Trăm kiểu giáo viên mầm non làm khó phụ huynh
Chủ nhật, 20/10/2013 13:27

Nhiều phụ huynh phải dở khóc, dở cười với những ứng xử khác thường của các cô giáo.

Nhiều cô giáo hồn nhiên dùng tiếng địa phương để dạy trẻ (Ảnh minh họa).

Nhiều cô giáo hồn nhiên dùng tiếng địa phương để dạy trẻ (Ảnh minh họa).

Khi cung không đủ đáp ứng

Do cung cao, nhưng cầu không nhiều, rất nhiều giáo viên mầm non không có chuyên môn về sư phạm, nhất là ở các nhà trẻ tư thục. Thế nên, nhiều cô đã gây ra cho các phụ huynh tình cảnh dở khóc, dở cười; tuy không đến mức phải chuyển trường cho con, song cũng vô cùng khó chịu.

Sau khi con trai được gần 2 tuổi, chị Hải Yến ở Quận 2 mới gửi con vào nhà trẻ. Để tiện cho bà nội đưa đón, chị đã chọn trường mầm non tư thục gần nhà thay vì đưa đến các trường công và quốc tế. Sau một tuần nhõng nhẽo khóc lóc, Tiger cũng đã phần nào hòa nhập với bạn bè.

Hôm đó, lúc cả nhà đang ăn cơm, đột nhiên Tiger ré lên: “Cho con ăn gau, ăn gau”. Mới nghe, mọi người chẳng hiểu gì, mới hỏi lại: “Tiger muốn ăn gì?”, cu cậu lại tiếp tục la lối và chỉ vào dĩa rau: “Gơ muốn ăn gau, ăn gau”. Tới lúc đó, cả nhà mới té ngửa ra, ai cũng thấy cảm thấy vừa tức cười vừa hơi sợ.

Bà nội bình luận: “Ba hắn gốc Nghệ An, mẹ hắn gốc Hà Nội, đang sống ở Sài Gòn, giờ hắn lại nói giọng miền Tây”. Thì ra, cô giáo của Tiger là người miền Tây, nên cu cậu mới học theo. Chưa hết, sáng thức dậy, thấy mẹ chuẩn bị đi làm, Tiger tiếp tục mếu máo: “Má đi mần hả? Cho Gơ đi với, Gơ không thích đi học”.

Nhiều cô giáo ở các trường tư thục không hề có bằng cấp sư phạm (Ảnh minh họa).

“Chẳng lẽ vì chuyện này mà đổi trường. Ngoài chuyện cô giáo nói giọng miền Tây ra, thì trường này tương đối ổn. Thôi thì chú ý sửa từ từ mỗi khi con về nhà. Hy vọng khi lên lớp mới, học cô khác con sẽ không nói vậy nữa”, chị Yến tâm sự.

Nỗi ấm ức khó nên lời

Cũng như chị Yến, chị Hiền ở Gò Vấp cũng được một phen giật mình với cô giáo của bé Susu 2 tuổi. Vừa tan sở, chị Hiền ba chân bốn cẳng chạy đến trường mầm non vì đây là buổi học đầu tiên của bé Susu. Vừa thấy mẹ, cô giáo của bé Susu hằm hằm chạy ra rồi dúi vào tay một túi to: “Chị mang chăn về mà giặt. Sau khi Susu ăn xong đã ói ra cả chăn rồi”.

Dù khá ngạc nhiên, song chị Hiền không nói gì, cầm chiếc chăn về nhà. Sau khi nghe vợ kể xong, chồng chị Hiền khá tức giận: “Ở đâu có cái kiểu bé ói ra chăn thì ba mẹ phải mang về nhà giặt. Chứ mỗi tháng đóng một đống tiền để làm gì. Mai anh sẽ tới nói với hiệu trưởng”.

Vì sợ con bị cô giáo đối xử không tốt, chị Hiền cản lại, mang nổi ấm ức đi giặt chăn. Nhưng, khi đi giặt chăn chị lại không thấy áo của con dính đồ ói ra đâu hết mới đến hỏi cô giáo. Cô giáo ráo hoảnh: “Áo hả, trong kia”, rồi chỉ vào nhà tắm. Đã thế, lúc đón Susu, cô giáo chưa bao giờ cười lấy một cái, khiến chị Hiền cũng hết sức căng thẳng. “Tôi không biết phải làm sao nữa. Đúng là con mình còn chưa ngoan, nhưng sao cô giáo lại đối xử lạnh lùng với học trò như vậy?” chị Hiền bình luận.

Trẻ con thường nhạy cảm với sự bất công (Ảnh minh họa).

Con không bị cô giáo ghét bỏ, vì Tí cũng khá ngoan, song chị chị Loan, ở Tân Bình lại có nổi băn khoăn khác. Một hôm, như mọi lần, cu Tí 5 tuổi cứ bi bô liên hồi khi ngồi trên xe từ trường về nhà. Đột nhiên, cu Tí hỏi: “Mẹ, sao mẹ không đưa bì thư cho cô giáo con?”, vì không hiểu con muốn nói gì, chị Loan hỏi lại: “Bì thư gì hả Tí”, cu Tí giải thích: “Bì thư như mẹ của bạn Kem đưa cho cô giáo ấy”.

Sau một hồi tìm hiểu, hỏi han, cuối cùng chị Loan cũng biết vì sao đứa con trai bé bỏng lại có đề nghị kỳ cục thế. Số là, hôm qua, cu Tí thấy mẹ của bạn Kem đưa một bì thư cho cô giáo. Hôm nay, cu Tí với bạn Kem tranh giành đồ chơi của nhau, thì cô giáo đến bênh Kem rồi la cu Tí chứ không như mọi lần là la cả hai.

“Tại mẹ không chịu đưa bì thư cho cô giáo nên con mới bị la một mình đó”, cu Tí kết luận. Nghe con kể xong, chị Loan cũng không biết nói sao, chỉ thấy buồn cho con khi mới tí tuổi đầu đã phải chứng kiến những điều không hay. “Văn hóa phong bì đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt, ngay từ khi bé tí, trẻ đã thấy "ma lực" của phong bì, thì sau này lớn hẳn tụi nhỏ sẽ coi đó là điều tất nhiên”, chị Loan bức xúc.
Khi cô giáo có "sáng kiến"

Vì con có vẻ thụ động, không hoạt bát, nên dù có bà nội chăm, chị Liên ở Quận 7 vẫn nhất quyết cho cu Bin 3 tuổi đi học, với suy nghĩ: con sẽ vui vẻ, cởi mở hơn khi thường xuyên tiếp xúc và vui chơi với các bạn cùng tuổi.

Tuy nhiên, sau 2 tuần đi học, tình trạng của cu Bin không những chẳng được cải thiện mà còn tệ hơn. Đi học về nhà là cu Bin cứ lân la tới cái ti vi, rồi ai xem gì cũng xem cùng. Thậm chí nếu ti vi không mở, cu cậu còn yêu cầu bà nội mở lên để xem. Khi mẹ nói là sẽ dẫn đi chơi, cu Bin cũng không hào hứng như mọi lần.

Tưởng, đây chỉ là cơn nhõng nhẽo nhất thời của con, chị Liên cũng không quan tâm lắm. Nhưng, một tuần trôi qua, cơn nghiện ti vi của cu Bin ngày càng nặng. Cu Bin liên tục chỉ vào ti vi và nói Ngộ Không, Tom Jerry… nếu mẹ hoặc bà không làm theo yêu cầu thì sẽ khóc ré lên.

Nhận thấy mọi chuyện có vẻ không ổn, chị Liên liền xin nghỉ nửa ngày để đến lớp xem vì sao mọi chuyện lại trở nên xấu như thế. Lúc chị Liên bất thình lình vào lớp của cu Bin thì không thấy cô giáo đâu, mà chỉ có các nhóc đang chăm chú dán mắt vào màn hình tivi.

Vì chỉ có 2 cô, mà lớp có tới mười mấy cháu, nên các cô đã nghĩ ra cách bật tivi để dỗ các cháu, đỡ vất vả. Nhận thấy, cứ hễ coi phim là các cháu lại ngồi im, không chạy nhảy la hét nữa, nên các cô cứ thế mà "phát huy".

Baodatviet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: Giáo dục , Giáo dục mầm non , Giáo dục tiểu học , Giám thị , Bảo mẫu