“Báu vật” từ đại ngàn

Những bậc cao tuổi vẫn thường truyền tai nhau câu “rừng tan thì làng mạt” để răn dạy con cháu về sự tồn tại của ngôi làng mình trước phong ba bão táp. Vì thế, ai ai cũng ra sức giữ rừng.

Trải qua hàng trăm năm biến thiên, thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh và sự mưu sinh của con người…, khu rừng tự nhiên Đông Dương trên vùng cát ở xã Hải Dương, huyện Hải Lăng - Quảng Trị vẫn được gìn giữ gần như nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quý và chim muông đặc hữu.

Hương ước giữ rừng

Ông Trần Xuân Tình, Trưởng Ban Điều hành Làng Văn hóa Đông Dương, cho biết khu rừng trên vùng rú cát Đông Dương có diện tích khoảng 80 ha, trong đó có khoảng trên 12 ha rừng tự nhiên. Trong khu rừng tự nhiên này có sự hiện diện của nhiều loại cây quý và muông thú đặc thù vùng cát.

“Theo lời ông nội tôi kể lại,  khu rừng này có từ trước ngày làng được khai khẩn, tức hơn 500 năm. Ngày nay, dân làng Đông Dương ai cũng xem khu rừng này là báu vật chung và cùng góp sức bảo vệ. Sở dĩ khu rừng vẫn còn nguyên vẹn như vậy là vì việc giữ rừng đã có hương ước và có cả đội bảo vệ hẳn hoi. Đội giữ rừng này còn gọi là xâu rú” - ông Tình tiết lộ.

Theo bản hương ước này, nếu con cháu của gia đình nào vi phạm chặt cây rừng hoặc săn bắn thú sẽ bị phạt. Cụ thể, người lớn tuổi trong gia đình đó phải làm mâm cau trầu, rượu ra trước đình làng tạ tội.

Cây lộc vừng 100 năm tuổi rất quý hiếm ở rừng Đông Dương

Nếu hành vi nặng sẽ bị nêu tên cho cả làng biết trên loa phóng thanh. “Ở Đông Dương, người dân rất kiêng kỵ mỗi khi bị triệu tập ra trước sân đình, vì thế việc xâm phạm rừng là điều hiếm khi xảy ra. Phạt tiền hay thóc thì người ta sẽ nộp rồi cũng dễ tái phạm nhưng phạt ra tạ tội trước làng thì người ta sẽ nhớ mãi” - ông Phan Văn Quang, Chủ nhiệm HTX Đông Dương, nhìn nhận.

Cụ Phan Hoàng, 85 tuổi, một bậc cao tuổi ở làng Đông Dương, khẳng định: “Luật giữ rừng của làng là vậy, bất cứ ai vi phạm đều bị xử phạt, nhắc nhở nghiêm khắc. Ngay như tôi, sống đến chừng này tuổi rồi mà chưa bao giờ dám động vào một cây rừng nào nếu không được phép”.

Nằm xen kẽ giữa khu rừng có 2 đầm nước lớn. Đó là Đầm Lớn có diện tích mặt nước trên 6 ha và Đầm Nước rộng 11 ha. Hai đầm này quanh năm đầy nước, trong đó, Đầm Nước kéo dài đến tận tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nguồn nước cung cấp cho Đầm Nước là nước mạch rỉ ra từ lòng đất. Nước từ đầm này tạo thành một con khe chảy xuyên qua khu rừng về tận làng, dẫn ra tưới mát đồng ruộng.

Nguồn nước mạch rỉ ra từ lòng đất tích tụ thành Đầm Nước, theo một con khe chảy xuyên qua rừng về tận làng…
Chính vì bảo đảm được độ ẩm quanh năm nên khu rừng Đông Dương rất phát triển và bảo tồn được nhiều loại cây gỗ quý, như: rõi (thuộc họ gỗ lim), đa cổ thụ, trầm ná (cùng họ gỗ chuồn), trâm bầu, trâm vang, mít nài, la lã, song mã, sân, si, cừa, lộc vừng... Những cây này có đường kính phổ biến từ 30 cm đến 1,5 m, có độ tuổi hàng trăm năm.

Ngoài các loại cây gỗ lớn, khu rừng Đông Dương còn tồn tại được nhiều loài chim thú đặc hữu vùng cát, như: dông, tắc kè, thỏ, chồn, sóc, rắn các loại, gà đa, bìm bịp, cò, vạc... Trong đó, đặc biệt quý hiếm có thể kể đến là loài chim ông lão (lúc đậu có hình dạng như ông lão mang tơi đang ngồi) có trọng lượng đến 50 kg, thường được người dân bắt gặp ở các đầm nước tại khu rừng.

“Rừng tan thì làng mạt”

Những bậc cao tuổi ở làng Đông Dương vẫn thường truyền tai nhau câu “rừng tan thì làng mạt” để răn dạy con cháu về sự tồn tại của ngôi làng mình trước phong ba bão táp. Câu này được những người dân làng Đông Dương trải nghiệm suốt cuộc đời và đúc kết qua nhiều thế hệ. “Vị trí của làng nằm ngay rú cát, mở mắt đã thấy cát trắng phau. Nếu không giữ được khu rừng tự nhiên thì có lẽ làng Đông Dương đã chẳng còn tồn tại và phát triển như bây giờ” - ông Phan Vàng, 78 tuổi, từng là du kích hoạt động tại địa phương, nhận xét.

Ông Vàng kể trong chiến tranh, khu rừng Đông Dương đã từng che chở cho cả tiểu đoàn bộ đội chủ lực và rất nhiều du kích địa phương. Khu rừng này có điểm cao 19 là nơi Mỹ - ngụy từng đóng quân để kiểm soát cả vùng đồng bằng huyện Hải Lăng.

Khu rừng cát này có rất nhiều cổ thụ cao lớn

Trong ký ức của một người cao tuổi khác, cụ Phan Bích, những trận bão cát ngày xưa rất khủng khiếp, còn hơn cả giặc giã. Cụ Bích cho biết đã từng chứng kiến nhiều ngôi làng bị vùi lấp dấu tích bởi nạn cát bay, cát nhảy nhưng ngôi làng Đông Dương vẫn trụ vững. Làng Đông Dương lại nằm giáp ngay khu vực rừng trên cát. “Nếu khu rừng này mà bị tàn phá thì làng Đông Dương đã biến mất. Bởi vậy, dân có giữ được rừng thì rừng mới giữ được làng. Khu rừng này cũng giống như điểm tựa đầu của ngôi làng Đông Dương vậy” - nhiều bậc cao tuổi ở làng Đông Dương chiêm nghiệm.

Một loại cây có công dụng chữa bệnh trong khu rừng cát Đông Dương

Hầu hết người dân Đông Dương đều chấp hành rất nghiêm việc bảo vệ rừng. “Tuy nhiên, không vì thế mà rừng yên ổn. Cách đây mấy năm, khi các loại cây cảnh như lộc vừng, đa, sanh... đang “sốt” giá thì những kẻ gian bên ngoài đã kéo đến trộm cây rừng. Chúng tôi phải huy động dân làng túc trực, cảnh giác 24/24 giờ ” - ông Phan Văn Quang nhớ lại.

Hằng năm, thôn Đông Dương đều bầu ra một ban bảo vệ rừng với 5 thành viên thường trực. Những người này có nhiệm vụ chuyên tuần tra, phát hiện và xử lý các trường hợp xâm phạm rừng. “Tuy nhiên, nếu không có sự đồng lòng của toàn dân làng thì khó mà giữ được rừng một cách vẹn nguyên. Khi sự đoàn kết, ý thức và niềm tự hào của người dân càng cao thì khu rừng sẽ còn mãi trường tồn” - ông Phan Anh Tài, Trưởng Ban Bảo vệ rừng Đông Dương, đúc kết.