Chuyện của những người khiến du khách "khóc" khi về thăm quê Bác
Thứ sáu, 18/05/2012 15:40

Làng Sen vẫn thế, mộc mạc và đơn sơ như chính con người của Bác vậy. Tiếp chúng tôi, các nữ thuyết minh viên ân cần, thân thiện, càng tô thêm vẻ đẹp về mảnh đất nơi Người đã được sinh ra.

Giữa những ngày tháng 5 lịch sử, trong không khí cả nước hướng về Lễ kỷ niệm 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi ngược về làng Sen thăm quê Bác và ấp ủ mong muốn tìm hiểu về các hướng dẫn viên, những người suốt thời gian qua, thay mặt các thành viên trong đại gia đình Bác, tiếp đón hàng triệu du khách gần xa đến thăm nơi Người đã sinh ra và lớn lên. 

Làng Sen vẫn thế, mộc mạc và đơn sơ như chính con người của Bác vậy. Tiếp chúng tôi, các nữ thuyết minh viên ân cần, thân thiện, càng tô thêm vẻ đẹp về mảnh đất nơi Người đã được sinh ra.

Trọn đời với nhiệm vụ thiêng liêng

Năm 1989, cả nước tích cực thi đua lập thành tích chào mừng 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại làng Sen, không khí càng háo hức hơn khi nơi đây sẽ diễn ra rất nhiều hoạt động. Trước yêu cầu của du khách, cũng như để người dân hiểu hơn về thời ấu thơ của Người, BQL Khu di tích Kim Liên quyết định tổ chức cuộc tuyển chọn các thuyết minh viên làm việc tại nhà Bác.

Thuyết minh viên vinh dự và tự hào khi kể về Người và gia đình. (Ảnh: Lê Quyết)

Như hàng trăm thí sinh khác, chị Trần Thị Thao mong mình sẽ trở thành 1 trong 8 thí sinh trúng tuyển. Vốn sinh ra tại mảnh đất làng Sen, nhà chị cách nhà Bác vài chục mét. Ngày nhỏ chị thường theo bạn bè vào nhà Bác cắt cỏ và được nghe kể nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lòng chị sống dậy những ước mơ. Chị mong có ngày sẽ được kể về thời ấu thơ, cùng gia cảnh của Bác cho hết thảy mọi người được nghe.

Niềm khát khao đó đã giúp chị Thao có thêm nghị lực để phấn đấu. Năm đó, vượt qua 120 thí sinh, chị Thao trúng tuyển trong niềm vui vô bờ bến của bản thân và gia đình. Ngày ấy, cô gái 17 tuổi không khỏi bỡ ngỡ với yêu cầu lớn lao của công việc. Nhưng rồi, cảm nhận và hiểu sâu hơn về đạo đức của Người, chị hăng say kể chuyện, nói về Bác với du khách như một niềm vinh dự lớn mà không phải ai cũng có được. Đó còn là việc hun đúc niềm tin, động lực giúp chị chuyển tải nhiều hơn những thông tin cũng như tình cảm của Bác tới mọi người. Thấm thoát đã hơn 20 năm, chị Thao giờ đã là một thuyết minh viên kỳ cựu, với kiến thức sâu rộng, uyên thâm về  những điều liên quan tới Bác. Trong kho tàng của mình, chị đã thêm rất nhiều kỷ niệm về các lần tiếp khách tại nhà Bác, đó là tài sản vô giá, mà chị rất đỗi tự hào.

Chất giọng xứ Nghệ đằm thắm, ân tình của chị vẫn ngày ngày đưa du khách về với làng Sen của những ngày xa xưa, lịch sử ấy. Âm thầm, lặng lẽ, chị góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, gìn giữ những tài sản thiêng liêng về vật chất và tinh thần của Hồ Chủ Tịch.

Sinh ra tại làng Sen, lớn lên bằng những kỷ niệm quanh khu nhà Bác. Đó là niềm tự hào, nhưng chị Thao còn hãnh diện hơn khi được gắn trọn sự nghiệp của mình với Khu di tích Kim Liên. Chị Thao cho biết: "Đó là vinh quang, bởi còn gì hơn, khi một đời luôn được đứng bên Người".

Kể về Bác, vinh dự và tự hào    

Cũng như chị Thao, chị Hoàng Thị Đảm thuộc thế hệ những người đầu tiên được chọn để tiếp khách về thăm nhà Bác. Dù không sinh ra tại mảnh đất Kim Liên, nhưng chị cũng cảm nhận được những điều linh thiêng quanh khu nhà của Người, đó là động lực để sau hơn 20 năm, sức trẻ và lòng nhiệt huyết vẫn còn y nguyên trong  chị.

Trong ký ức, chị Đảm nhớ nhất một ngày tháng 5/2005. Sau khi tiếp một đoàn khách khoảng 20 người, chị thấy một người đàn ông trung niên cứ nán lại mãi, rồi khóc nức nở trước bàn thờ của gia đình Bác. Tiến lại gần, chị được nghe người đàn ông này bộc bạch: "Ngày còn chiến tranh, trong lúc hành quân vào Nam, con trai tôi đã từng được ghé qua thăm quê Bác. Vào chiến trường, nó viết thư về kể với bố mẹ niềm vinh dự khi được đứng trong ngôi nhà của Người. Nó mơ ước, hòa bình lập lại, khi từ miền Nam trở về, sẽ lại được ghé quê Bác một lần nữa. Nhưng rồi, nó hy sinh, hôm nay tôi mới tìm được phần mộ của con. Trên đường đưa con về quê an nghỉ, tôi đưa nó qua quê Bác để toại ước nguyện". Câu chuyện cảm động đó đã giúp chị nỗ lực hơn trong công việc của mình.

Những ngày tháng 5, ai cũng mong được về thăm quê Bác. (Ảnh: Lê Quyết)

Những kỷ niệm ngọt ngào, thiêng liêng luôn xuất hiện trong công việc thường nhật của chị Đảm, nhưng nói thế không phải là không có áp lực. Trong một số lần tiếp các đoàn khách quốc tế, trước những câu hỏi hóc búa của họ, chị đã phải thật bản lĩnh và cân nhắc trước khi đưa ra câu trả lời.

Khác với chị Thao hay chị Đảm, chị Nguyễn Thanh Huyền là thế hệ đi sau. Cũng bởi xuất phát từ ước mơ được kể chuyện về Bác Hồ, nên khi vừa tốt nghiệp đại học chị đã mạnh dạn nộp hồ sơ thi tuyển. Đến nay, chị Huyền đã có 10 năm tại nhà Bác. Chị Huyền tâm sự về những niềm tự hào cũng như khó khăn của công việc lớn lao mà mình đang đảm nhận. Kỷ niệm lớn nhất của chị là lần nhận được lá thư của một cựu chiến binh ở Hưng Yên. Lá thư bị nhòe, khó đọc và theo giải thích của người viết là bởi không cầm được nước mắt khi đặt bút. Theo lời chị Huyền, sau khi nghe chị thuyết minh, những kỷ niệm về Bác Hồ hiện hữu, ông về khách sạn và ngay lập tức viết một lá thư tâm sự, tạ ơn người đã truyền cảm nhận về Bác tới ông và mọi người. Một kỷ niệm khác cũng rất đáng nhớ, đó là đoàn thăm quan của các em thiếu nhi ở Thanh Hóa. Sau khi nghe chị Huyền kể chuyện, các em đã một hai không chịu về, từ bỏ đi du lịch ở những địa danh khác để nán lại cả một ngày nghe chị Huyền nói nhiều hơn về Bác. Lên xe về quê, các em ai nấy đều xin địa chỉ của chị Huyền để viết thư và mong được chị kể tiếp những câu chuyện về Bác Hồ cho nghe.

Chị Huyền chia sẻ, những lần nghỉ sinh con, nỗi nhớ công việc da diết, chị đành đứng một mình trước gương thuyết minh để không quên công việc. Công việc thuyết minh tại nhà Bác ngoài sự gần gũi, thân thiện còn phải thể hiện chất Nghệ ân tình đằm thắm, như vậy mới làm nổi bật đặc trưng nơi miền quê. Nhà ở TP. Vinh, cách nơi làm việc 25km, ngày nào chị Huyền cũng sáng đi chiều về, nhưng chưa bao giờ chị cảm thấy mệt mỏi. Công việc của chị luôn được tất cả thành viên trong gia đình ủng hộ, và hơn nữa chị cảm nhận được niềm vui trong từng lần đón khách. Đó là động lực để chị quên đi những vất vả cuộc sống.

Chị Nguyễn Minh Huệ - Trưởng phòng Tuyên truyền giáo dục Khu di tích Kim Liên cho biết: "Vào những ngày này, lượng du khách từ khắp nơi đổ về khiến cho những người thuyết minh rất vất vả. Có những ngày lên đến hơn 300 đoàn khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, được kể về Người, chúng tôi rất lấy làm vinh dự và tự hào". Bác Hồ đã đi xa nhưng với những người thuyết minh, các kỷ vật thiêng liêng trong nhà Bác sẽ luôn là nguồn động viên, sưởi ấm họ như đang đứng tại chính ngôi nhà của mình.

PLXH
Tag: Chủ tịch Hồ Chí Minh , Nghệ An , Hướng dẫn viên du lịch , Phóng sự , Nghề nghiệp