Bí ẩn chuyện một doanh nhân Việt suýt bị... chôn sống
Thứ sáu, 14/06/2013 09:41

Có quá nhiều thông tin khai thác về những "thói" kỳ dị, khác người của ông, nhưng dường như vẫn chưa đủ, mỗi câu chuyện của ông là một điều mới lạ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Thái Hà Books là một doanh nhân cũng là một Phật tử

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Thái Hà Books là một doanh nhân cũng là một Phật tử

Là người đứng đầu Công ty cổ phần Sách Thái Hà (Thái Hà Books), ít ai biết rằng ông Nguyễn Mạnh Hùng từng đi lên từ con số không như lời một học trò của ông viết tặng: "From zero to hero" (tức là từ con số không đến anh hùng). Không câu nệ trước cuộc sống, ông cũng khẳng định, ông thích gì làm nấy và tính cũng hay chán nên ông luôn muốn tìm đến những cái mới hay hơn, thú vị hơn. Vị chủ tịch này khiến người ta đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.

Những câu chuyện kỳ diệu

Vị CEO này chia sẻ về những dấu ấn khó quên trong cuộc đời của ông, đặc biệt là về lần ông phải nếm trải cái lạnh thấu xương trong nhà xác. Ông kể, hồi nhỏ ông từng bị chết hụt và đã được đưa vào nhà xác. Vì quá đau lòng và thương xót trước cái chết của cậu con trai bé nhỏ, bố ông đã ghé thăm nhà xác để nhìn ông lần cuối trước khi ông được mang đi chôn cất. Nhưng khi xuống tới nhà xác, bất ngờ bố ông phát hiện ông vẫn thở, mọi nỗi đau như tan biến thay vào đó là niềm hạnh phúc đến tột cùng. "Thế là tôi được mang về nhà nuôi, vậy mới có tôi ngày hôm nay...", ông hồi tưởng lại.

Ông cũng chia sẻ về lần đi thi vào cấp 3 chuyên ngoại ngữ của Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Chính ông cũng thấy kỳ diệu vì bản thân không hề biết ngoại ngữ mà lại trúng tuyển và được gọi về Hà Nội học. Chính bố ông cũng từng nói: "Đi thi cho vui chứ mình là dân nhà quê thì làm sao mà đỗ được". Ấy thế mà, cậu bé Hùng ngày đó lại có suất vào được ngôi trường này.

Ông kể, ông cũng từng suýt bị đuổi học vì kết quả học tập quá kém. Nhưng từ một học sinh trung bình hồi lớp 8, bằng nỗ lực của mình, cậu bé Hùng lúc đó đã vươn lên để dành học sinh giỏi năm lớp 10 và đủ điểm để nhận học bổng sang Matxcova du học.

Ông Hùng kể, ông biết kiếm tiền từ năm dự bị đại học và đến khi là sinh viên năm thứ nhất, ông đã là một người khá giàu có, có tài sản lớn hơn rất nhiều so với các anh chị đã học hết 5 năm đại học. Ông khoe, cả 5 năm đại học hầu như các môn đều đạt điểm tuyệt đối. Cậu sinh viên Hùng khi đó trong mắt bạn bè là một "đại thiếu gia" vừa giỏi kiếm tiền lại vừa rất tri thức.

Đến với FPT như một nhân duyên và quyết định rút khỏi môi trường làm việc này cũng nhẹ nhàng như lúc đến, ông Hùng cho rằng, mọi quyết định của mình trong quá khứ đều đúng đắn. Trong một lần đến thăm trụ sở của FPT, nhìn thấy tấm biển "Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT - Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường" (lúc đó), đồng thời biết giám đốc là ông Trương Gia Bình, ông đã đi làm ngay sau đó để rồi mấy tháng sau mới nộp hồ sơ xin việc.

Sau 12 năm làm việc tại FPT, ông quyết định xin rút khỏi môi trường đang thăng tiến này để lập Công ty sách Thái Hà từ "âm". "Âm bởi tôi chỉ mê đọc sách, có nhiều sách chứ không có tý hiểu biết gì về xuất bản. Và đã trả khá nhiều "ngu phí" cho 2 năm học việc ban đầu", ông chia sẻ. Cũng chính vì yêu sách mà ông được mệnh danh là "tiến sĩ văn hóa đọc" bởi ông có khả năng đọc sách siêu tốc, có thể đọc một cuốn sách trong vòng một giờ và nhớ được hầu hết nội dung trong cuốn sách đó.

Có nhiều người băn khoăn, tại sao đang làm việc tại FPT, một thương hiệu lớn, có tiềm năng để phát triển sự nghiệp, ông lại đột ngột chuyển sang một lĩnh vực khác không liên quan gì đến công việc trước kia từng làm. Ông Hùng thẳng thắn: "Thứ nhất, theo kinh nghiệm của tôi, một người làm ở một vị trí không nên quá 5 năm, mà tốt nhất là 3 năm nên đổi nghề. Ở FPT tôi cũng kinh qua nhiều vị trí khác nhau. 12 năm cũng là quá nhiều! Thứ hai, mỗi giai đoạn của cuộc đời mỗi người đều có mục đích riêng. Tôi thấy các nhà lãnh đạo ở nước ngoài khi lớn tuổi, các doanh nhân khi thành công thường làm từ thiện, làm cố vấn hay đi giảng dạy. Họ "chuyển nghề" khi ngoài 50 hay ngoài 60 tuổi... còn tôi đi trước họ... ngoài 40 tuổi. Tôi đi dạy, đi nói chuyện, viết sách báo và làm xuất bản, đôi khi làm thiện nguyện. Tất cả chỉ như một trò chơi mà thôi". Ông cũng nói luôn: "Tính tôi mau chán, lập ra cái gì mới, thành công rồi là muốn chuyển giao cho lớp kế cận. Sau đó, tôi lại nghĩ ra trò mới, lạ hơn, khó hơn, thách thức hơn. Tôi như người leo núi vậy, hết đỉnh này lại muốn chinh phục đỉnh khác".

Hình ảnh về chuyến thăm Myanmar - xứ sở của xá lợi Phật - mới đây của ông Nguyễn Mạnh Hùng

Một bần nhân giản dị

Tính ông không thích phụ thuộc, không thích a dua, không thích những ai bắt chước, vì theo ông "sống mà không có cái riêng thì chán lắm". Ông kể về lần cầm đàn ngồi hát giữa phố đông. Thực ra, hôm đó, ông cùng đồng nghiệp và học trò đi phóng sinh rằm tháng giêng. Trong lúc đợi những người đến muộn và đợi một nhóm đi mua thức ăn, tôi mang đàn ra chơi và hát cho học trò nghe. "Tự nhiên tôi nghĩ, sao không phục vụ đông người. Thế là thay vì quay vào trong, tôi quay ra ngoài hát. Lại đột nhiên ngả nón xe máy ra, thử xem có ai cho tiền không. Kết quả là kiếm được 6 nghìn đồng. Quá ấn tượng! Tôi cũng thích những cái gì đó khác người và tính cũng hay ngang. Ví như, tự nhiên làm doanh nhân tôi lại quyết định xuất gia làm nhà sư sống đích thực với các nhà sư. Lần đầu vào năm 2010 với sư thầy Tenjanya bên Myanma, lần thứ hai lại tại đất Phật Ấn Độ và Nepal. Hay chuyện tôi quyết định nhất bộ nhất bái quanh Bồ Đề Đại Tràng (nơi Phật thành đạo) và Lâm Tỳ Ni (nơi Đức Phật sinh ra). Hay chuyện đeo bình bát, chân đi đất khất thực (thực chất là ăn xin)".

Khi nhận xét về mình, ông cho rằng, ông là một bần nhân, tức là một người nghèo và sống thiếu dục tri túc. "Mình nghèo theo nghĩa là không cần nhiều tiền nhưng lại rất giàu về tình cảm, kinh nghiệm, tình yêu thương, sách, sự sẻ chia... Mình là người cho đi và thích đi cho". Trong mỗi câu nói của ông không thể nào thiếu vắng "sách". Đó dường như là hơi thở, là sự sống, là nhu cầu, là con người của ông rồi. Chỉ có sách mới giải tỏa căng thẳng và xua tan mọi nguồn suy nghĩ đau đáu trong ông. Chẳng thế mà, cả phòng làm việc và ngôi nhà của ông đều tràn ngập những câu đối: "Đọc sách đi em". Nó như một lời hối thúc cũng như một lời nhắc nhở, kêu gọi mọi người hãy đọc sách, hãy trau dồi tri thức và có một văn hóa đọc văn minh nhất.

Người ta cũng không quên rằng ông là một phật tử, đã tu tập khi mới ngoài 30 tuổi. Ông đã nghiên cứu về Phật giáo khi còn là sinh viên và đạo Phật giúp ông sống thiện, sống tốt, sống có ích, biết cho đi, không những tránh tà dâm mà còn nhắc nhở mọi người sống đức hạnh, không bia rượu mà luôn nhắc mình sống tỉnh thức, không si mê.

Một ngày của ông bắt đầu từ 3 đến 5 giờ sáng, vì theo ông, "một năm cốt ở mùa xuân, một ngày cốt ở giờ dần mà ra; một nhà cốt ở thuận hòa, một người cốt ở tính ra chuyên cần". Sáng nào ông cũng ngồi thiền và tụng kinh niệm Phật. Đó cũng là cách thư giãn, giải trí của ông mỗi khi căng thẳng hay gặp khó khăn trong công việc. "Còn hơi thở là tôi vẫn đọc sách, vẫn thiền, mãi là phật tử", ông khẳng định.

Có những điều tưởng chừng là lập dị nhưng với người trong cuộc đó lại là điều vô cùng bình thường. Chỉ vì cá tính, không thích giống người khác, không thích phụ thuộc, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã cho mọi người cái nhìn khác về một doanh nhân - một CEO có cái tâm với nhân viên, tâm với nghiệp, tâm với đời.

Kienthuc.net.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: Thái Hà Books , Nguyễn Mạnh Hùng , Doanh nhân Việt , Đại gia , Người giàu