Với cương vị CEO của GE Việt Nam, chị Nguyễn My Lan đã thành công trong vai trò bán ý tưởng để có được sự đầu tư nhiều hơn của tập đoàn mẹ vào Việt Nam với triết lý: Không có một ai hoàn hảo nhưng sẽ có một đội ngũ hoàn hảo.
|
Từ chỗ không có tên trên bản đồ GE toàn cầu, nay Việt Nam đã trở thành một trong hai quốc gia trong khu vực ASEAN được tập đoàn này quan tâm nhất. Riêng năm 2011, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, GE Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng đầy ấn tượng: 127%. Theo lời chị My Lan, đó cũng là một con số ấn tượng trong cả quá trình phát triển của GE Việt Nam. Trong suốt 20 năm đầu tư, lần đầu tiên GE Việt Nam đạt mốc tăng trưởng này… Tò mò hỏi về nguyên nhân đằng sau kết quả ấn tượng đó, chị My Lan chia sẻ: "Đó là kết quả của một quá trình khi mà năm 2010 và năm 2011 GE Việt Nam đặt mục tiêu trở thành đối tác chiến lược đáng tin cậy của khách hàng và Chính phủ Việt Nam. Trọng tâm của chiến lược này là: GE mang những thế mạnh của mình để hỗ trợ Việt Nam phát triển, dựa trên những nhu cầu cấp bách của Việt Nam. Hiện tại, đó là phát triển hạ tầng, năng lượng, chăm sóc sức khỏe người dân. Đó cũng là những thế mạnh mà GE đang có".
Thời điểm chín muồi của GE tại Việt Nam
- Nhưng tại sao đến thời điểm 2010 - 2011, GE mới đẩy mạnh chiến lược này chứ không phải là những khoảng thời gian trước đó, thưa chị?
Đây là lúc hội tụ đầy đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Thứ nhất, Việt Nam đã đưa ra và đang thúc đẩy việc thực hiện chiến lược này, còn GE đã có được một nền tảng tốt tại Việt Nam. Bất cứ một chiến lược nào cũng đều cần phải có một "câu chuyện", để viết câu chuyện đó cần phải có một cốt truyện. Khi GE đã đầu tư nhà máy tại Hải Phòng với công nghệ cao, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, tạo ra sản phẩm xuất khẩu thì câu chuyện của GE kể tại Việt Nam sẽ thuyết phục hơn rất nhiều. Thứ hai, đến thời điểm này, đội ngũ nhân viên tại địa phương có đủ năng lực để thực thi chiến lược. Năm 2010, GE đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tiên với Bộ Công Thương, mở đầu cho chiến lược này.
- Vậy những gì diễn ra hiện nay có đúng như lộ trình vạch ra lúc đầu không, thưa chị?
GE vào Việt Nam khi đất nước ta vừa mới mở cửa. GE nhìn thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam. Thực tế Việt Nam cũng đã thể hiện được tiềm năng ấy trong mấy năm qua. GE đặt vấn đề ngay từ đầu là sẽ có mặt tại Việt Nam cả trăm năm chứ không phải là 10 năm hay 20 năm. Trong tương lai, GE sẽ tiếp tục có những kế hoạch tỏa rộng và đi sâu hơn, điều đó thể hiện sự tin tưởng của GE vào thị trường này.
- Chị có thể chia sẻ rõ hơn kế hoạch "tỏa rộng và đi sâu" này?
Với nhà máy tại Hải Phòng, chúng tôi đã tăng vốn thêm 60 triệu USD và lên kế hoạch giải ngân 50 triệu USD trong năm nay, hai năm tiếp theo sẽ giải ngân phần còn lại để mở rộng hoạt động đầu tư. Số lượng công nhân kỳ vọng sẽ tăng từ 600 lên 1.000 người. Hải Phòng sẽ trở thành một trọng điểm đầu tư, sản xuất các thiết bị năng lượng của GE. Những sản phẩm này không chỉ xuất khẩu 100% như hiện nay mà còn hướng đến phục vụ thị trường nội địa. Với lĩnh vực y tế, GE sẽ hướng tới việc lắp ráp và sản xuất thiết bị y tế để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu ra các nước trong khu vực.
- Với kết quả đạt được đó, đứng trước các lãnh đạo quốc gia khác của tập đoàn trên toàn cầu, hẳn chị rất hãnh diện?
Tôi nghĩ, tôi chỉ đang làm đúng với những việc mình phải làm, còn nếu để hãnh diện thì tôi muốn con số còn phải cao hơn nữa (cười).
- Đâu là những điểm hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư Mỹ, trong đó GE là một đại diện, thưa chị?
Không một ai hoàn hảo, nhưng sẽ có một đội ngũ hoàn hảo
Có mấy yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm: Thứ nhất, đó là tay nghề của người lao động; thứ hai là chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư; thứ ba là sự ổn định chính trị và cuối cùng là mối quan hệ Việt - Mỹ ngày càng tốt đẹp.
- Còn đâu là những điều mà Việt Nam cần thay đổi để có thể thu hút các nhà đầu tư mới cũng như để các nhà đầu tư cũ đầu tư sâu hơn?
Là một quốc gia đang phát triển, chúng ta gặp phải một số vấn đề, dù nói ra có lẽ cũng không mới. Thứ nhất, nói về nhân công giá rẻ, ở đây phải đề cập đến vấn đề năng suất lao động. Không thể nói nhân công của mình rẻ khi năng suất lao động vẫn thua các nước khác trong khu vực, dù lương tháng có thể thấp hơn. Thứ hai, Việt Nam vẫn thiếu nhân sự lãnh đạo bậc trung và bậc cao. Cần phải có chính sách đào tạo, nếu giải quyết được vấn đề này, chúng ta sẽ giúp nhà đầu tư giảm thiểu rất nhiều chi phí khi họ có thể tìm nhân tài trong nước thay vì phải đưa người nước ngoài sang. Về mặt sản xuất, để thu hút thêm ngành sản xuất công nghệ cao, phải phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. GE là một ví dụ điển hình. GE có thể mang vào Việt Nam những công nghệ cao, nhưng với điều kiện là phải đi kèm với nền công nghiệp phụ trợ phát triển ở mức độ cao. Không thể đầu tư mà không biết là phải tìm nguồn cung ứng ở đâu hay lại phải nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc.
- Thưa chị, gần đây người ta nói nhiều đến sự trỗi dậy của Myanmar, đây liệu có phải là một thách thức thực sự đối với Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài?
Trên thương trường, việc có thêm một người nào đó tham gia cũng đều là thách thức với tất cả những người còn lại. Khi Myanmar nổi lên, đó không phải là thách thức của riêng Việt Nam mà còn là với tất cả các quốc gia khác trong khu vực. Myanmar có những ưu thế mà không phải quốc gia nào trong khu vực cũng có. Thứ nhất, họ vừa mới mở cửa và hầu như không có gì cả, vì thế họ cần rất nhiều thứ. Thứ hai là tài nguyên của họ rất dồi dào. Thứ ba, đây là thị trường tiềm năng với dân số trên 60 triệu người, khả năng nói tiếng Anh rất tốt, đó cũng là một thách thức đối với những nước mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính trong kinh doanh. Hiện tại, trình độ nhân lực của họ có thể chưa bằng các quốc gia khác trong khu vực, nhưng với khả năng ngôn ngữ và sự sẵn lòng phát triển đất nước để theo kịp các nước trong khu vực thì đó là một địa chỉ rất tiềm năng để các nhà đầu tư đến trong tương lai.
- Trong bối cảnh nhiều rào cản liên quan đến vấn đề nhân lực, chị làm thế nào để tìm người tài và giữ họ lại với GE lâu dài?
Tìm được nhân tài đã khó mà giữ họ còn khó hơn. GE tìm người tài trên thị trường, đưa về GE với mong muốn họ sẽ phù hợp với văn hóa kinh doanh của tập đoàn. GE có chính sách để giữ họ gắn bó với mình. Thứ nhất, GE không có sự phân biệt quốc tịch, tôn giáo hay giới tính trong việc đào tạo và để họ giữ những chức vụ cao không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực và trên thế giới. Thứ hai, chúng tôi tìm những người trẻ có tiềm năng trở thành những lãnh đạo tốt trong tương lai, đưa họ về GE và đào tạo họ. Chúng tôi phải xây dựng đội ngũ nhân viên để khi có chiến lược mở rộng thì đã có sẵn đội ngũ để đưa vào những vị trí cần thiết. Thứ ba, GE hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, trường dạy nghề để chia sẻ, định hướng cho các sinh viên với mong muốn chất lượng lao động sẽ tốt hơn trong tương lai.
Vượt qua những giới hạn
- Chúng ta đã nói về những điểm Việt Nam thu hút GE, vậy còn những điểm thu hút của GE với chị là gì?
GE là một công ty toàn cầu, có lịch sử lâu đời, có một môi trường làm việc chuyên nghiệp, đó là sức hút đầu tiên để tôi đến với GE, nhưng để giữ mình ở lại phải là những yếu tố khác. Đó là "Leadership" - khả năng lãnh đạo của những người trong GE. Ở đây, tôi có thể học từ tất cả mọi người, từ nhân viên cho đến những lãnh đạo của GE toàn cầu. Vì được học hỏi từ mỗi công việc trải qua nên không bao giờ có cảm giác buồn chán và được thấy mình lớn lên hàng ngày. Có một điểm hấp dẫn khác nữa là những thách thức đến từ phía tập đoàn. Chúng ta chỉ trưởng thành qua công việc và những thách thức. Thường thì trước khi gặp một thách thức, người ta nghĩ khả năng của mình chỉ đến một giới hạn nào đó, nhưng những thách thức mà tập đoàn đưa đến thường lớn hơn năng lực mà mình nghĩ, vượt qua được thách thức đấy tức là bản thân mình đã vượt qua được năng lực giới hạn của chính mình và tự nâng mình lên một tầm cao khác.
- Có nghĩa là đôi khi chính chúng ta đang tự giới hạn khả năng của chính mình?
Đúng vậy! Tất cả đều do mình. Bộ não con người rất thú vị, mỗi người vẫn có thể làm được nhiều hơn những điều mình nghĩ, với điều kiện phải ở trong một môi trường tốt và nhiều áp lực để bắt buộc mỗi người phải phấn đấu. Môi trường tại GE tạo ra áp lực đó. GE còn tạo ra cho mỗi nhân viên sự tự do để dám nghĩ và dám làm. Sự tự do ấy tạo ra thách thức cho chính bản thân họ và cả người quản lý.
- Vậy sau những kết quả đã đạt được, áp lực với chị hiện tại ở GE như thế nào?
Tăng trưởng càng cao thì áp lực càng lớn!
- Đâu là phương châm quản lý của chị tại GE?
Tôi hoàn toàn tin tưởng vào "TEAMWORK". Không có một ai hoàn hảo nhưng sẽ có một đội ngũ hoàn hảo!
Cuộc trao đổi với chị kết thúc nhanh chóng và gọn gàng. Tất cả các câu trả lời đều rất rõ ràng với những luận điểm cụ thể. Đó cũng là một điểm khác biệt giữa nữ doanh nhân này với một số doanh nhân mà tôi đã từng tiếp xúc. Chị lý giải đó là "bệnh nghề nghiệp", tư duy của mỗi người ở GE đều bị chi phối bởi cái gọi là "Elevator Speed", tức là mỗi lãnh đạo của GE phải biết đưa ra kế hoạch của mình trong vòng 30 giây. Riêng trong nội bộ GE đã có sự cạnh tranh giữa các quốc gia. Để đảm bảo có được thời gian và sự ủng hộ của lãnh đạo cấp cao thì bản thân người lãnh đạo quốc gia phải biết rõ mình cần gì và bán gì để trình bày trong vòng 30 giây. Nếu tận dụng được 30 giây này để có được sự quan tâm của lãnh đạo tập đoàn thì đó là bước đầu tiên để quốc gia đó có cơ hội tiếp tục đào sâu kế hoạch của mình với GE toàn cầu.
Nếu quả đúng như vậy thì nữ doanh nhân này có lẽ là người biết tận dụng 30 giây hiệu quả nhất mà tôi được biết.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?