Những người không có vé vào sân cũng tụ về đây. Trong đó có người lao công già còn khoác trên mình chiếc áo phản quang đặc trưng.
Ông không uống cà phê, cũng chẳng có ghế ngồi, chỉ thập thò đứng ngoài cửa kính nhìn vào theo dõi trận đấu qua chiếc tivi nhỏ treo ở tường quán. Thỉnh thoảng ông lại thò đầu nhìn qua tấm bảng quảng cáo những ổ bánh mì trông bắt mắt ở cửa ra vào. Tôi ngại ngùng mời ông một tách cà phê nhưng ông từ chối. Ông chỉ xin một điếu thuốc rồi tiếp tục theo dõi trận đấu. Những nếp nhăn khắc khổ hằn trên khuôn mặt của ông như càng đậm hơn khi Thụy Điển dẫn 1-0 ở đầu hiệp hai...
Ông Andrey xem ké trận đấu ngoài cửa kính (Ảnh: Thế Anh)
Không muốn làm phiền ông trong những phút hiếm hoi này, tôi chỉ tranh thủ trò chuyện với ông trong thời gian nghỉ giữa hiệp. Ông không cởi mở lắm khi biết tôi là nhà báo. Ông chỉ nói tên mình là Andrey và là một cựu chiến binh trong Thế chiến thứ hai. Sau chiến tranh, ông về lại quê hương Ukraine làm việc trong một nhà máy công nghiệp nặng.
Thời thế thay đổi, xí nghiệp bị giải thể, ông xin về làm lao công ở khu vực sân Olympic cho đến nay... Ông nói: “Tuy công việc không phải sang trọng nhưng tôi cũng cảm thấy rất vui khi góp thêm phần sạch đẹp cho thủ đô trong ngày hội bóng đá”.
Ông kể khi sân vận động bắt đầu bán vé Euro, ông dành dụm tiền để mua tấm vé hạng bét cho riêng mình. Nhưng những ngày gần đây, khi vé chợ đen lên đến 150 USD/vé, ông đã bán nó đi để bù vào khoản tiền lương chỉ trên dưới 300 USD/tháng của mình. Khi hỏi cảm xúc của ông với Euro 2012 được tổ chức tại Ukraine, ông chia sẻ: “Tất nhiên chúng tôi rất vui. Nhưng điều sợ nhất của những lao động nghèo như chúng tôi là giá cả ở thủ đô sẽ nhảy vọt và chẳng bao giờ xuống sau Euro 2012”.
Khi trận đấu vừa kết thúc, ông Andrey chỉ nhoẻn cười rồi vội vã trở lại với công việc của mình. Có lẽ với những người nghèo như ông, bánh mì vẫn là điều quan trọng hơn bóng đá! Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến câu nói của một giảng viên ở Trường đại hoc Kinh tế quốc dân Ukraine: “Euro 2012 sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho người giàu và giới thượng lưu, còn người nghèo ở Ukraine dường như bị gạt ra khỏi cuộc chơi...”. Có lẽ đó cũng là triết lý ngầm của kinh tế bóng đá.
Trái bóng tròn có thể lăn mọi nơi nhưng luật chơi của nó chỉ gói gọn trên mảnh sân hình chữ nhật, nơi ấy không có những người lao công nghèo như Andrey...