫn rất nghiêm khắc với con: “Tôi dạy cho con biết làm ra đồng tiền khổ đến mức nào để biết trân trọng nó. Chín tháng trong trại nó cũng trưởng thành hơn nhiều. Cái được lớn nhất mà tôi rất vui là tình cảm cha con vẫn đong đầy như xưa”.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Quan - giám đốc Công ty bao bì Tam Thuận Phát - cho biết ông rất nể ông A. về sự cương quyết với con. Trong vụ này, ông Quan không hề có yêu cầu gì để xử lý Q. bởi ông không hề xa lạ với cha con ông A.. Ngoài ra, ông cũng không mất tài sản gì. “Thằng Q. còn trẻ người non dạ, một phút suy nghĩ nông cạn nên làm sai chứ xưa giờ tôi thấy nó không phải là đứa xấu tính xấu nết. Tôi có nói chuyện với cha Q. nhưng anh ấy rất thẳng thắn, muốn con anh phải được cải tạo một thời gian để hối cải và trưởng thành hơn, biết nhận thức được cái gì sai mà tránh. Cũng vì vậy mà tôi tin tưởng anh A. Cả khi thằng Q. trở về, tôi nhận nó vào làm việc ngay, không hề suy nghĩ một giây nào vì tôi tin nó không phải là người xấu” - ông Quan nói.
Cũng theo ông Quan, sau một thời gian làm việc tại công ty, ông để ý thấy Q. rất lễ phép với người lớn, biết tôn trọng, giúp đỡ đồng nghiệp cùng trang lứa. Nhờ làm việc chăm chỉ mà tay nghề của Q. được nâng lên. Mới đây ông Quan quyết định giao Q. đảm nhiệm công việc phức tạp hơn là vận hành máy tạo hạt nhựa.
Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?