“Lúc đó tôi chỉ nghĩ là đi càng xa Hà Nội càng tốt. Bây giờ bình tĩnh lại thấy việc bỏ trốn là sai lầm, dở nhất”, bị cáo Dương Chí Dũng nói.
Bị cáo Dương Chí Dũng và các bị cáo khác trước vành móng ngựa (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Chiều nay, 12/12, phiên xét xử Dương Chí Dũng cùng 9 đồng phạm trong vụ Vinalines được tiếp tục với phần xét hỏi bị cáo Dương Chí Dũng.
Liên quan đến vụ mua ụ nổi sản xuất từ năm 1965 và đã ngừng hoạt động vào năm 2006, bị cáo Dương Chí Dũng khai nhận, trong quá trình mua thiết bị này, Vinalines đã hai lần phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Lần thứ nhất là khi chi phí di chuyển ụ nổi phát sinh do không chọn phương án lai dắt về Việt Nam mà sử dụng phương pháp chở về bằng một phương tiện khác. Lần phát sinh này đã đưa mức chi phí lên con số 19,5 triệu USD.
Khi được chủ tọa hỏi về lý do tại sao không lai dắt thiết bị từ bên Nga về Việt Nam, bị cáo Dương Chí Dũng cho biết, nguyên nhân không lai dắt trực tiếp là do thời tiết xấu và mặt biển bị đóng băng ở nhiều điểm. Thêm nữa, việc 2 ụ nổi của Vinashin được lai dắt về Việt Nam trước đó đã bị chìm khiến HĐQT của Vinalines quyết định chọn phương án an toàn hơn nhưng cũng tốn kém hơn.
Trước câu hỏi của chủ tọa về việc Vinalines chọn phương án chở về bằng một phương tiện khác chứ không phải lai dắt do ụ nổi không còn khả năng hoạt động, bị cáo Dương Chí Dũng trả lời là không biết.
Bị cáo Dũng nói: “Tôi hơi quan liêu” khi không vào xem trực tiếp ụ nổi. Và theo bị cáo này, trong quá trình sửa chữa, chi phí phát sinh thêm 7 triệu USD nữa. Khi được chủ tọa hỏi về việc phải sự xác định cụ thể về chi phí sản xuất chứ không phải là cứ hỏng thì bỏ bao nhiêu tiền ra sửa chữa cũng được thì bị cáo Dương Chí Dũng nói rằng: “Ném lao thì phải theo lao” nên buộc HĐQT Vinalines khi đó đã quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư thành 26,5 triệu USD. “Khi đó, họp HĐQT tôi cũng chất vấn rất căng”, bị cáo Dũng nói.
Bị cáo Dương Chí Dũng khai rằng vì tất cả HĐQT của Vinalines khi đó đều cho rằng ụ nổi 83M chỉ là một thiết bị dùng trong quá trình sửa chữa tàu chứ không phải là một con tàu nên không để ý đến năm sản xuất theo quy định của Nhà nước.
“Về hồ sơ của ụ nổi này, khi đó tôi có giao cho Chánh văn phòng đọc kỹ hồ sơ và đánh dấu những chỗ còn chưa ổn. Sau đó, Chánh Văn phòng có đánh dấu vào một số chỗ và tôi đã đem các vấn đề đó ra trước cuộc họp để hỏi”, bị cáo Dương Chí Dũng khai.
Bị cáo Dương Chí Dũng nói rành mạch: “Tôi chân thành nói rằng, thực sự chúng tôi không nghĩ nói là tàu nên mới không quan tâm đến tuổi”.
Khi được hỏi lý do tại sao bị cáo và các thành viên của HĐQT khi đó không quyết định đóng ụ mới mà lại mua ụ nổi cũ, bị cáo Dũng cho biết: Nếu đóng ụ mới thì chi phí sẽ gấp 4 lần ụ cũ và phải mất thời gian khoảng 2-3 năm. Trong khi đó, nếu mua ụ cũ rồi sửa mới thì có thể dùng được ngay và 3 năm sau sẽ cho lãi nên quyết định mua ụ nổi cũ”.
Theo bị cáo này, việc mua ụ nổi của Vinalines đã “qua mặt” được nhiều cơ quan kiểm tra tài chính như Kiểm toán Nhà nước, Vụ Tài chính của Bộ GTVT. Chỉ đến năm 2010, Thanh tra Chính phủ vào cuộc và phát hiện ra có vấn đề trong thủ tục đầu tư thì vấn đề mới được đưa ra điều tra.
Nói về việc bỏ trốn của mình, bị cáo Dương Chí Dũng cho biết sau khi nhận được thông tin bị khởi tố, do bị cáo khi đó quá hoảng hốt nên đã bỏ trốn mà không nói với bất cứ ai trong gia đình và bạn bè.
“Lúc đó tôi chỉ nghĩ là đi càng xa Hà Nội càng tốt. Bây giờ bình tĩnh lại thấy việc bỏ trốn là sai lầm, dở nhất”, bị cáo Dương Chí Dũng nói. Theo lời của bị cáo trước vành móng ngựa, do còn hộ chiếu đi Mỹ nên bị cáo đã bỏ trốn sang Campuchia rồi làm thủ tục sang Mỹ.
Tuy nhiên, do Việt Nam đã phát lệnh truy nã nên bị cáo Dương Chí Dũng đã không thể vào đất Mỹ và buộc phải trở lại Campuchia. Đến ngày 4/9/2012, bị cáo Dương Chí Dũng đã bị bắt. “Tôi không chối trách nhiệm hay đổ trách nhiệm cho anh em”, bị cáo Dương Chí Dũng trả lời.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về phiên xét xử này.
Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?