Gặp đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử, ông là doanh nhân nổi tiếng một thời và được biết ông là cha của 10 người con đều là những "đại gia" có tiếng trên trường kinh doanh của Việt Nam.
|
Doanh nhân Đỗ Thế Sử là cha của ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch tập đoàn Doji, ông Đỗ Anh Tú TGĐ công ty CP Diana, ông Đỗ Quốc Bình Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, ông Đỗ Anh Tuấn TGĐ công ty FTD, bà Đỗ Xuân Mai điều hành công ty Green Global, bà Đỗ Kim Dung là giám đốc Công ty sản xuất ống nhựa cho các Công ty sữa...
Cũng là một cơ duyên khi mà ít lâu sau, Nghị quyết 09 về phát triển đội ngũ DN doanh nhân được Bộ Chính trị ban hành - VCCI đã chọn trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển doanh nghiệp” cho đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử. Một cuộc trao tặng mang lại nhiều cảm xúc và suy nghĩ cho cả người trao, người nhận và những người chứng kiến.
Trong lễ trao tặng kỷ niệm chương cho cụ Sử, có một lời phát biểu khiến tôi tâm đắc: “Chưa hết trăm năm đã trọn vẹn một chữ Người. Cuộc đời của cụ Sử là minh chứng cho từ Con Người viết hoa!” Ông Nguyễn Sanh Châu - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Vương quốc Bỉ và Ủy ban châu Âu - dường như đã thay mặt cho tất cả những người được biết về cuộc đời của vị doanh nhân già này - nói lên điều ấy! Ở khoảnh khắc người đại lão doanh nhân giữa ngập tràn niềm vui sum vầy cùng con cháu đón nhận kỷ niệm chương, khi ông cất nên lời nói về niềm vui, niềm tự hào của mình mà không quên tự hứa rằng, còn sức lực sẽ còn kinh doanh, còn làm ngọn cờ đầu trong mái nhà doanh nhân của mình, tôi cảm thấy như được nghe lại giai điệu của ca khúc “một rừng cây, một đời người”. Cụ Sử đứng đó như đại ngàn che chở và tỏa bóng xuống cả một mái nhà doanh nhân.
Một đời NGƯỜI
Sinh năm 1923 trong một gia đình địa chủ kháng chiến, theo cách mạng từ năm 24 tuổi - bao nhiêu thăng trầm đã trải, giờ đây nhìn lại “khối tài sản” mà cụ gây dựng: 11 người con là giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân, doanh nhân, 34 cháu đều tốt nghiệp đại học (hầu hết đều học ở nước ngoài ) mới cảm nhận được gánh nặng trên vai người Cha - một mình chèo chống nuôi con. Tôi bắt đầu câu hỏi của mình bằng chính cái dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời người doanh nhân lão thành này.
Thưa cụ Sử - chắc phải có điều gì rất đặc biệt khiến cụ từ bỏ con đường quan chức đang mở rộng, để đi làm kinh doanh?
Khổng Tử có câu “ Tề gia - trị quốc - bình thiên hạ”. Người đàn ông trước hết phải lo được việc nhà mình rồi mới gánh vác được việc thiên hạ. Nhà tôi con đông vợ lại đau ốm liên miên. Tôi không còn lựa chọn nào tốt hơn. Sự nghiệp với đàn ông rất quan trọng, nhưng trước hết phải làm Người đã để lo cho vợ con tử tế. Đóng góp của mỗi người cho xã hội chính bằng sự lương thiện của mình của gia đình, con cháu mình. Mỗi người, có gia đình đều biết tu thân sửa mình thì xã hội chắc sẽ tốt đẹp hơn lên. Nếu tôi kinh doanh tốt thì có khi còn lợi ích cho mình và cả xã hội hơn là một anh quan chức bình bình.
Tôi xin về mở HTX nhỏ chuyên ngành xén giấy, đóng sổ sách và tổ chức cho cả đàn con vừa học vừa lao động phụ giúp mình. Tôi là người cha nghiêm khắc - yêu cầu rất cao ở con mình. Vừa phải lao động vừa phải học giỏi xuất sắc điểm A - không có B. Cả 9 người con của tôi đều học giỏi, thông minh, đặc biệt là anh Đỗ Minh Phú - Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Vàng bạc đá quý DoJi. Tối tối các con tôi mang bài ra học luôn có tôi ở bên cạnh chỉ bảo.
Đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử
Năm 1964, một biến cố lớn trong đời tôi xảy ra. Vợ tôi sau thời gian dài ốm nặng đã ra đi, để lại tôi và đàn con thơ dại - Đứa lớn nhất đang học lớp 10, đứa thứ chín mới vừa lên hai!
Tôi nhìn ông cụ không chớp mắt tự hỏi, không biết sức mạnh nào giúp người đàn ông vừa bốn mươi tuổi đã chịu cảnh "gà trống nuôi chín con thơ dại", vượt qua được thời bao cấp khốn khó ấy khi mà gạo đong sổ tính từng cân và phiếu vải tính từng mét cho cả năm? Là người mẹ tôi càng thấu hiểu sự lo lắng cháy lòng khi con ốm, con đau hay nghịch dại… Cuộc đời thử thách con người thật nghiệt ngã. Có những số phận đã buông xuôi trong nghịch cảnh. Nhưng vẫn còn những người can trường không chịu khuất phục, không chịu để cuộc đời xô ngã mà quyết đứng dậy bước nhanh về phía trước. Một trong những người như thế là cụ Sử!
Điều gì đã giúp cụ đứng vững trong những ngày khó khăn ấy để làm tròn trách nhiệm “vừa làm cha vừa làm mẹ" thưa cụ ?
Tôi chỉ có ba điều để tựa vào, đó là trí tuệ, quyết tâm và đức hay lam hay làm. Tôi chịu khó học hỏi và tìm tòi sáng tạo trong công việc. Làm chủ nhiệm HTX Cơ khí Tháng Mười nhờ kiến thức tích lũy được hồi học đại học tại chức Bách khoa - chúng tôi đã sản xuất thành công gang dẻo tâm đen rất có uy tín. HTX lúc ấy có tới 200 đầu máy và 300 xã viên. Công việc kinh doanh đã giúp tôi nuôi được cả đàn con học hành đến nơi đến chốn. Quyết tâm tạo điều kiện cho các con học tập và một lòng vì chúng, tôi đã ở vậy nuôi các con 15 năm. Chỉ đến khi con nhỏ Đỗ Anh Tú được cử đi học tại Tiệp Khắc (cũ) tôi mới tục huyền với nhà tôi - Nguyễn Kim Phương và cùng bà điều hành doanh nghiệp đến bây giờ.
Hồi tôi bị mổ dạ dày, nghi là ung thư, tôi tập trung các con lại dặn: “Bố tham gia cách mạng, làm gì cũng hết lòng nên không có gì ân hận. Cậu út còn nhỏ nhờ các anh trông giúp …” Cả nhà xúm vào khóc, tôi động viên “đời người ai cũng một lần chết. Cái chính là sống cho có ích…” Thế mà ông trời thương, không phải ung thư. Nhưng tôi vẫn phải chung sống với căn bệnh tim, sốt rét và chỉ còn 1/3 dạ dày. Ai cũng nói phải nghỉ ngơi nhưng tôi nghĩ còn sống thì còn làm việc. Ăn gạo của nông dân, mặc áo của công nhân thì phải làm trả ơn chứ. Thế là tôi lại kinh doanh…
Tôi hiểu sức mạnh tinh thần mà cụ nói - cảm phục đức làm người và ngưỡng mộ trí tuệ sắc sảo, vẻ mẫn tiệp vẫn toát ra từ gương mặt cương nghị và tinh anh của cụ. Chia sẻ với tôi bí quyết để khỏe - trẻ và minh mẫn - cụ bảo “sự sáng suốt khỏe khoắn mà tôi có được là do học tập và làm việc không biết mệt mỏi. 70 tuổi tôi học tiếng Anh để làm việc với đối tác và mỗi chiều 30 Tết tụ họp gia đình hơn 70 người tôi có thể phát biểu bằng thứ tiếng của “Công dân toàn cầu”. 87 tuổi tôi tiếp tục học tiếng Hoa - cũng để trao đổi thường xuyên với đối tác và cũng do có cô con dâu út người Hoa…” Cụ Sử còn có ý định học tiếng Nhật dịp này…
Dòng máu kinh doanh và chữ tín
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khi trao Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển doanh nghiệp” cho cụ Đỗ Thế Sử đã phát biểu: “Cụ Sử là một bằng chứng rằng - 14 tuổi kinh doanh cũng chưa phải là sớm và 90 tuổi kinh doanh cũng chưa phải đã muộn…” Không phải ngẫu nhiên mà cụ Sử nhận mình có “máu kinh doanh” từ trong huyết quản. Cụ kể, 14 tuổi “chạy cờ” cho mẹ nên đã biết buôn tơ với các bà ở Hàng Ngang Hàng Đào và say mê kinh doanh từ thuở đó. Cụ tâm đắc: "Kinh tế là hạ tầng cơ sở của xã hội, là dòng máu nuôi cơ thể. Đất nước vững bền và phát triển thì phải có nền kinh tế khỏe mạnh và phát triển. Nhưng kinh doanh phải có gen và phải say mê nó. Tôi có gen ấy là được truyền từ mẹ tôi. Một người đàn bà thất học nhưng thông minh vô cùng. Bà chỉ nhìn qua bản đồ của xã, huyện là nắm được hết từng thửa ruộng. Không biết chữ nhưng bà tính nhẩm nhanh như cắt và không sai bao giờ".
Tôi hỏi cụ nhớ gì nhất về người mẹ và được nghe cả một câu chuyện thú vị vô cùng - ngỡ chỉ có trong tiểu thuyết.
- Mẹ tôi là con gia đình khá giả - Cha mẹ bà nhận trầu cau của một người trong xã. Bà không ưng người đó và trót yêu ông chánh tổng đã có vợ. Bà bỏ nhà trốn lên Phú Thọ cấy thuê làm mướn lo đủ số tiền mang về trả lễ cho nhà trai rồi nhất quyết lấy bố tôi. Phận làm lẽ cũng chẳng dựa gì nhiều vào chồng, bà tự tay gây dựng cơ đồ. Có chút vốn là bà mua ruộng, giao cho người cấy thuê và trả công xứng đáng, hai bên cùng có lợi. Cứ thế mà nhân lên mãi. Rồi bà mở xưởng thuê người nấu mật mía, mở lối gỗ từ Tuyên Quang, Phú Thọ, mở xưởng dệt nhuộm vải thâm… Có trong tay 300 mẫu ruộng, xưởng vải, xưởng mật, xưởng gỗ…, vậy mà vẫn tham công tiếc việc làm quần quật như một bà lực điền chính hiệu. Tôi nhớ mãi hình ảnh của bà vừa ăn ngô bung vừa tranh thủ xay lúa… Tôi còn biết bà có cái hòm hai đáy cao 1 thước, đáy dưới cao 40 phân chật cứng tiền Đông Duong. Bà làm giàu bằng cái đầu và tính hay lam hay làm, giúp cho bao người có công ăn việc làm. Cái giàu đĩnh đạc, đàng hoàng và chắc chắn. Cả đời tôi ngưỡng mộ và kính phục mẹ mình. Chính bà là tấm gương cho tôi theo và truyền cho tôi ý chí và nghị lực - nhất là những khi cuộc đời thử thách mình.
Có vẻ như cụ còn giống mẹ ở chỗ nhìn đâu cũng thấy cơ hội kinh doanh?
Điều ấy thì đúng! Khi tôi đã nghỉ hưu ở HTX rồi, một ngày ông thông gia ở Sài Gòn ra chơi kể chuyện mua cái mũ phớt đắt quá — hơn nửa chỉ vàng, tôi nghĩ ngay ở Hà Nội rẻ hơn. Thế là hai vợ chồng già “đánh” mũ từ Hà Nội vào. Sang Tiệp Khắc chơi với Anh Tú tìm đến tận kho mua hẳn 5000 cái về - thắng to. Đến cái năm Tú nhận bằng đỏ tiến sĩ được mời bố mẹ sang, chúng tôi ra quảng trường chơi thấy đồ pha lê đẹp quá liền mua luôn. Tối ấy ngắm nghía đến hai giờ sáng rồi quyết định "đánh về". Tôi nhờ Tú dẫn đi mua băng giấy vệ sinh về chèn 39 kiện pha lê khiến Tú kêu trời! Bán pha lê cũng ra tiền mà băng giấy vệ sinh hồi ấy còn hiếm nên cũng là khoản thu kha khá… Nhiều tuổi rồi nhưng nhìn thấy cơ hội làm ăn vẫn ham. Không muốn dừng. 73 tuổi tôi quyết định thành lập công ty may mặc Gamexco để sản xuất hàng xuất khẩu. Công ty có 300 công nhân ở xưởng tại Hà Nội và ở Hà Nam, Ba vì.
Nghe câu chuyện ngày nào của cụ Sử, tôi chợt có một liên tưởng thú vị. Phải chăng cũng do cái duyên giúp bố mẹ mà sau này Đỗ Anh Tú nổi tiếng với thương hiệu Diana! Quả thật dòng dõi gia đình họ Đỗ đặc biệt và không khác nào một huyền thoại!
Với triết lý sống và những kinh nghiệm đã trải của mình, cụ hướng những người con vào kinh doanh như thế nào?
Tôi cho các con tự chọn con đường đi để phát huy hết khả năng của mình. Nhưng nhìn thấy ở người nào cái gen kinh doanh trội thì hướng người đó. Thực ra những điều đó ở trong máu rồi, chỉ cần khơi lên thôi: Đỗ Minh Phú là một ví dụ. Anh ấy là người thông minh nhất trong các con tôi. Ngày anh ấy phải lựa chọn giữa việc sang Nhật làm tiến sĩ hay chuyển hẳn sang kinh doanh tôi có nói đại ý: “Làm khoa học cũng tốt nhưng nếu biết cách làm giàu cho mình và đất nước thì càng tốt. Nhà DN sẽ là một trong những trụ cột của đất nước…” Thế là Phú quyết định rẽ sang hướng trở thành doanh nhân đúng nghĩa và có được Doji như hiện nay. Những người con khác của tôi cũng vậy: Anh Đỗ Anh Tú là Tổng giám đốc công ty CP Diana, anh Đỗ Quốc Bình Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, anh Đỗ Anh Tuấn Tổng giám đốc công ty lò hơi FTD cung cấp sản phẩm cho cả nước, chị Đỗ Kim Dung là giám đốc Công ty sản xuất ống nhựa cho các Công ty sữa, chị Đỗ Xuân Mai và chồng là điều hành công ty kinh doanh Green Global...
Tôi vẫn bảo, điều quan trọng không phải là các con làm được bao nhiêu tiền mà là các con tạo ra bao nhiêu việc làm cho công nhân. Phải trở thành người dẫn dắt mọi người theo như bà nội các con trước đây…, cụ Sử chia sẻ.
Vậy trong kinh doanh, cụ trao truyền cho con cháu của mình điều gì?
Đó là chữ Tín. Ngày trước mẹ tôi đặt mua tơ về dệt ở Hàng Ngang Hàng Đào chỉ cần nhắn một câu là có hàng đưa về ngay, tiền trả sau. Bây giờ tôi và bạn hàng cũng vậy. Cuộn vải 150 m thì mét nào cũng như mét nào, 100 cuộn như một. Chưa cần ký hợp đồng chỉ cần gọi điện sang là họ thực hiện ngay. Không ai sống được một mình, người nọ phải dựa vào người kia để cùng tồn tại. Vậy thì chữ Tín quan trọng lắm. Tôi dạy con cháu chữ Tín và thể hiện chữ Tín với mọi người rồi để người ta giữ chữ Tín như mình. Dòng máu nhà tôi là dòng máu kinh doanh và dòng máu này được lọc bằng chữ tín. Bây giờ chữ tín còn ít lắm. Người ta lừa lọc nhau. Vì thế, các vụ vỡ nợ, lừa đảo nhan nhản khắp nơi nên càng phải đề cao chữ tín. Phải có chữ Tín thật sự thì chúng ta mới có nhiều các nhà tư bản lớn. Chữ Tín chính là biểu hiện nhân cách của người kinh doanh.
Câu chuyện giữa tôi và cụ Sử cơ hồ thật khó dứt. Để hiểu một con người đặc biệt như cụ, để học hỏi thêm nhiều điều từ cụ thì một vài buổi chưa hẳn đã thấm tháp gì. Duy có điều này thì tôi biết rõ - nếu có lúc nào đó mình nản chí hoặc ngã lòng trước thử thách của cuộc sống thì cụ chính là một trong những người sẽ giúp tôi vượt lên bằng chính cuộc đời của cụ.
Cụ Phương vừa ở cơ sở sản xuất tại Ba Vì về tíu tít chuẩn bị bữa tối. Tôi nhìn xung quanh - hình như không có người giúp việc nào. Cụ bà 75 tuổi vẫn là người nấu những món ăn hợp khẩu vị cho cụ ông. Mà tôi biết cụ bà chính là cánh tay phải đắc lực trong kinh doanh của cụ ông. Sáng sáng hai cụ vẫn cùng nhau xuống xưởng sản xuất. Lại thêm một điều đặc biệt nữa trong ngôi nhà số 4 ngõ Bà Triệu này…
Tiếp xúc với cụ Đỗ Thế Sử và những người con, người cháu doanh nhân của cụ, thêm một lần tôi hiểu rõ sức sống trường tồn len lỏi qua bao thăng trầm của lịch sử để tạo dựng nên những Kinh kỳ, Kẻ chợ, phố Hiến, Hội An, Sài Gòn, Chợ Lớn... và diện mạo của nền kinh tế hôm nay của đất nước. Đó chính là dòng máu kinh doanh, là nhiệt huyết, là nỗi đam mê trong mỗi con người và trao truyền lại cho những thế hệ sau; Là khao khát trở thành thủ lĩnh dẫn dắt những người xung quanh để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính mình và mọi người - của những doanh nhân chân chính.
Chiều thứ bảy - chia tay cụ, tôi bước ra khỏi con ngõ có những chùm hoa vàng thả dọc lối đi, lòng trào lên niềm tin yêu cuộc sống và tin yêu con người hơn.
"... Tôi được biết, cụ vốn xuất thân từ một gia đình có truyền thống yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng. Khi đất nước còn dưới ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân, triết lý “Sống phải cố gắng đóng góp nhiều cho Tổ quốc và đồng bào” đã được cụ và gia đình đề cao. Vì thế, cụ đã tham gia cướp chính quyền, sau đó làm Chủ tịch xã, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh, nhà báo, rồi làm Tổng Biên tập báo của một tỉnh và nay là hoạt động doanh nghiệp… Dù ở cương vị nào, cụ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Trong gia đình, cụ vừa là người cha – vừa là “người mẹ” mẫu mực, tần tảo nuôi dạy những người con khôn lớn, học hành thành đạt; có người đã trở thành giáo sư, tiến sỹ, nhà giáo nhân dân, có người là sỹ quân cấp cao trong quân đội, nhiều người con của cụ là những doanh nhân thành đạt. Con cháu cụ đều nêu gương truyền thống gia đình đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Nay, dù đã ở tuổi 90 nhưng cụ vẫn sáng suốt, minh mẫn để điều hành Công ty, hoạt động có hiệu quả, có nhiều đóng góp cho xã hội và tạo việc làm cho hàng trăm công nhân. Đó cũng là trường hợp hiếm có ở đất nước chúng ta. Cụ không những là niềm tự hào của con cháu, của dòng họ Đỗ mà còn là niềm tự hào của quê hương, của giới doanh nhân Việt Nam. Người cao tuổi thường là kho báu về kinh nghiệm và kiến thức. Cụ hãy tiếp tục mở kho báu cho con cháu họ Đỗ và các doanh nhân Việt Nam đươc tiếp nhận những tài sản quý giá từ kho báu đó...". Trích thư của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gửi cụ Đỗ Thế Sử nhân dịp cụ được nhận Kỷ niệm chương “ Vì sự phát triển doanh nghiệp”. |
- 7 ngày nữa nếu muốn xuất nhập cảnh, công dân bắt buộc phải thực hiện quy định mới này
- Có 1 người kiếm tiền nhiều hơn cả Elon Musk nhưng không lọt top 10 người giàu nhất thế giới, là ai?
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Đàn ông sở hữu 4 đặc điểm này trên mặt, 'cầm chắc số' giàu sang phú quý
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?