Văn Cao rất tài hoa mà cũng quá đỗi tài tử, khi túng thiếu, thà vay mượn để thỏa cái sở thích của mình chứ không chấp nhận đem tài năng ra bán buôn, đổi chác.
Cố nhạc sĩ Văn Cao. |
Cố nhạc sĩ Văn Cao là một bậc kỳ tài trong nhiều lĩnh vực nhưng ông được biết đến nhiều nhất ở vai trò của một nhạc sĩ. Vẻ đẹp bảng lảng, thoát tục, giai điệu uyển chuyển của Buồn tàn thu, Thiên Thai, Trương Chi, Suối mơ,… đã làm say mê và cuốn hút bao người yêu nhạc. Cuộc đời nhạc sĩ Văn Cao có nhiều thăng trầm gắn liền với những biến thiên của lịch sử và sự khắc nghiệt trước cái nhìn của thời cuộc. Viết về ông, có lẽ cần cả một cuốn sách với cái nhìn thấu đáo. Bởi, đó là một cuộc đời lớn, cuộc đời của một thiên tài. Bài viết này chỉ là một nét phác họa về người nghệ sỹ tài hoa…
Vẻ đẹp tiên thiên trong tình ca
Đến giữa thập niên 30, nền tân nhạc Việt Nam đã có những bước tiến vững chắc. Những cái tên như Lê Thương, Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn, Hoàng Quý,… đã tạo nên một diện mạo mới cho tân nhạc và gây ảnh hưởng lớn đến tinh thần thưởng ngoạn âm nhạc của giới trí thức lúc bấy giờ.
Trong dòng chảy đó, cuối năm 1939, Buồn tàn thu – ca khúc đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao ra đời. Năm đó ông vừa tròn 17 tuổi. Đầu năm 1940, Buồn tàn thu được chàng ca sĩ mê xê dịch Phạm Duy (nhạc sĩ Phạm Duy sau này) “gieo buồn đi khắp chốn” và tạo nên một hiệu ứng trong giới yêu nhạc thời ấy. Dù còn phảng phất sự ảnh hưởng của Lê Thương và Đặng Thế Phong nhưng Buồn tàn thu, với lời ca đầy chất thơ, tứ nhạc phong phú, nét nhạc thanh thoát đã hứa hẹn một tài năng. Quả vậy, sau đó ít lâu, Thiên Thai, Trương Chi, Suối mơ, Bến xuân, Thu cô liêu của Văn Cao qua tiếng hát Phạm Duy đã thổi một làn gió mát vào lòng người yêu nhạc, ngày ấy và cả bây giờ.
Nhạc sĩ Văn Cao tại nhà, tháng 7/1992
Ngay từ thời còn đi học, tài năng âm nhạc của Văn Cao đã sớm được bộc lộ. Văn Cao họ Nguyễn, bạn bè vẫn thường gọi ông bằng cái tên thân thuộc – anh Văn. Ông cất tiếng khóc chào đời vào ngày 15/11/1923 tại bến Bính, bên dòng sông Cấm, Hải Phòng. Cha (có tài liệu ghi là anh) của ông làm cai của nhà máy bơm nước ở bờ sông đó nên suốt thời niên thiếu, ông sống cùng tiếng ồn ào của cái máy bơm rất lớn nằm chình ình giữa nhà suốt ngày đêm hút nước từ dưới sông lên. Ông học tiểu học tại trường Bonnal, trung học ở trường Saint Joseph và được học nhạc sơ lược ở đây. Về sau, ông có học thêm nhạc lý ở lớp Tạ Phước nhưng lúc mới bắt đầu soạn nhạc, ông tự học và… bắt chước nhạc ngoại quốc! Sau này, bình nhạc Văn Cao, nhiều nhà chuyên môn cho rằng ông còn vài điểm kém về nhạc lý, nhạc điệu nhưng hết thảy đều công nhận ông thực sự là một bậc kỳ tài.
Cũng cần “Phải thừa nhận rằng, nếu không có giọng hát của Phạm Duy, nhạc Văn Cao cũng khó mà phổ biến; trái lại nếu không có Văn Cao, chưa chắc Phạm Duy đã sáng tác! Cả hai hỗ trợ nhau, cùng dìu nhau đi vào bất tử!” (Tạ Tỵ, Những khuôn mặt văn nghệ đi qua đời tôi). Cố nhạc sĩ Phạm Duy, trong các bài viết sau này cũng nhiều lần nhắc đến tài năng của nhạc sĩ Văn Cao bằng sự kính trọng hết mực. Với giá trị hiển nhiên, nhạc Văn Cao đã vượt thoát qua cửa ải được trấn giữ lâu ngày bởi những đàn anh đi trước và đặt nền móng cho những thế hệ đi sau.
Tinh hoa phát tiết
Tài hoa của Văn Cao còn phát động sang nhiều lĩnh vực khác, nói như nhà văn Vũ Bằng thì, cái gì Văn Cao cũng biết, từ đàn ca, hát xướng cho đến vẽ vời. Trong đó, bên cạnh âm nhạc thì đáng chú ý hơn hết thảy là thơ ca và hội họa. Theo họa sĩ Tạ Tỵ, Văn Cao tuy chỉ học có hai năm ở trường Mỹ thuật Đông Dương với tư cách là sinh viên dự thính, nhưng lại có một tài họa kỳ lạ, hứa hẹn rất nhiều. Bức Cuộc vũ của những người tự sát theo trường phái lập thể được ông trưng bày trong “Cuộc triển lãm độc nhất” (Salon unique) hồi 1943 cùng hai bức Cây đàn đỏ và Đường cấm trong triển lãm tự do tại Liên khu ba vào năm 1949 đến giờ vẫn được nhiều họa sĩ nhắc đến. Văn Cao còn phát hành tuyển tập nhạc do ông tự tay trình bày bìa bằng những bức tranh avant garde rất độc đáo mà lúc đó chưa ai nghĩ ra cách như vậy. Tiếc là, qua nhiều dâu bể, những tác phẩm này chỉ còn lại trong ký ức của bè bạn ông.
Bìa đĩa Tình khúc Văn Cao
Văn Cao, trong ký ức của bạn bè, rất tài hoa mà cũng quá đỗi tài tử. Sinh thời, ông mê rượu và thuốc lào. Một lần, nhà thơ Phùng Quán đang ngồi quán uống trà thì thấy Văn Cao cùng một người bạn liêu xiêu từ quán rượu bước ra. Văn Cao hỏi mượn Phùng Quán năm đồng, Phùng Quán vét sạch túi đưa hết cho ông ba đồng. Lát sau thì thấy bà Băng (vợ nhạc sĩ Văn Cao) hớt hãi đi tìm ông. Thì ra, ông đã để người khách từ Hà Giang xuống nhờ vẽ cái nhãn chè với thù lao 50 đồng và 10 gói chè loại I chờ dài cổ! Hôm sau, Phùng Quán hỏi, Văn Cao lắc đầu: “Mình cần tiền nhưng cũng vô cùng chán tiền!” Con người tài hoa, trong hoàn cảnh túng thiếu, thà vay mượn để thỏa cái sở thích của mình chứ không chấp nhận đem tài năng ra bán buôn, đổi chác !
Nhạc sĩ Văn Cao (thứ 2, từ phải qua) và bè bạn
Năm 1944, Văn Cao gia nhập Cách mạng và được giao soạn một bài hát nhân ngày kháng Nhật. Tháng 11 năm 1944, Tiến quân ca được hoàn thành nhưng mãi đến ngày 17/8/1945, nó mới thực hiện nhiệm vụ lịch sử của mình. Trong buổi mít-tinh của công chức tại Nhà hát lớn Hà Nội, Tiến quân ca được Phạm Duy “cướp micro” hát lần đầu tiên trước quần chúng. Sau 19/8, tên tuổi Văn Cao nổi như cồn. Đầu năm 1946, trong kỳ họp Quốc hội khóa đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc hội đã quyết định chọn Tiến quân ca làm Quốc ca của nước ta. Tiếp theo Tiến quân ca, nhạc sĩ Văn Cao hầu như chỉ viết những bản nhạc hùng ca Chiến sĩ Việt Nam, Bắc Sơn, Sông Lô, Tiến về Hà Nội,… duy có Ngày mùa và Làng tôi (1947) mang đậm âm hưởng dân ca.
Nhạc sĩ Văn Cao tại nhà, tháng 7/1992
Theo Vũ Bằng, khi Văn Cao nổi tiếng về nhạc, người ta mới giở lại những bài thơ của Văn Cao được đăng tải trên Tiểu thuyết thứ Bảy cùng vài tờ báo khác. Đến lúc đó người ta mới thấy thơ Văn Cao hay cũng như nhạc của ông. Vậy là thơ Văn Cao được đưa ra mổ xẻ và ca ngợi ầm lên, Văn Cao thành ra một thứ “sản phẩm trác tuyệt của những năm bốn mươi”! Theo thời gian, thơ Văn Cao vẫn có chỗ đứng riêng, vì giá trị thực của nó chứ không lóe lên chỉ vì sự tung hô nhất thời với những bài thơ đậm chất thời sự như Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Ngoại ô mùa đông 46, Những người trên cửa Biển cùng nhiều bài thơ khác được in trong tập Lá, xuất bản năm 1988.
Một khoảng lặng…
Sau 1954, nhạc sĩ Văn Cao hầu như không viết nhạc nữa (hiếm hoi có Mùa xuân đầu tiên được ông viết vào năm 1976). Nguyên nhân sâu xa của việc này là do ông cảm thấy ám ảnh sau việc bắn Đỗ Đức Phin – tay mật thám của Nhật vào năm 1945 tại Hải Phòng. “Những ngày đầu sau chiến tranh, tôi đã trở lại căn nhà ấy, thấy còn lại một gia đình mẹ góa con côi. Làm sao tôi có thể nói điều cần thiết nhất đối với tôi trong những bài hát sau đó? Nói về chiến công hay phải nói một điều gì khác? Nên tôi im lặng, và chỉ viết nhạc-không-lời.”
Khi xảy ra vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm vào năm 1958, Văn Cao cũng như nhiều văn nghệ sỹ có liên quan bị đẩy vào bóng tối. Bản Tiến quân ca, vì thế cũng chịu nhiều thăng trầm như người viết ra nó. Tuy nhiên, với giá trị tất yếu, Tiến quân ca vẫn là Quốc ca của nước ta cho đến ngày hôm nay cũng như vị trí vững chắc của nhạc sĩ Văn Cao trong lòng người yêu nhạc. Năm 1983, lần đầu tiên sau nhiều năm, những nhạc phẩm của nhạc sĩ Văn Cao được hát trở lại. Năm năm sau, cái án Nhân văn được dở bỏ. Ba mươi năm, đủ để bãi bể hóa nương dâu, đủ dằng dặc để thui chột mọi sự sáng tạo, đủ khủng khiếp để gò ép một tinh thần. Vết xước xưa khó lành nhưng ít nhất cũng có những thứ được trả về đúng với giá trị vốn có của nó.
Nhạc sĩ và người vợ tảo tần – bà Nghiêm Thúy Băng
Ngày 10/7/1995, nhạc sĩ Văn Cao ôm giấc mơ đời người về với cõi thiên thai…
Viết về ông, với cái nhìn của một người trẻ lớn lên trong sự bùng nổ của rất nhiều trào lưu âm nhạc, tôi chợt nhớ đến một câu thơ trong bài Hoàng hạc lâu của thi sĩ Thôi Hiệu: Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản. Con người ấy – với sự vĩ đại của một thiên tài, như nhà báo Nguyễn Thụy Kha nhận xét “Văn Cao là trời cho” và một nhân cách đáng trọng – cũng như một loài chim quý, ra đi không bao giờ trở lại và cũng không có sự lặp lại, mang theo bao sự vấn vương, ngưỡng mộ và đồng vọng của hậu thế.
Box:
Ảnh: Loạt ảnh sử dụng trong bài này là của nhà báo Nguyễn Thụy Kha
001: Chân dung cố nhạc sĩ Văn Cao
002: Nhạc sĩ Văn Cao tại nhà, tháng 7/1992
003: Nhạc sĩ Văn Cao (thứ 2, từ phải qua) và bè bạn
004: Nhạc sĩ và người vợ tảo tần – bà Nghiêm Thúy Băng
005: Bìa đĩa Tình khúc Văn Cao
Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny
- Nhan sắc được khen 'đẹp như búp bê Barbie' của Hoa hậu Thanh Thủy
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Quách Tuấn Du lên tiếng về tin đồn qua đời vì tai nạn
- Vượt Tom Cruise, chàng trai trẻ trở thành người đàn ông đẹp nhất thế giới năm 2024
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?