Chị Đào Thị Loan, công nhân, dẫn con đi mua áo quần mới tại một quầy ven đường TMT 13, P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM - Ảnh: Thế Anh
Trời tờ mờ sáng, tiếng ghe xình xịch từ các kênh đã nối đuôi nhau kéo về hướng chợ Hậu Thạnh Đông, xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, Long An. Người mang theo cặp gà, người mang đôi vịt, mớ cá... Tiếng gà vịt, tiếng chào hỏi cùng tiếng cười đùa của đám trẻ nít hòa lẫn tiếng ghe trên sông tạo thành một âm thanh hỗn độn đặc trưng của chợ quê miền Tây Nam bộ. Đây là một xã nghèo thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh Long An. Trong dòng người tìm đến chợ cuối năm đó, tôi chợt nhận ra có khá nhiều người đội nón sụp kín mặt, mắt đảo liên tục như sợ gặp người quen...
Lẩn trốn trong phiên chợ
Châm điếu thuốc, tư lự nhìn đám đông đi chợ, anh Tuấn, một người lái xe ôm lâu năm ở đây, thở dài: “Mấy bà đội nón lá sùm sụp đó là những người còn thiếu nợ các quán quanh đây. Người nợ tiền thuốc trừ sâu, người nợ tiền phân bón, người nợ chai nước mắm... Dân quê là vậy, khi vụ lúa chưa đến thì cái gì cũng ra chợ ký nợ, đến khi vào vụ lúa hàng trăm thứ phải lo. Tiền lãi, tiền con học, tiền ma chay... cả trăm thứ đều đổ lên đầu mấy giạ lúa nên cứ quanh quẩn nợ nần suốt năm. Tết đến, dành dụm được vài đồng bạc đành phải lẩn trốn trong phiên chợ tết để mong mua cho con manh áo mới, sắm cái tết cho gia đình...”.
Dạo quanh một vòng chợ bé tẻo teo này mới thấy hết cái nghèo của chợ quê. Bánh kẹo, mứt và những mặt hàng tết đều là những món rẻ tiền mà người thành thị ít khi biết mặt. Áo quần cũng chỉ là những loại có giá trên dưới 100.000 đồng với vài mẫu đơn sơ.
Thi thoảng người ta lại bắt gặp ánh mắt van xin của những người quê: “Cho em thiếu cái tết này nữa đi chị Tư, ra giêng em ráng trả cho chị liền...”. Dẫn theo hai đứa nhỏ đảo mấy vòng quanh chợ mà anh Nguyễn Thành Hưng vẫn chưa mua được gì. Đứng nghỉ mệt bên quầy hàng bán áo quần, anh gằn giọng với hai đứa nhỏ: “Thôi, khỏi áo xống gì hết trọi, dành tiền mua vài ký thịt ăn tết là được rồi...”. Tưởng mấy đứa nhỏ phản ứng, ai dè tụi nó còn hào hứng hơn: “Đúng rồi đó cha, tết này cha cho tụi con ăn bữa thịt thiệt đã là được...”.
Anh Hưng quê gốc Bến Tre, phiêu bạt qua nhiều nghề rồi về mướn ruộng lập nghiệp ở rốn Đồng Tháp Mười này đã hơn 10 năm. Mỗi năm hai vụ lúa, một vụ anh làm không công để trả cho chủ đất, vụ còn lại phập phù theo mưa, nắng của ông trời... Để lo tết cho gia đình, anh phải bán lứa vịt mới lớn được hơn 600.000 đồng. Cầm chừng đó tiền ra chợ, anh đắn đo: “Nhà có bốn đứa nhỏ, mỗi đứa một bộ đồ cũng hơn 500.000 đồng rồi, còn lại trăm ngàn bạc biết sắm chi đây?”. Nói vậy nhưng cuối cùng anh cũng mua cho hai đứa nhỏ hai bộ đồ hơn 300.000 đồng, rồi mua thêm mấy gói kẹo rẻ tiền để đặt trên bàn thờ gia tiên. Rời chợ, hai đứa nhỏ cười toe toét, chỉ mình người cha là mặt rầu như rau muống chợ chiều...
Khoảng 10 giờ trưa thì chợ quê bắt đầu vắng khách. Nhìn vào chiếc giỏ của nhiều người chẳng có gì ngoài vài gói mứt rẻ tiền, đôi bộ áo quần trẻ con và một ít rau củ... Ở cổng chợ, những lời chào hỏi ban sáng lại lặp lại: “Tết nay ăn tết lớn không chị Tư? Tết này xôm không anh Hai...?”.
Tặng chút quà rồi đi
Quá trưa, chợ chỉ còn lèo tèo vài người khách. Chị Tâm đang phân vân trước tiệm bánh mứt thì gặp người hàng xóm. Người hàng xóm thở dài: “Tính mua cho thằng út bộ đồ mà không đủ tiền Tâm ơi. Năm ngoái đã thất hứa với nó, giờ thất hứa nữa thấy tội nghiệp quá...”. Không đắn đo, chị Tâm đưa cho người hàng xóm 100.000 đồng còn lại của mình rồi nói tỉnh queo: “Hai cầm chừng này mua cho thằng Út bộ đồ đi. Tui tính mua ít mứt nhưng thôi, người lớn mình không có cũng được, chứ sắp nhỏ tết đến mà không có bộ đồ mới thì tội nghiệp lắm”. Sau một hồi đẩy đưa, chị Tâm kéo tay người hàng xóm qua cửa hàng áo quần. Thế mới thấy dù nghèo khó nhưng cái tình quê vẫn còn chan chứa!
Ở một góc khác của chợ, tiếng một đứa trẻ con chừng 4 tuổi khóc thét làm ai cũng chú ý. Đó là con của chị Trần Thị Hòa, nhà ở kinh Bùi Mới. Người mẹ nắm tay con kéo đi nhưng nó cố trì lại trước một cửa hàng áo quần, miệng gào khóc: “Không có áo mới con không về...!”. Mọi ánh mắt dồn về người mẹ quê làm chị bối rối...
Từ quán nước bên kia đường, một người đàn ông trắng trẻo bước qua từ tốn: “Con muốn bộ nào?”. Đứa bé ngừng khóc rồi chỉ vào chiếc áo hoa màu tím với giá 65.000 đồng. Người đàn ông chọn thêm cho bé cái quần rồi trả tiền. Chị Hòa chưa kịp hiểu thì người đàn ông đã bỏ đi. Chị chạy theo cảm ơn nhưng ông ấy chỉ cười rồi bước thẳng. Những người quanh chợ cũng chẳng biết người đàn ông đó là ai, từ đâu đến. Chỉ biết ông ấy không phải là người xã này, cứ tết đến là tìm về các vùng quê, tìm về những hoàn cảnh khó khăn tặng chút quà rồi đi...
Chắt bóp lo tết
Chợ Hóc Môn, một huyện vùng ven của TP.HCM, những ngày giáp tết vẫn vắng bóng người mua. Ngồi lựa những bó hoa bằng nhựa, chú Trần Văn Thanh tếu táo: “Năm nay làm ăn bết bát quá, chẳng dám mua cành mai để chưng như mọi năm nên đành ra đây mua hoa nhựa về chưng bàn thờ trong ba ngày tết. Biết vậy là “lừa dối” ông bà, nhưng chẳng còn cách nào khác. Chú tính đi, ngày cúng ông Táo sơ sơ cũng mất một trăm ngàn bạc tiền hoa tươi, rồi ngày tết cũng phải thay thêm hai lần nữa..., tiền đâu mà mua? Lương công nhân bốc vác như tụi tui mỗi tháng được gần ba triệu bạc, giá cả thì tăng liên tục nên đành phải chắt bóp để lo cái tết cho gia đình thôi”.
Đông đúc nhất ở chợ này có lẽ là khu bán áo quần “si-đa”, hàng tồn bán giảm giá được đổ ra ven đường. Người mua phần lớn là công nhân, người lao động nghèo đang làm việc cho những nhà máy quanh đó. Tần ngần một lúc trước quầy bán áo quần cũ, chị Đoàn Thị Mai, quê ở Quảng Trị, chọn một lúc bốn bộ đồ cũ với giá chỉ hơn 200.000 đồng. Chị tâm sự: “Để tiết kiệm, năm nay tụi em không về quê mà ở lại TP ăn tết. Vé tàu, vé xe ngày tết đều tăng, tính cả vô ra cũng mất gần tháng lương. Biết ở lại sẽ buồn nhưng ráng tiết kiệm để lo cho mấy đứa em ở quê có được vài bộ áo quần, bố mẹ có được cái tết đủ đầy là tụi em vui rồi...”.
Đôi mắt thâm quầng sau giờ tăng ca đêm, anh Trần Văn Bốn tạt vội qua chợ để sắm một ít đồ gửi về quê. Quê anh ở tận Nam Định, năm nay là cái tết thứ hai anh không về quê. Anh và vợ cùng là công nhân trong một công ty chuyên sản xuất đồ nhựa. Để tiết kiệm chi phí nơi đất khách quê người, anh đành chọn giải pháp gửi hai đứa con về quê nhờ ông bà trông hộ. Những ngày năm hết tết đến là quãng thời gian anh thấm thía hơn hai từ tha phương. Ngồi nghỉ mệt trong quán cà phê cóc bên hông chợ, anh móc bóp ra đếm đi đếm lại mớ tiền lương mới nhận rồi cẩn thận chia ra nhiều xấp nhỏ: Đây là tiền gửi cho ông bà nội, đây là tiền gửi cho ông bà ngoại, đây là tiền mua áo quần cho con... Xấp tiền cứ mỏng dần.
Thành phố những ngày giáp tết nhiều người thành thị dần quen với từ “shopping” như một thú vui cuối năm. Nhưng còn đâu đó ở chốn quê, tại những khu chợ tự phát vùng ven, những gian hàng dã chiến bán hàng tồn kho quanh các khu công nghiệp vẫn còn ánh mắt âu lo khi xuân về. Với họ, chợ xuân là một bài toán chi li khó giải sau một năm mưu sinh vất vả.