Bí ẩn giếng cổ có nước tạo nên rượu ngon và rau xuất khẩu

So với các hệ thống giếng ở các vùng miền khác thì hệ thống ở giếng cổ ở Gio An…, Gio Linh có những nét độc đáo rất riêng. Đó là hệ thống giếng cổ ở đây không phải đào thẳng vào lòng đất như các hệ thống giếng ở tỉnh Quảng Nam, tỉnh Hà Tĩnh.

Cho đến bây giờ, các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được vì sao nguồn nước giếng cổ ở tỉnh Quảng Trị chẳng bao giờ cạn và nước giếng cổ dùng để pha "chế" rượu thì tuyệt ngon và trồng rau "xà lách" để "xuất ngoại" lại là một ẩn số… chưa thể khám phá được!

Hình dáng đặc biệt

Theo nhiều sử sách ghi lại, hiện tỉnh Quảng Trị có rất nhiều dạng giếng cổ, xong dạng được các nhà khoa học và người dân thường nhắc đến vẫn là dạng giếng có bể lắng và máng dẫn có tên gọi là giếng Kình, giếng Trạng… Đây là những công trình liên hoàn quy mô, xây và chế tác đá rất công phu. Mỗi hệ thống giếng có ba bậc. Bậc cao nhất là bãi hứng nước, bãi này rất rộng, có nơi hàng trăm mét vuông, xếp bằng đá cuội lớn (đá "mồ côi") rất cứng để chống "nước chảy đá mòn". Bãi hứng tập trung hứng nhiều mạch nước ngầm trong đất chảy ra cùng một lúc. Từ bãi hứng, nước chảy qua các máng bằng đá, các máng đá hình trụ bổ dọc, nằm nghiêng, được đẽo từ đá tổ ong đen.

Dạng tiếp theo là những giếng được xây dựng ít công phu hơn chỉ là những bể chứa (giếng) được đào sâu và xếp bằng "đá mồ côi" ngay cửa mạch nước trong sườn đồi trực tiếp chảy ra, nước luôn đầy và mát lạnh. Từ giếng này, nước có lối thoát phía dưới, chảy xuống các ruộng phía dưới.

So với các hệ thống giếng ở các vùng miền khác thì hệ thống ở giếng cổ ở Gio An…, Gio Linh có những nét độc đáo rất riêng. Đó là hệ thống giếng cổ ở đây không phải đào thẳng vào lòng đất như các hệ thống giếng ở tỉnh Quảng Nam, tỉnh Hà Tĩnh.. mà được khơi nguồn từ các triền dốc cao và có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Nước rất trong và không bao giờ cạn. Các loại giếng cổ ở tỉnh Quảng Trị chủ yếu có ở các làng An Nha, An Hương, Hảo Sơn, Long Sơn… thuộc xã Gio An huyện Gio Linh.

Năm 1992, Trung tâm Văn hóa Việt Nam cùng với Bảo tàng tỉnh Quảng Trị đã tìm ra nhiều loại gốm và các mảnh sành nằm ở dưới lòng giếng và bề mặt... Việc tìm ra nguyên nhân và lý giải vì sao hệ thống giếng cổ có mạch nước ngầm không bao giờ cạn, nước trong, không bị phèn và nhiệt độ nước rất thấp thì vẫn là một ẩn số…

Loại giếng cổ máng đối xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị - Ảnh: Linh Linh

Nước giếng cổ nấu ra rượu ngon và trồng rau xuất ngoại

Người dân tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là những bô lão cho rằng nước giếng cổ đem lại hơi thở cho dân làng. Đặc biệt, rượu làng Gio An là loại rượu nổi tiếng ngon, thơm... Tất cả là nhờ có nước giếng cổ. Người già các làng trên khẳng định, sau nhiều lần thử nghiệm, khi công đoạn lên men rượu, công đoạn vào nước để nấu ra rượu thì nước giếng cổ là loại nước cho ra loại rượu độc đáo nhất về độ ngon mà chưa có loại nước nào (như nước giếng thường, nước máy) có thể thay thế được.
Nhưng khi được hỏi, vì sao dùng nước giếng cổ lại nấu ra được loại rượu ngon, thì ai cũng lắc đầu vì không tìm ra được đáp án. Nhiều bậc cao niên phỏng đoán, có lẽ nguồn nước cổ trong, độ phèn thấp nên tạo ra được loại rượu thơm ngon đến thế.

Không chỉ dừng lại ở việc tạo ra loại rượu ngon, người dân các làng có giếng cổ nói, để trồng được loại xà lách song thì phải tìm đến những vùng có mạch nguồn của nước giếng cổ chảy ra để trồng. Còn nếu trông loại rau này ở các vùng khác thì chất lượng cũng như màu sắc không thể nào sánh được với loại rau trồng ở nguồn nước giếng cổ… Gần đây, theo người dân thì rau xà lách của những vùng được trồng ở nguồn nước giếng cổ đã được thương lái đóng gói đưa sang các nước như: Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia để bán…

Giếng cổ ở tỉnh Quảng Trị còn có nét văn hóa tâm linh, điều đó thể hiện ở mỗi góc giếng cổ đều có một đền thờ, dù đền thờ ấy chỉ được đặt một vài viên đá cuội theo thể hình tròn… Ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Trị khẳng định, nét độc đáo và đặc biệt của hệ thống giếng cổ ở tỉnh Quảng Trị mang một tầm vóc về chiều sâu văn hóa. "Để được công nhận là di sản của thế giới trước hết các cơ quan chức năng cần quan tâm để bảo vệ giếng cổ không bị mai một trước thời gian".

Hiện ở tỉnh Quảng Trị, hệ thống giếng cổ trên đã được Nhà nước xếp hạng là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.