Cha mở mang bờ cõi
Nguyễn Phúc Khoát có tên húy là Hiếu hay còn được gọi là Chúa Vũ. Ông sinh năm 1714 và mất năm 1765. Nguyễn Phúc Khoát là vị chúa Nguyễn thứ 8 trong lịch sử Việt Nam. Ông là người gốc Gia Miêu, huyện Tống Sơn, Thanh Hóa và là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Chú với Thục phi Trương Thị Thư.
Lúc đầu, Nguyễn Phúc Khoát được phong là Chưởng dinh dinh Tiền Thủy, tước Hiểu Chính hầu, làm phủ đệ ở Cơ Tiền Dực tại làng Dương Xuân. Đến Năm 1738, Nguyễn Phúc Khoát nối ngôi khi 24 tuổi, được quan triều tôn là Thái bảo Hiểu Quận công, lấy hiệu là Từ Tế đạo nhân. Sau đó, Chúa Vũ cho khởi công xây phủ mới, ở bên tả phủ cũ, và cho kiến thiết Đô thành Phú Xuân .
Năm 1739, công cuộc hoàn tất, triều thần tôn chúa là Thái phó Quốc công. Cũng trong năm 1739, vua Chân Lạp là Nặc Bồn mang quân sang xâm phạm đất Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ cùng vợ là Nguyễn Thị Hiếu Túc đánh đuổi được. Nghe tâu, Chúa Vũ đặc cách phong Mạc Thiên Tứ làm đô đốc và vợ ông làm phu nhân.
Năm 1740, Chúa Vũ quy định lại phép thi. Ngày 12 tháng 4 năm Giáp Tý (1744), quần thần dân biểu tôn Chúa Vũ lên ngôi vương. Kể từ đó, có nhiều cải cách được ban hành như: phủ đổi thành điện, những gì trình lên vua gọi là tấu, Thân quân gọi là Võ lâm quân, Văn chức đổi là Hàn lâm viện.
Về hành chính thì chia làm 6 bộ là Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình và Công. Phàm văn thư vẫn dùng niên hiệu vua Lê nhưng đối với các thuộc quốc thì xưng là Thiên vương. Y phục từ quan đến dân cũng thay đổi.
Cuộc tranh giành ngôi vua đưa nước Chân Lạp vào cảnh nội chiến kéo dài từ năm 1738 đến năm 1757. Theo lời yêu của các vua Chân Lạp, Chúa Vũ cho quan quân sang can thiệp.
Để đền đáp công ơn, các vị vua này đã hiến tặng nhiều vùng đất cho Chúa Vũ. Năm 1753, người Côn Man (tức người Chămpa sinh sống trên đất Chân Lạp) bị ngược đãi. Năm 1755, Chúa Vũ lại nghe vua Chân Lạp là Nặc Nguyên thông sứ với chúa Trịnh ở ngoài Đàng Ngoài để lập mưu đánh mình.
Lập tức, chúa sai Nguyễn Cư Trinh sang đánh Nặc Nguyên, giải thoát được khoảng 5.000 người Côn Man. Bị truy nã, Nặc Nguyên chạy sang Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ tâu lên chúa Nguyễn xin dâng hai vùng là Tầm Bôn và Lôi Lạp (Tân An và Gò Công ngày nay) để tạ tội.
Năm 1757 Nặc Nguyên mất, chú họ là Nặc Nhuận dâng cho chúa Nguyễn vùng Préah Trapeang (Trà Vinh ngày nay) và Srok Trang (Sóc Trăng ngày nay) để được Chúa Vũ phong làm vua Chân Lạp. Nhưng sau đó Nặc Nhuận bị người con rể là Nặc Hinh giết và cướp ngôi.
Con Nặc Hinh là Nặc Tôn chạy sang Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ che chở và cầu cứu với chúa Nguyễn. Nhận lời, Chúa Vũ sai thống suất Trương Phúc Du sang đánh và giết chết Nặc Hinh, đưa Nặc Tôn lên làm vua Chân Lạp.
Vua Gia Long
Năm 1757, vua Nặc Tôn xin dâng đất Tầm Phong Long (vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu tương ứng với Châu Đốc, Sa Đéc bây giờ) để tạ ơn chúa Nguyễn.
Ngoài ra, Nặc Tôn còn tặng riêng cho Mạc Thiên Tứ năm phủ là Vũng Thơm, Cần Bột, Chưn Rùm, Sài Mạt và Lình Quỳnh để tạ ơn. Tuy nhiên, Mạc Thiên Tứ lại đem những đất ấy dâng chúa Nguyễn.
Năm 1757, theo đề nghị của ký lục dinh Long Hồ là Nguyễn Cư Trinh và thống suất Trương Phước Du, Chúa Vũ thuận cho dời trị sở dinh Long Hồ và châu Định Viễn từ Cái Bè, Tiền Giang về xứ Tầm Bào thuộc địa phận thôn Long Hồ, tức vùng chợ Vĩnh Long ngày nay.
Đồng thời, Chúa Vũ Cử Tống Phước Hiệp làm lưu thủ và cho lập ba đạo để hỗ trợ việc coi giữ đó là: Đông Khẩu ở phía Nam Sa Đéc, Tân Châu ở đầu Cù lao Giêng và Châu Đốc. Vậy là, đến năm 1757, vùng đất Nam Bộ ngày nay đã thuộc về Chúa Vũ.
Sau khi hoàn thành công cuộc Nam tiến của mình, trong những năm cuối đời, Chúa Vũ đâm ra say mê tửu sắc, không còn thiết tha việc nước nữa. Một số tài liệu cho rằng để dễ dàng trong việc tiếm quyền, Phúc Loan đã khuyến dụ Chúa Vũ đi vào con đường nữ sắc.
Một cung phi rất được ngài sủng ái là Công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Cầu, con của Dận quốc công Nguyễn Phúc Điền.
Đây chính là mầm mống gây cảnh suy tàn của triều đại sau này. Ngày 20 tháng 5 năm Ất Dậu, tức ngày 7 tháng 7 năm 1765, Chúa Vũ qua đời, ở ngôi 27 năm, thọ 51 tuổi.
Chúa Vũ được táng tại lăng Trường Thái ở làng La Khê, Hương Trà, Thừa Thiên. Đến đời vua Gia Long, Chúa Vũ được thờ tại Thái Tổ Miếu, tức Thái Miếu trong Hoàng thành Huế, án thứ tư bên tả.
Khi Nguyễn Phúc Thuần, con trai thứ 16 của Chúa Vũ lên ngôi, dâng thụy hiệu cho cha là Trí Hiếu Vũ Vương. Năm 1806, Vua Gia Long truy tôn là Trí Hiếu Vũ Hoàng Đế, miếu hiệu là Thế Tông.
Và người con công chúa “điệp viên”
Theo sử sách, Công nữ Ngọc Huyên là công chúa đầu tiên của Chúa Vũ. Sử sách ghi lại Công nữ Ngọc Huyên do cung tần họ Tống sinh ra. Lớn lên, Ngọc Huyên được gả cho Chưởng cơ Nguyễn Cửu Thống.
Năm 1774, nhân lúc đàng Trong quân Tây Sơn nổi lên chống nhà Nguyễn, Trịnh Sâm sai Hoàng Ngũ Phúc vào đánh phú Xuân, chiếm giữ được Thuận Hóa.
Lúc đó, chồng chết, Công nữ Ngọc Huyên không chạy theo quân Nguyễn vào Gia Định, mà ở lại xã Vân Dương, huyện Hương Thủy cắt tóc đi tu.
Cũng bởi vì thế, công chúa Ngọc Huyên còn có tên gọi là sư cô Vân Dương, hay bà vãi Vân Dương. Sau khi chiếm được Phú Xuân, quân Tây Sơn đã phá hủy tan tành lăng tẩm của các chúa Nguyễn. Quá đau xót đến phẫn uất, bà Ngọc Huyên nuôi chí chống Tây Sơn.
Bà sai con rể là Nguyễn Đức Tuấn cùng sư già thân tín bí mật đến các xã Định Môn, Kim Ngọc, Cự Chính… căn dặn người dân địa phương theo dõi và tìm cách bảo quản hài cốt của Nguyễn Phúc Luân, thân sinh Nguyễn Ánh.
Đồng thời, nhất cử nhất động của quân Tây Sơn, từ lương thực đến các hoạt động huấn luyện quân sĩ, đều được Ngọc Huyên thông tin cho Nguyễn Ánh ở Gia Định.
Thậm chí, Ngọc Huyên trong vai trò là sư cô Vân Dương còn chép tập Hoài Nam Ca khúc của Hoàng Quang, một người ở xã Thái Dương sáng tác, với nội dung lòng dân vẫn còn có người hướng về dòng họ Nguyễn, để dâng lên Nguyễn Ánh.
Chúa Nguyễn Ánh đã lấy chùa nơi Ngọc Huyên trụ trì làm căn cứ hoạt động cho lính trinh thám nhà Nguyễn. Đức Tuấn được giao tiền bạc đi chiêu dụ dân chúng, nhất là binh tướng của Tây Sơn.
Nguyễn Ánh còn giao cho Ngọc Huyên nhiều giấy tờ đóng sẵn dấu triện của Nguyễn Vương để bà tùy cơ điền vào mà ban cấp. Tuy nhiên, việc làm của Ngọc Huyên đã bị quân Tây Sơn phát hiện.
Sau đó, quân Tây Sơn đến bao vây ngôi nhà. Cũng may, lúc đó mọi người đi vắng, không bắt được ai, quân Tây Sơn lấy một ít của cải của Ngọc Huyên rồi rút đi.
Việc Tây Sơn phát hiện ra chân tướng thực của Ngọc Huyên không khiến cho người công chúa này nhụt chí mà ngược lại. Ngọc Huyên ngày càng cố gắng thâm nhập sâu hơn vào nội bộ quân Tây Sơn.
Năm 1797, quan bộ binh của Tây Sơn là Nguyễn Đại Phát đi trấn thành Quy Nhơn. Ngọc Huyên dò biết Nguyễn Đại Phát không còn muốn theo nhà Tây Sơn, liền sai Đức Tuấn đi theo tiễn chân.
Đến đoạn đường vắng, Đức Tuấn đọc cho ông Phát nghe một câu của ông Khoái Triệt ngày xưa: “Thời hồ thời hồ bất tái lai” (Tạm dịch là” Thời gian và cơ hội không trở lại lần thứ hai”). Hiểu ý, Đại Phát đã quy thuận Nguyễn Ánh. Tiếp đó, phát hiện trong nội bộ Tây Sơn có chuyện bè đảng. Tướng tài Lê Chất đã giả chết, về ở ẩn ở núi Trà Đông.
Đền thờ Nguyễn Phúc Khoát
Ngọc Huyên sai người đến dụ Lê Chất về hàng. Lê Chất đồng ý. Sau này, chính Lê Chất đã trở thành công thần nhà Nguyễn được phong tước quận công.
Chiến công quan trọng nhất của Ngọc Huyên công chúa là vào năm 1800. Năm đó, quân Tây Sơn tập trung vây thành Quy Nhơn, bỏ trống thành Phú Xuân. Ngọc Huyên cho người khảo sát tình hình, vẽ bản đồ đồn sở bố trí của quân Tây Sơn ở cửa biển Tư Hiền và Thuận An, rồi biệt phái người theo đường núi vào nơi đóng quân của Nguyễn Ánh.
Nhờ tin tức tình báo có một không hai đó của bà Ngọc Huyên, Nguyễn Ánh đã tổ chức đánh Phú Xuân, phá tan cuộc hành quân của quân đội Tây Sơn. Năm 1801, Nguyễn Ánh lấy được Phú Xuân.
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long, đã ban cấp lương bổng hàng năm và xây phủ đệ riêng cho Ngọc Huyên công chúa.
Đến năm 1809, bà Ngọc Huyên mất, Gia Long đã sai lo tang lễ trọng thể, táng ở xã Dương Xuân, cấp cho năm người coi mộ. Ngoài ra, Gia Long cũng ban việc lấy nơi Ngọc Huyên công chúa ở trước kia làm đền thờ để tưởng nhớ công lao của người con gái cả của chúa Nguyễn Phúc Khoát.