“Sao lại bắn bia điện tử nhỉ?”
Trước khi sang Úc tranh tài, Trung Hiếu vốn chỉ quen tập và đấu với bia giấy. Anh cũng tin tưởng một cách khá hồn nhiên rằng, Olympic cũng chỉ giống như vậy thôi. Để rồi khi có mặt ở trường bắn Sydney được đầu tư hơn 30 triệu USD, họ đều bị “sốc” nặng.
Bởi lần đầu tiên, cả Hiếu, lẫn HLV kỳ cựu được tiếp cận với bia điện tử, và cũng mới hiểu rằng mình sẽ phải “chiến đấu” với loại thiết bị hiện đại này. Bất ngờ đến nỗi, thầy trò mắt tròn mắt dẹt nhìn nhau, rồi thốt lên “sao lại có thể bắn bằng bia điện tử nhỉ?”. Ở đây, ngoài việc quá quen với bia giấy, còn đau hơn vì trước đó họ tuyệt nhiên không hề nắm bắt được thông tin gì liên quan.
Sau phút giây choáng váng, Trung Hiếu nản thực sự. Anh hiểu rằng, mọi công sức suốt cả năm của mình coi như đổ ra sông ra bể, bởi bắn bia điện tử hoàn toàn khác với bia giấy. Càng “nghiệt” hơn khi nội dung mà Hiếu dự tranh lại là súng ngắn bắn nhanh.
Bắn súng Việt Nam vẫn lép vế so với thế giới
Nhưng chẳng còn cách nào khác, đại diện duy nhất của BSVN đành phải... làm lại từ đầu, cố gắng kịp thích nghi với bia điện tử được phần nào hay phần ấy. Và hậu quả của sự khác biệt giữa bia giấy với bia điện tử đã đến ngay lập tức, phản xạ của Hiếu đã chậm đi rõ rệt do bị “hút” đèn. Bình thường, Hiếu chỉ cần từ trên dưới 1, 3 giây để nổ phát súng đầu tiên thì bây giờ mất tới 1, 7 đến 1, 8 giây mới có thể khai hỏa.
Rốt cuộc, dù đầy nỗ lực song Hiếu vẫn chỉ đạt kết quả rất thấp, thua thành tích tốt nhất của mình tới gần chục điểm, đứng mãi thứ 17 trong tổng số 20 xạ thủ tranh tài. Trong khi đó, nếu như bình thường, anh có thể lọt vào Top 10.
Nỗi buồn xuyên 3 kỳ Olympic
Hành trình buồn của Trung Hiếu chính là một minh chứng sinh động cho cuộc hội nhập gian khó của TTVN với đấu trường Olympic, cả về điều kiện lạc hậu lẫn cách làm còn nhiều nghiệp dư. Còn nhớ, khi trở về nước, những người có trách nhiệm của môn bắn súng đã bày tỏ mong muốn thiết tha phải phấn đấu trang bị được bia điện tử cho các VĐV tập, chứ nếu không sẽ chẳng bao giờ có thành tích quốc tế.
Chỉ có điều, đó là nỗi buồn đã xuyên qua 3 kỳ Olympic, tương ứng với 12 năm đằng đẵng. Cho đến tận Olympic 2012, các xạ thủ VN vẫn chưa thoát ra khỏi tình cảnh tập bia giấy, đấu bia điện tử. Mục tiêu được tập luyện với bia điện tử tại trường bắn trong nước vẫn mãi chỉ mang tính “phấn đấu”, với điệp khúc quen thuộc kinh phí khó khăn, dù bắn súng lúc nào cũng là môn “trọng điểm” hàng đầu.
Cách đây 12 năm, Trung Hiếu đã từng “sốc” khi lần đầu tiếp cận với bia điện tử. Còn lứa xạ thủ hiện tại, không còn “sốc” nhưng buộc phải thích nghi và chấp nhận.