Căng tin trường - nơi các bậc phụ huynh chẳng mấy khi lui tới - là cả một thế giới mua sắm phong phú bao gồm đồ ăn và đồ chơi mà các em đang lăm lăm cầm tiền.
Học sinh mua đồ ăn tại căngtin trường - Ảnh: Như Hùng |
Những hình ảnh chúng tôi ghi nhận được tại khu vực căngtin một trường tiểu học: những cô cậu học trò với vài tờ tiền trên tay, trong đó có cả mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng.
Cũng chọn lựa, tính toán xem nên mua món gì vừa rẻ vừa hấp dẫn. Cũng đổi ý, thay món này đổi món kia, rồi nhận tiền thối, đếm đếm, cất cất, thậm chí cho bạn mượn.
Các em chen chúc nhau mua từ bánh ngọt, kẹo dẻo, thạch dừa cho đến các loại đồ chơi như máy bay, tên lửa, búp bê, đề can dán hình nhiều màu...
Hãy cho trẻ tiền và một con heo đất
Ở bậc tiểu học, phụ huynh có thể cho trẻ một ít tiền và dạy con cách sử dụng tiền. Tuy nhiên không nên cho quá nhiều. Hãy cho trẻ vài ngàn đồng cùng với một con heo đất và dặn trẻ tiết kiệm số tiền chưa dùng vào con heo này.
Trẻ sẽ tự cân đối chi tiêu để có thể để dành được tiền cho những mục đích tốt như mua sách vở, ủng hộ bạn nghèo... Những phụ huynh tuyệt đối không cho con sử dụng tiền cũng chưa hẳn là cách dạy hay. Cha mẹ không cho tiền thì những người khác như cô, dì, ông, bà lại cho, và trẻ sử dụng số tiền được cho ấy với một tâm thế hoang phí, chống đối lại ý kiến của cha mẹ.
Chuyên viên tư vấn tâm lý Bảo Nhi (TP.HCM)
Chúng tôi hỏi một nhóm học sinh lớp 4 ở một trường tiểu học thuộc Q.Gò Vấp (TP.HCM) đang tụ tập ăn món mực rim: “Mẹ cho con bao nhiêu tiền đi học?”. Một em trả lời: “Dạ mỗi ngày 10.000 đồng”. Một học sinh khác chỉ sang bạn bên cạnh khoe: “Bạn này có 300.000 đồng luôn đó cô”.
Hỏi ra mới biết em này mang tiền đi đóng tiền học thêm cho cô nhưng... quên đóng, lấy một ít mua đồ ăn vì thèm quá.
Phụ huynh có con học tiểu học có nhiều quan điểm khác nhau về việc cho con tiền. Tại Trường tiểu học Võ Trường Toản, Q.10, chị Bích Uyên, có con đang học lớp 2, cho biết: “Con tôi rất hay đói nên từ hồi bé đi học tôi thường cho 10.000-20.000 đồng để ăn bánh hoặc uống nước. Tuy nhiên tôi dặn cháu chỉ được mua đồ ở trong trường, không được lê la các xe đẩy, hàng quán phía ngoài trường vì sợ không an toàn. Khi tiêu hết số tiền đó cháu lại xin thêm. Còn muốn mua đồ chơi hay các thứ khác thì cháu xin và ba mẹ trực tiếp dắt cháu đi mua”.
Trong khi đó, một phụ huynh có con học lớp 5 Trường tiểu học Trần Bình Trọng, Q.5, nêu ý kiến: “Cháu nhà tôi lên lớp 5 mới bắt đầu được tiêu tiền. Thỉnh thoảng tôi cho cháu 10.000 đồng để mua nước uống khi khát hoặc để đóng tiền quỹ nuôi heo đất, mua sách báo với các bạn trong lớp. Tôi không cho cháu cầm nhiều tiền để mua đồ ăn mà thường trực tiếp dắt con đi mua và dạy con không mua quà vặt từ hồi mới bắt đầu đi học. Nếu cháu đói đã có bánh dự trữ sẵn trong cặp, khát đã có bình nước của nhà trường”.
Dùng phiếu thay tiền
Đã từng có các vụ “ăn chặn”, bắt cống nạp tiền của các “đại ca” trong trường, hay chuyện học sinh bị lục cặp lấy trộm tiền vào giờ ra chơi... Ở một số trường tiểu học, ngoài việc sinh hoạt với phụ huynh về việc không nên cho con mang theo nhiều tiền trong người, nhà trường còn có nhiều giải pháp để quản lý việc học sinh tiêu tiền trong trường.
Tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, căngtin trường có phát hành các phiếu mua thức ăn mệnh giá 5.000 đồng, 10.000 đồng. Phụ huynh mua các phiếu này rồi đưa cho con sử dụng để các em không trực tiếp xài tiền mặt. Đặc biệt, học sinh nào sử dụng tiền mệnh giá lớn (trên 100.000 đồng) sẽ bị các nhân viên căngtin tạm thời... tịch thu, báo với giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh để kiểm tra.
Cô Lê Thị Ngọc Điệp, hiệu trưởng nhà trường, băn khoăn: “Nhà trường đã sinh hoạt với phụ huynh nhiều lần, không nên cho con quá 20.000 đồng/ngày. Tuy vậy vẫn có nhiều phụ huynh cho con nhiều tiền, có người với suy nghĩ “bù đắp” cho con vì bố mẹ bận bịu, đi làm xa, thiếu sự chăm sóc. Có em thường xuyên có nhiều tiền vì cha mẹ quá “sơ hở” khi để tiền ở nhà, con lấy lúc nào, bao nhiêu cũng không để ý. Có trường hợp học sinh dùng tờ 500.000 đồng mua quà vặt, nhân viên căngtin giữ lại và báo với giáo viên, phụ huynh để kiểm tra, học trò sợ quá không dám xuống căngtin nữa, hỏi ra thì mẹ em nói do đưa con đi học gấp quá không kịp cho tiền như mọi ngày nên bé... tự lấy”.
Tương tự, ở Trường tiểu học Võ Trường Toản, học sinh không được dùng tiền mặt để mua thức ăn ở căngtin. Căngtin trường phát hành các phiếu mua đồ ăn nhiều mệnh giá để phụ huynh mua cho con, hạn chế việc trẻ tự tiêu tiền.
Đều đặn hằng năm trường có các buổi sinh hoạt kỹ năng sống về chủ đề hướng dẫn học sinh cách sử dụng tiền, làm chủ đồng tiền và tiết kiệm tiền bạc.
Cô Huỳnh Thị Thảo, hiệu phó nhà trường, cho biết: “Giáo viên chủ nhiệm và bảo mẫu cũng theo dõi, quản lý chặt việc các học sinh trong lớp tiêu tiền như thế nào. Chúng tôi cũng sinh hoạt với phụ huynh về việc nhắm chừng khoản tiền mua nước uống và thức ăn để cho con, không nên cho trẻ quá nhiều tiền”.
Mang theo 100.000 đồng phải báo cáo
Mới đây, tại Trường tiểu học Trần Văn Ơn (Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng), một học sinh lớp 1 mang tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng ra căngtin mua đồ, ngay lập tức quản lý căngtin điện báo cho lãnh đạo trường để xử lý. “Chúng tôi phải gọi điện cho phụ huynh tới trường để trả lại 100.000 đồng và đề nghị họ không nên cho trẻ tiền mặt như vậy nữa - thầy Đặng Nhứt, hiệu trưởng nhà trường, cho biết - Nếu phụ huynh thương con của mình thì có thể chuẩn bị thêm đồ ăn, nước uống thay vì đưa tiền cho các cháu. Điều đó dễ tạo thói quen xấu cho chính con mình”.
Theo thầy Nhứt, đối với học sinh tiểu học, trung học do các em còn quá nhỏ nên phụ huynh không nên cho con tiền sinh hoạt hằng ngày. Thực tế, mọi hoạt động ăn uống, vui chơi của các em diễn ra ở trong trường nên việc dùng tiền là không cần thiết. Các em còn nhỏ chưa có ý thức về giá trị lao động để có được đồng tiền. Mặt khác, đối với học sinh, nếu không quản lý việc sử dụng tiền sẽ khiến các em dùng quen rồi lên các cấp học khác sẽ “quen tay” với việc dùng tiền phung phí, không đúng chỗ hoặc lấy tiền của cha mẹ. Đó là chưa kể những kẻ xấu ngoài xã hội dễ lợi dụng các em để làm những chuyện phi pháp.
Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu
- Muốn trở thành giáo viên giỏi? - Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là điều TIÊN QUYẾT!
- Điểm mới trong các kỳ thi riêng xét tuyển Đại học năm 2025
- 5 năm tới ngành nào hot: Lương lên tới 3,4 tỷ đồng/năm mà không cần bằng đại học?
- 5 ngành học hot nhất hiện nay! Cơ hội việc làm rộng mở, lương 100 triệu đồng/tháng trong tầm tay
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%