Chai nước mắm và ông đại sứ

Trong Câu lạc bộ phu nhân các tổng lãnh sự TP.HCM khi tham gia các hoạt động thiện nguyện năm qua, người ta thấy có phu nhân của lãnh sự danh dự Chile Claudio Schuftan.

Đó là bà Ngô Thị Độc Lập - người mà sự đưa đẩy của cuộc đời đã khiến bà trở thành chứng nhân cuộc chia tay sứ quán Việt Nam tại Chile của đại sứ Vũ Hắc Bồng trên chính trường Chile đầy bão táp thập niên 1970.

Bà Độc Lập (thứ hai từ phải sang) thăm mái ấm tình thương Thiên Bình với các thành viên CLB phu nhân các tổng lãnh sự  TP.HCM

Tôi quê Nam Định. Bắc kỳ “chín nút”, ra đời sau lễ tuyên ngôn độc lập nên tôi có cái tên mang dấu ấn ấy” - bà Ngô Thị Độc Lập, vợ của bác sĩ Claudio Schuftan - đại sứ danh dự của Chile đang sống và làm việc tại TP.HCM, vẫn nhớ rõ những năm tháng ấy.

“Hãy tìm cho ra một người đồng hương”

Theo gia đình di cư trên chiếc tàu há mồm vào Đà Nẵng, rồi cô vào Sài Gòn học. Thi đậu học bổng Mỹ, Độc Lập được du học cùng khóa với Nguyễn Thái Bình. Thế nhưng sau tan vỡ mối tình đầu, cô sống dở chết dở phải tới mấy năm sau mới dịu vết thương lòng. Rồi số phận đưa cô tới với người thanh niên Chile Claudio Schuftan trong một hội thảo quốc tế. Ở Việt Nam, cha mẹ cô nghe tin phản ứng quyết liệt cuộc hôn nhân dị chủng, cho đó là nỗi nhục gia phong của một dòng họ có gia phả theo nho học. Vì thế gia đình cắt đứt, không thư từ.

Là người tốt, Độc Lập được gia đình chồng yêu thương, nhưng cô vẫn rơi vào cuộc khủng hoảng tinh thần. Con cái chưa có. Cô đơn xứ người, thương nhớ quê nhà, đau xót vì gia đình. Claudio thì bận rộn với công việc, những ca trực bệnh viện cùng với cuộc tranh đấu của tuổi trẻ cho phong trào cánh tả, không thể dành nhiều thời gian an ủi người vợ trẻ…

Một lần, trong tâm trạng không có gì để bám víu ấy, cô bước đi trên cầu của một con sông vừa mới tan băng cuồn cuộn chảy. Đang định thả mình xuống dòng nước xiết thì có ai đó kéo cô lại. “Năm nào cũng có người ngã xuống sông!”. Giọng một người đàn ông ngoại quốc. Lạ hơn nữa, ông ta hỏi cô có phải người Việt Nam không. Cô ngạc nhiên hết sức, vì trong mắt của người xứ này, tất cả người châu Á đều là... người Trung Quốc. Thì ra ông từng làm chuyên gia ở Việt Nam. Hai tiếng Việt Nam lúc đó khiến cô bừng tỉnh. Nó thiêng liêng vang lên nỗi nhớ gia đình, quê hương. Còn phải trở về. Chưa tròn nghĩa vụ. Không thể chết bờ chết bụi thế này. Cô vắn tắt nói với ông hoàn cảnh của mình. Ông cho biết đã có Đại sứ quán Việt Nam ở Santiago, nhưng là sứ quán của miền Bắc cộng sản. Hãy tìm cho ra một người đồng hương.

Hội ngộ ở Việt Nam. Từ trái sang: Lãnh sự danh dự Chile tại VN Claudio Schuftan,  cựu đại sứ VN tại Chile Vũ Hắc Bồng và bà Ngô Thị Độc Lập

Chai nước mắm của người xứ sở

Những ý nghĩ thôi thúc. Phải tìm người xứ sở. Claudio giúp vợ tìm địa chỉ sứ quán. Đó đã là năm 1973, khi cô run rẩy quay số điện thoại. Một giọng “Bắc kỳ chay” đã lâu lắm không nghe, cất lên ở đầu dây. Băn khoăn vì giọng nói trả lời hành chính, bảo sẽ báo cáo ngài đại sứ và trả lời sau. Hãy đợi. Suốt một tuần. Có gì phiền không? Mình có quá vội vàng hồ hởi? Người ta là cộng sản.

Và điện thoại reo. Giọng một người thân thiện cho biết cô sẽ được mời tới dự kỷ niệm Quốc khánh 2-9 và đích thân ông đại sứ sẽ tiếp cô.

Bao nhiêu là nôn nao. Claudio sững sờ khi thấy vợ đem ra ủi chiếc áo dài kỷ vật. Rồi hai vợ chồng nắm tay nhau đứng chờ ở cổng sứ quán. Anh Toàn, bí thư thứ nhất sứ quán, đón họ vào một phòng trang trí đơn giản với những hàng thủ công Việt Nam. Một lá cờ đỏ sao vàng và tấm hình lớn của cụ Hồ Chí Minh.

Họ ngồi uống trà Thái Nguyên, nghe anh Toàn nói chuyện Việt Nam đang có chiến tranh, và chờ ông đại sứ ra. Hình ảnh một quan chức cao cấp đầu tiên của miền Bắc cộng sản là người đàn ông khoảng 50 tuổi, răng hơi hô, da sạm đen, trán cao, hơi hói, tươi cười bước ra giơ cả hai tay. Ông mặc quần tây màu xám, áo sơmi trắng ngắn tay. Giọng Bắc, nhưng không phải Hà Nội.

Bà Độc Lập nhớ lại: “Đó là đại sứ Vũ Hắc Bồng, lúc đó ông ở tuổi cha tôi nên đầy thiện cảm. Đặc biệt nụ cười của ông tạo ngay niềm tin về sự chân thành. Tôi cứ tưởng cộng sản là phải kinh khủng, cứng rắn thế nào kia. Ông đứng lên, mời vào bàn tiệc nhỏ ở phòng bên cạnh sáng đèn. Mùi thức ăn Việt Nam, mắm, hành, tỏi… Tôi ngồi phía tay trái ông đại sứ, Claudio phía trên. Hai chỗ ngồi danh dự. Tôi xúc động đến nỗi đánh rơi cả đũa. Nem rán, thịt gà kho gừng, thịt bò xào, canh cá, ôi sao nhớ thế! Không quên được dù đã bao năm rồi. Rượu chanh, cà phê sản xuất ở Hà Nội… Khi rời sứ quán, ông Bồng tặng tôi quà đem về là một chai quấn giấy báo như ta thường đem rượu quý. Nhưng tuyệt vời làm sao, đó là chai nước mắm mơ ước”.

.....

Ngồi ở nhà, một trang trại tĩnh lặng ở Sài Gòn bây giờ, tức là gần 40 năm sau, bà Ngô Thị Độc Lập nhớ lại kỷ niệm của mình. Đất nước Việt Nam qua ông đại sứ đã đưa cô gái nhỏ trở lại cuộc sống như một phương thuốc nhiệm mầu.

Lẽ ra cô chỉ đến đó để thoát chết, chữa lành vết thương. Nhưng cả sứ quán thân thương thôi thúc cô trở về tìm lại được một gia đình. Lúc đó Pinochet đảo chính. Ở đó, phe đảo chính đang vây bắt những chiến sĩ cách mạng Chile.

Sau nhiều ngày chờ đợi, qua bao biến cố, rồi cuối cùng sứ quán Việt Nam rút về nước sau khi Pinochet lên nắm quyền, đưa Chile vào một chế độ đẫm máu. Đại sứ Bồng nhắn cô đến. Ông muốn cô nhận một ít đồ dùng và kỷ vật của sứ quán.

Bà Độc Lập còn nhớ rõ: “Khi tôi đến nơi thì gần trưa. Sứ quán đang đóng đồ chuẩn bị về nước. Tôi òa lên khóc. Chú Bồng và chị H. không ai bảo ai, cùng giữ những chai rượu trắng đưa lại cho tôi”. Bà nói: “Chiếc đĩa sơn mài vẽ cảnh quê hương được “chia” ngày ấy tôi còn giữ đến hôm nay. Nó lại lên đường sang Mỹ theo người con trai duy nhất của vợ chồng tôi sinh vào năm đất nước giải phóng 1975 đang du học bên Mỹ”.

Hội ngộ ở Việt Nam

Suốt từ cái vẫy tay tạm biệt trong nước mắt ở Chile ấy, 15 năm sau bà Độc Lập trở về Việt Nam sau giải phóng để làm thủ tục đón cha mẹ đi đoàn tụ gia đình. Tìm hiểu, bà biết ông Vũ Hắc Bồng khi ấy đang là giám đốc Sở Ngoại vụ ở TP.HCM. Bà quyết định bay vào thăm. Cha mẹ bà ngăn: “Không được đâu con ơi. Người ta làm lớn, mày Việt kiều, người ta không tiếp đâu”. Bà bảo: Cứ thử đi.

Bà đến Sở Ngoại vụ, thưa cái tên cho tiếp tân là Aviva, cái tên mới đổi sau này. Ông Bồng không biết là ai vẫn cho mời lên. “Khi tôi bước vào, ông đang ngồi sau bàn làm việc vội đứng lên. Ông nắm tay tôi kêu: Ôi Độc Lập. Con ở đâu bao lâu nay? Claudio đâu?”.

Đó là cuộc gặp gỡ của bà Ngô Thị Độc Lập với ông đại sứ, hai lần, một ở Chile, một ở Việt Nam sau ngày giải phóng. Cuộc đời của bà là một mảnh cuộc sống của người Việt Nam ở nước ngoài rồi về gắn bó với đất nước.