Những đứa bé chỉ mới vài tháng tuổi, chúng còn quá nhỏ để cảm nhận được chúng đang ở đâu và mẹ chúng đang phải làm gì và chịu gì trong trại giam.
Chạnh lòng những đứa bé 'thụ án' cùng mẹ |
Nhà trẻ cho con phạm nhân nữ
Trong 7 phân trại của Trại giam Thủ Đức (Z30D, ở xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) chỉ có Phân trại 1 là có nhà trẻ dành để trông giữ, nuôi dưỡng con nhỏ của các phạm nhân nữ. Nơi đây được sắp xếp, tổ chức khá bài bản, ngăn nắp, sạch sẽ với những tủ đồ dùng học tập của các bé được ghi tên đầy đủ và rất ngăn nắp. Trên những mảng tường được trang trí những hình ảnh vui tươi, bắt mắt… Mới nhìn thì nhà trẻ này cũng giống như những lớp học bình thường khác nhưng thực tế lại không phải như vậy.
Theo Đại tá Trần Hữu Thông, Giám thị trại giam Z30D cho biết thì hiện tại nhà trẻ này đang trông giữ, chăm sóc khoảng 22 cháu nhỏ. Tất cả đều là con của phạm nhân nữ, đứa lớn nhất gần 3 tuổi, đứa nhỏ nhất chỉ mới gần 4 tháng tuổi. Để tạo điều kiện cho các phạm nhân cải tạo tốt hơn và chăm sóc các con chu đáo, Ban Giám thị Trại giam Thủ Đức đã giao cho một cán bộ và hai phạm nhân có chuyên môn sư phạm chăm sóc.
Nhà trẻ dành cho con phạm nhân nữ
Theo đó, hàng ngày, các phạm nhân cho con bú được đi làm muộn hơn, về sớm hơn 30 phút để đón con. Các bé ở nhà trẻ được ăn uống như chế độ của mẹ nên thức ăn khá đầy đủ. Được biết, các cháu ở đây gồm nhiều lứa tuổi khác nhau nên việc chăm sóc rất vất vả. Có cháu ăn sữa, cháu ăn cháo, cháu ăn cơm… Tuy chịu nhiều thiệt thòi, nhưng các cháu rất ngoan, ít quấy khóc. Hàng tháng theo định kỳ, các cháu đều được tổ chức tiêm chủng, đảm bảo theo đúng chương trình tiêm chủng mở rộng của Nhà nước.
"Chính sách nhân đạo của Nhà nước cho phép các nữ phạm nhân có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, không người nuôi dưỡng được mang con vào trại. Vì thế, trại đã bố trí khu riêng biệt được trang bị đầy đủ tiện nghi sinh hoạt để đảm bảo yêu cầu sạch, đẹp, thoáng mát... cho các phạm nhân nữ có con nhỏ theo mẹ vào trại. Lâu nay, trại luôn quan tâm, tạo điều kiện để các cháu vui chơi, chăm sóc, để các bé có điều kiện phát triển bình thường
Ngày thường thì ngoài khẩu phần ăn dinh dưỡng, chúng tôi còn mua thêm sữa cho các cháu uống, trang bị đồ chơi, đồ dùng học tập để các cháu phát triển trí tuệ, không bị thiệt thòi so với các bạn khác ở ngoài. Ngày Tết, các cháu được ở gần mẹ để nhận được sự chăm sóc, yêu thương, lãnh đạo đơn vị đến tận buồng giam tặng quà mừng tuổi, phát quần áo mới…", Đại tá Trần Hữu Thông cho biết.
Có lẽ ai cũng biết, 22 đứa trẻ ở đây là 22 phận đời gắn liền với những năm tháng tù tội của mẹ chúng. Dù theo chính sách nhân đạo của Nhà nước, những đứa trẻ theo mẹ vào trại giam được chăm sóc, dạy dỗ và được hưởng đầy đủ các chế độ như những đứa trẻ bình thường khác. Nhưng trong môi trường đặc biệt này, hàng ngày chúng phải tiếp xúc với những phạm nhân có đầy đủ thành phần, nhân cách khác nhau, chắc chắn rằng những đứa trẻ này như những tờ giấy trắng không nhiều thì ít cũng sẽ bị ảnh hưởng đến tâm lý sau này.
Phân trại số 1
Phạm nhân Nguyễn Thị Học (24 tuổi, ngụ quận 8) bế theo con gái 8 tháng tuổi trò chuyện với chúng tôi. Trông Học già dặn hơn tuổi thật của mình, trong khi đó đứa con gái ngoan ngoãn ngồi trong vòng tay mẹ nhưng liên tục nhìn về phía chúng tôi. Học chia sẻ cô đang thi hành án 2 năm tù giam vì tội cướp giật tài sản.
Hoàn cảnh của Học quả thật vô cùng éo le. Học mồ côi cả cha lẫn mẹ khi cô được hơn 10 tuổi, sau đó Học phải ở với người dì của mình phụ việc buôn bán nhỏ lẻ. Cuộc sống khó khăn thiếu thốn đủ bề nên Học không được học hành đến nơi đến chốn. Lớn lên một chút Học quen biết có tình cảm rồi thuê nhà sống chung như vợ chồng với một thanh niên tên Lê Đình Cường (28 tuổi, ngụ quận 5). Sau hai năm ở với nhau, tháng 9/2013 trong một lần quá túng thiếu, Hoa cùng chồng không hôn thú đi cướp giật điện thoại của một người dân khi đang lưu thông trên đường. Sau khi cả hai bị bắt và đưa ra xét xử, Học bị tòa án tuyên án 2 năm tù giam, trong khi Cường bị kết án 4,5 tù giam và đang phải thi hành án tại Phân trại 4 của trại giam này.
"Em sinh con tại trại giam Bố Lá và ở đó hơn hơn tháng mới chuyển lên trại giam này. Từ đó đến nay, dù thụ án chung trại giam nhưng anh ấy (Cường) vẫn chưa được biết mặt con. Điều an ủi là vào đây, mẹ con em cũng như những người mẹ có con nhỏ ở đây được ưu tiên rất nhiều so với các phạm nhân nữ bình thường khác. Nhất là chế độ chăm sóc sức khỏe, thuốc men và ăn uống của mẹ con em cũng khá đầy đủ nên em cũng không có gì phải quá suy nghĩ. Chính điều này là động lực để em yên tâm và cố gắng cải tạo tốt mong được giảm án sớm", Học vui vẻ chia sẻ.
Mẹ con phạm nhân Nguyễn Thị Học
Theo Học cho biết thì Tết năm nay cô được xét giảm án - đây là niềm vui rất lớn với mẹ con cô. "Khi được tự do, em sẽ về tiếp tục phụ dì buôn bán để kiếm tiền một cách lương thiện nuôi con nên người, không thể để con em khổ cực hay đi vào con đường lầm lỗi như cha mẹ nó được", Học xúc động nói và chúng tôi cảm nhận được sự thành thật trong lời nói của người mẹ trẻ này.
Tiếng chuông cảnh tỉnh cho những kẻ xấu
Hoàn cảnh của phạm nhân Trà Thị Kim Trang (37 tuổi, quê Biên Hòa, Đồng Nai) cũng không kém phần tréo ngoe. Sau hai lần tạm hoãn thi hành án, đến tháng 3/2014 Trang mới nhập trại theo mức án 2 năm tù giam vì tội môi giới mại dâm. Theo lời phạm nhân này, sau khi bị bắt giữ và kết án từ năm 2009, nhưng do sinh đứa con trai thứ hai với người chồng trước (ngoài đứa con này thì vợ chồng Trang còn một con gái lớn năm nay 15 tuổi) nên phải hoãn thi hành án.
Mẹ con phạm nhân Trà Thị Kim Trang
"Khi bị bắt thì tôi chưa có bầu (Trang có thời gian được tại ngoại trong khi chờ các cơ quan chức năng xem xét hồ sơ vụ việc), nhưng đến ngày ra tòa đi khám mới biết đã mang thai nên tiếp tục được tại ngoại", Trang giải thích. Tuy nhiên sau đó hai vợ chồng Trang ly dị khi con trai mới được 18 tháng tuổi. Một thời gian sau, Trang chung sống với người chồng không hôn thú hiện nay và có con trai với người này. Hiện cháu bé được gần 5 tháng tuổi và đang theo Trang vào thụ án trong trại giam.
Giống như chia sẻ của Học, Trang cũng cho rằng tại trại giam này, Ban giám thị cũng như hội đồng cán bộ luôn quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ con em của phạm nhân để họ yên tâm cải tạo tốt. Chính điều này là tiền đề để những phạm nhân được xét giảm án.
Có mức án nhẹ hơn - 1 năm 6 tháng và đứa con mới được gần 4 tháng tuổi, phạm nhân Lê Thị Ngọc Tiền (24 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) cũng đã được hoãn thi hành án từ năm 2009, mãi đến tháng 5-2014 Tiền mới nhập trại.
Mẹ con phạm nhân Lê Thị Ngọc Tiền
Điều đáng nói dù mới 24 tuổi nhưng phạm nhân này đã có 4 mặt con sau 3 lần sinh nở với người chồng không hôn thú. "Vợ chồng em chung sống với nhau từ năm em 17 tuổi. Lúc em phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản - xe đạp điện của học sinh khi đang mang bầu đứa con gái đầu, sau đó lại tiếp tục có bầu sinh đôi hai đứa con trai nữa nên phải hoãn tới gần giữa năm 2014 mới thi hành án", Tiền giãi bày.
Theo lời kể của Tiền, ba mẹ cô có tất cả 6 người con, Tiền là con thứ hai, do hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên Tiền bỏ học từ năm lớp 6. Khi lớn lên Tiền làm công nhân bao bì, trong khi người chồng không hôn thú thì ở nhà phụ cha mẹ bán tạp hóa, hoàn cảnh cũng không khá giả là mấy. Do con còn quá nhỏ nên Tiền được các cán bộ của trại ưu tiên nhiều và hiện Tiền vẫn trong chế độ thai sản.
"Dù sao em cũng may mắn vì chồng vẫn thương em và chăm sóc tốt cho các con. Ở trại, mẹ con em cũng được quan tâm đặc biệt nên con em khỏe mạnh và rất ngoan ngoãn", Tiền cho hay…
Theo quy định chung, trại giam chỉ được phép "cưu mang" những đứa trẻ này đến khi 3 tuổi. Qua khỏi tuổi này, các bà mẹ vẫn còn thụ án phải tìm cách vận động gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng. Còn những đứa trẻ không có thân nhân thì bắt buộc phải gửi vào các trung tâm bảo trợ xã hội.
Có thể nói, mỗi người một hoàn cảnh, một nguồn cơn phạm tội khác nhau, nhưng tất cả những người phụ nữ ấy đều có một điểm chung là do hoàn cảnh đưa đẩy và nhất là đã không đủ bản lĩnh và suy nghĩ cặn kẽ để vượt qua nổi sức cám dỗ của đồng tiền trong lúc túng quẫn. Điều này khiến họ đã phải trả giá bằng những bản án thích đáng và ít nhiều đã khiến cuộc đời của họ theo một hướng rẽ không như mong muốn.
Riêng với những đứa trẻ con của những phạm nhân này, phải sinh sống trong một nơi đặc biệt như vậy và dù được chăm sóc hay chế độ có đầy đủ đến mấy thì cũng là thiệt thòi rất lớn với chúng. Chứng kiến những hoàn cảnh, mảnh đời này, người ta không khỏi xót xa, thương cảm. Nhưng qua đây cũng cần được xem như những tiếng chuông cảnh tỉnh cho những kẻ xấu tính tự suy ngẫm trước khi có bất cứ hành động gì bất minh, tội lỗi.
Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!
- Cẩn trọng với dịch vụ đọc trộm tin nhắn trên mạng xã hội: Chiêu trò lừa đảo mới, đã có nạn nhân mất hàng trăm triệu đồng
- Những trường hợp không được hưởng thừa kế nhà đất theo quy định mới nhất, ai cũng nên nắm rõ
- 5 trường hợp vượt đèn đỏ không bị CSGT xử phạt
- Từ 2025, bằng lái xe bị trừ hết điểm thì phải làm sao để được lái xe tiếp tục?
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%