Bộ tộc "săn thủ cấp" ở Đồng Nai: Tuyển chồng qua cây ná
Thứ năm, 08/11/2012 12:24

Cạnh dòng suối Sa Mách (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), là nơi cư ngụ hàng trăm năm của tộc người Chơ Ro.

Già làng Tơ Tơ (bên trái) và trưởng ấp Lý Lịch 1, Nguyễn Đình Biên.

Già làng Tơ Tơ (bên trái) và trưởng ấp Lý Lịch 1, Nguyễn Đình Biên.

Mỗi ngày vác ná đi săn lúc trở về người Chơ Ro lại xách nặng "thủ cấp" của các loài thú. Những câu chuyện về một thời, nay được các già làng kể ra vẫn không khỏi bất ngờ đối với người nghe.

"Chiến lợi phẩm" của những "chiến binh"

Trước đây, Mã Đà nổi tiếng là vùng sơn lâm chướng khí, là điểm dừng nghiệt ngã của bất kỳ ai. Chủ nhân bao đời nay của núi rừng nơi đây là người Chơ Ro. Già làng Tơ Tơ đã ngoài 80 tuổi, bộ râu trắng như cước dài tới ngực, giọng nói vang âm hưởng của núi rừng. Già làng Tơ Tơ được coi là "từ điển sống" của người Chơ Ro. Ông  vẫn không quên một chuyện nào của dân tộc mình, kể từ khi là đứa trẻ hiểu chuyện.

Già Tơ Tơ kể: Săn thú với người Chơ Ro vừa là thú tiêu khiển, vừa là để bảo vệ rẫy khỏi bị thú rừng phá, vừa cung cấp thức ăn cho gia đình. Người Chơ Ro dùng ná săn bắn là chủ yếu. Trên thân ná chạm 7 ô hoa văn đường viền, tượng trưng cho 7 vía của nam giới. Ở đầu mũi ná gắn hạt cẩm tròn nhỏ, màu đỏ, có ý nghĩa tượng trưng cho cây ná sát thú, sẽ bắn được nhiều thú rừng. Toàn cây ná thường được bôi dầu chai và sáp ong để tạo màu đen và độ bóng cho ná.

Người Chơ Ro sống nay đây mai đó, lang thang vô định giữa rừng già. Cuộc sống giữa rừng lúc bấy giờ phụ thuộc vào săn bắn và hái lượm là chính. Mùa săn bắn của người Chơ Ro thường bắt đầu vào mùa khô, khi các loại thú tập trung nhiều ở những khu vực có đồng cỏ, sông suối, ao hồ. Sản phẩm săn được thường là các loài nai, voọc, khỉ, nhím, heo rừng,...

Chúng tôi hỏi, trước đây già săn bắn chắc là giỏi lắm? Già chỉ cười, rồi dẫn chúng tôi ra ngôi nhà dài truyền thống của dân làng mới dựng cách đây chưa lâu. Bước lên bậc cầu thang vào trong, già chỉ lên trần, nơi treo lủng lẳng hàng chục bộ xương hàm thú rừng đã chuyển màu ngà ngà, cho biết: "Hàm con thú rừng ngày trước mình săn đấy. Hàm con nai, con mãnh, con heo rừng, con báo... Ngày trước còn có cả sọ nhiều con thú lớn nhưng do chiến tranh đã lạc mất rồi. Ở Lý Lịch, đàn ông ai cũng giữ nhiều hàm, sọ thú rừng".

Già cho biết: Thời trai trẻ, già từng đóng khố, vác ná đi xuyên rừng, "chinh chiến" qua hàng ngàn cuộc săn thú và đã có vài lần hạ gục mãnh hổ, trăn khổng lồ... Thú rừng mang về, phần thịt người thợ săn giữ lại cho gia đình một lượng vừa đủ ăn, còn đem chia cho dân làng, riêng phần đầu là phải của người thợ săn. Dùng thịt xong, đem cái sọ, cái hàm con thú ngâm vào nước cho rã thịt, sau đó để ở nơi dòng nước suối chảy mạnh cho nước rửa sạch, treo trong nhà không phát ra mùi hôi thối.

Hàm xương mãnh thú của già làng Tơ Tơ treo trong nhà dài truyền thống của người Chơ Ro.

"Đẳng cấp" của đàn ông Chơ Ro

Thời nguyên thủy, săn bắn là công việc của những người đàn ông. Thời phong kiến, vua chúa chọn săn bắn như một thú vui tiêu khiển không thể thiếu của bậc đế vương. Bây giờ, những tộc người thiểu số vẫn coi săn bắn là công việc của đàn ông. Trẻ trai, vừa qua mười tuổi đã theo ông, cha vác nỏ, ná vào rừng săn bắn thú. Săn bắn không chỉ là công việc, mà còn là một cách để khẳng định quyền uy, sức mạnh của đàn ông trước bộ tộc.

Già làng Tơ Tơ kể rằng, tục lệ của người Chơ Ro xưa kia, con gái chọn chồng bao giờ cũng cẩn thận xem cây ná của người đàn ông. Người con trai muốn có được vợ đẹp thì phải giỏi giang, khỏe mạnh, săn bắn giỏi. Vì có săn bắn giỏi mới nuôi sống được gia đình. Muốn biết một trai bản săn bắn giỏi hay không thì xem anh ta có được bao nhiêu cái xương hàm, cái sọ của con thú chứ không nghe anh ta nói. Càng sở hữu nhiều xương sọ càng chứng minh, anh ta săn bắn giỏi.

Người thợ săn giỏi cũng giống như những "chiến binh". Chỉ khác một điều là họ không đánh nhau mà đánh những con thú dữ trong rừng. Những "chiến binh" của núi rừng, mỗi lần đi ngang là nhận được bao ánh mắt ngưỡng mộ của dân làng, của các cô gái. Mỗi lời họ nói ra là bao người nghe theo răm rắp. Đó mới là phần thưởng lớn nhất cuộc đời, mà bất cứ chàng trai nào trong bộ tộc Chơ Ro cũng ao ước nhận được từ khi còn nhỏ.

Trong các loài mãnh thú, có lẽ chúa sơn lâm là đối thủ đáng gờm nhất với cánh thợ săn. Nhưng, với "chiến binh" thì gặp được chúa sơn lâm là điều đáng mừng. Mỗi khi đi săn vào sâu trong rừng thể nào cũng gặp cọp, thấy nó vồ nai, vồ heo rừng, gặp nó ra suối uống nước... Nhưng với những người thợ săn lành nghề, không ai là không "đánh hơi" được cọp đang ở đâu, có gần mình không? Già làng Tơ Tơ tiết lộ: "Cọp thường có mùi hôi rất đặc trưng, do nó ăn thịt sống nên nước tiểu có mùi khai nồng. Chỉ cần ngửi mùi là biết cọp mới đi qua hoặc đang rình mồi ở đâu đó. Những lúc như vậy, cánh thợ săn tụ nhau lại, đứng thành vòng tròn chĩa mũi nhọn lên trời. Thấy vậy, cọp sẽ không dám chồm mình phóng tới".

Ngày nay, thanh niên Chơ Ro không còn giữ tập tục săn bắn như ông cha mình xưa kia nữa. Những cây ná, cây cung treo trên vách năm này qua năm khác không ai còn đụng tới. Lâu lâu, những người già Chơ Ro nhớ rừng, lại mang ra lau mãi, lau mãi đến sáng bóng cả lên, ánh mắt rưng rưng nhìn về phía rừng già sâu thẳm mà hồi tưởng xa xăm. Nơi ấy, một thời dấu chân họ đã đi qua...

Câu chuyện một thời về cọp ba móng

Về Vĩnh Cửu, người Chơ Ro vẫn kể mãi câu chuyện hạ cọp ba móng chuyên ăn thịt người, của già làng Tơ Tơ và bộ đội kháng chiến vào năm 1947. Gọi là cọp ba móng nhưng thực chất đó là con cọp cái, có chân sau bị dị tật, chỉ có 3 móng. Vậy nhưng con cọp dị tật này đã gây ra "món nợ máu" khó trả khi sát hại và ăn thịt hàng trăm cán bộ, chiến sĩ giao liên và đồng bào. Phải sau hàng chục lần phục kích, bộ đội mới hạ được cọp bằng cách gài mìn vào xác một người làng bị nó vồ mà chưa kịp ăn.

NLĐ
Tag: Săn thủ cấp , Dân tốc Chơ Ro , Phóng sự , Phong sự , Xã hội , Đồng Nai