Khi VĐV tham gia đấu trường quốc tế, hình ảnh của họ không chỉ đại diện cho riêng mình. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà vô địch Lê Quang Liêm nhân sự việc hai VĐV đua thuyền Việt Nam bỏ trốn tại Úc.
|
Khi một VĐV khoác áo đội tuyển quốc gia tham gia thi đấu các giải quốc tế, bạn bè thế giới không chỉ nhìn vào những cá nhân này để đánh giá sự phát triển của nền thể thao Việt Nam, mà qua đó còn hình thành suy nghĩ về con người và đất nước Việt Nam nói chung.
Bản thân tôi trong nhiều dịp thi đấu quốc tế đã được nghe nhiều người nước ngoài hỏi thăm và trong khả năng của mình, tôi luôn cố gắng giải thích cặn kẽ với mong muốn giới thiệu thật nhiều về hình ảnh đất nước Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Lê Quang Liêm tại một giải đấu quốc tế - Ảnh: L.M.C
Khi một VĐV được đại diện quốc gia tranh tài cùng bạn bè khu vực và thế giới thì không chỉ cá nhân VĐV hãnh diện mà còn có cả gia đình, bạn bè của VĐV đó sẽ cảm thấy hạnh phúc và vinh dự lây. Trường hợp các VĐV bỏ trốn khi đi tập huấn ở nước ngoài quả là sự việc đau lòng. Có lẽ khi làm điều đó, họ mong mỏi sẽ có một cuộc sống tốt hơn về vật chất cho chính họ, không nghĩ rằng điều này làm thương tổn đến thể diện đất nước và con người Việt Nam dưới mắt bạn bè quốc tế.
Để hạn chế tình huống này, Tổng cục TDTT đã yêu cầu các HLV, lãnh đạo các đội tuyển phải giữ toàn bộ giấy tờ tùy thân, hộ chiếu… của VĐV mỗi khi xuất ngoại. Thiết nghĩ đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, mang tính chất phòng bị nhất thời vì khi VĐV thật sự muốn trốn thì không có cách nào kiểm soát được. Theo tôi, phần gốc của vấn đề chính là phải tăng cường giáo dục ý thức và tinh thần màu cờ sắc áo cũng như quan tâm hơn nữa đến đời sống của VĐV.
Ý thức của bản thân mỗi VĐV là khác nhau, phụ thuộc chủ yếu vào trình độ học vấn. Một số môn thể thao khi tuyển chọn được VĐV vào đội tuyển chỉ chăm lo vào công tác chuyên môn, xem nhẹ việc đào tạo văn hóa là một thiếu sót nghiêm trọng.
Đành rằng việc tập luyện thể thao chuyên nghiệp chiếm rất nhiều thời gian nhưng nếu không có một nền tảng văn hoá vững chắc, VĐV khó có được thái độ, quan điểm đúng đắn để ứng xử với những thách thức trong cuộc sống. Việc học văn hóa còn là một bước đệm chuẩn bị để sau này khi kết thúc sự nghiệp thi đấu vốn ngắn ngủi, các VĐV còn có thể tìm kiếm một công việc ổn định hơn.
Ngoài ra, ý thức một phần được xây dựng từ đời sống của VĐV. Các VĐV thường phải vất vả trong việc tập luyện, thi đấu. Họ đã bỏ rất nhiều công sức để tập luyện mà quãng đời hoạt động với nghề nghiệp VĐV lại ngắn ngủi. Vì vậy họ cần nhận được sự chăm lo, đền đáp xứng đáng của Nhà nước và xã hội để không phải lo nghĩ vì chuyện cơm, áo, gạo tiền cho hiện tại và tương lai.
Khi tất cả điều nói trên được giải quyết triệt để, tôi tin rằng những trường hợp VĐV bỏ trốn tương tự sẽ không còn tái diễn. VĐV ắt hẳn sẽ toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp của mình, đem lại hiệu quả cao hơn, góp phần mang vinh quang về cho Tổ quốc, thể thao Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để sánh vai cùng với bạn bè trong khu vực và thế giới.
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành