90% tội phạm ở Sài Gòn nghiện ma túy
Thứ năm, 10/03/2016 15:44

Theo một trinh sát hình sự đặc nhiệm, có đến 90% tội phạm cướp, cướp giật ở TP HCM nghiện ma túy.

Theo một trinh sát hình sự đặc nhiệm, có đến 90% tội phạm cướp, cướp giật ở TP HCM nghiện ma túy. Mỗi lần phạm tội, chúng rất liều lĩnh, thường gây thương tích nặng cho nạn nhân.

Hầu như ngày nào người dân TP HCM cũng phải đối diện và ám ảnh với những cảnh cướp giật trên phố. Nhiều nghi can sẵn sàng rút dao chống trả khi bị truy đuổi, có người đã tử vong dưới nhát dao của tội phạm. 

Phê ma túy rồi đi cướp

Từng là nạn nhân của vụ cướp giật, chị Thanh Huyền (ở quận Bình Thạnh) cho biết, vào buổi tối cuối tuần cách đây một tháng, chị cùng bạn chạy xe máy trên đường Đinh Tiên Hoàng (phường 3), bất ngờ bị 2 thanh niên đi cùng chiều giật mạnh dây chuyền đang đeo trên rồi vù ga bỏ chạy.

Cú giật mạnh khiến Huyền và bạn ngã xuống đường, bị thương nặng ở tay chân, còn trên cổ có vết xước rất sâu. "Đến bây giờ mỗi khi ra đường, thấy xe nào chạy áp sát là tôi rùng mình, sợ hãi", nạn nhân này kể.

Trong quá trình phá án, thiếu tá Lê Minh Huy - Phó đội trưởng đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận Bình Thạnh và đồng nghiệp không ít lần đối mặt với những băng cướp nghiện ma túy.

Theo thiếu tá Huy, có những băng cướp có các thành viên tuổi đời còn rất nhỏ (chỉ từ 16 đến 22 tuổi) bỏ nhà đi, tụ tập ăn chơi. Trước mỗi lần gây án, các thành viên thường tụ tập dùng ma túy đá. "Khi có hưng phấn trong người, các thanh thiếu niên này càng liều lĩnh, khi lên xe là chạy bạt mạng với tốc độ có thể 90-120 km/h trên đường phố đông đúc", thiếu tá Huy kể.

90% tội phạm ở Sài Gòn nghiện ma túy

Theo anh Huy, "con mồi" mà cướp nhắm đến là phụ nữ hay đeo giỏ xách. Nhiều người đang chạy xe bất ngờ bị giật túi xách, ngã xuống đường rồi bị kéo lê. Các phương tiện phía sau không xử lý kịp cán qua nạn nhân, ảnh hưởng đến tính mạng.

Cách đây một năm, Đội 3 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP HCM đã triệt phá băng cướp 9 tên nghiện hàng đá sống bầy đàn.

Phòng tham mưu Công an TP HCM thông tin, thống kê trong 4 ngày gần đây, trên địa bàn xảy ra 43 vụ phạm pháp hình sự. Sau khi ra quân, các lực lượng phối hợp bắt quả tang và truy xét 11 nghi can cướp giật và trộm cắp tài sản, 7 người mua bán và tàng trữ trái phép chất ma túy, 5 thanh niên gây rối trật tự công cộng và tàng trữ hung khí, 7 người đánh bạc. Tổng cộng, cảnh sát khám phá được 30 vụ, bắt 29 nghi can.

Theo dõi mọi di biến động, trinh sát nhận thấy hàng đêm nhóm này tụ tập chơi bời, đập đá trong các quán bar, karaoke tới 2-3h sáng rồi ra đường. Khi gặp "mồi" ngon, nhóm này ra tay cướp rồi tẩu thoát với tốc độ cao. "Sau đó, các thanh niên mang tài sản đi tiêu thụ rồi mua ma túy, kéo nhau về phòng trọ hút chích rồi quan hệ nam nữ bầy đàn", trinh sát đặc nhiệm kể.Theo các trinh sát hình sự đặc nhiệm, đây là băng cướp giật chuyên nghiệp ở các quận nội thành TP HCM. Các thành viên trong nhóm đều còn trẻ, người lớn nhất là 22 tuổi và nhỏ nhất mới 18, đều có tiền án tiền sự về tội cướp giật. "Sau khi mãn hạn tù, các thanh niên này quay lại sống bằng nghề cũ. Sáng vừa được đặc xá chiều chúng đã đi cướp", một trinh sát cho hay.

Để tránh gây tai nạn cho người đi đường, ban chuyên án chọn thời điểm cả băng cướp đang phê thuốc trong phòng trọ thì ập vào bắt giữ. "Khi bị bắt giữ, nhóm này chống trả quyết liệt, khiến cảnh sát phải vất vả trấn áp. 7 giờ sau, các nghi can hết phê ma túy, công an mới lấy được lời khai", trinh sát cho biết.

Ra tù buổi sáng, buổi chiều phạm tội

Theo báo cáo của Công an TP HCM trong năm 2015 trên địa bàn đã xảy ra hơn 1.000 vụ cướp. Cảnh sát đã khám phá được hơn 700 vụ, bắt 1.030 nghi phạm.

Trung tướng Lê Đông Phong - Giám đốc Công an TP HCM, cho biết tội phạm về ma túy trên địa bàn đang có dấu hiệu gia tăng. Hiệu quả của công tác đưa người nghiện vào cơ sở cai bắt buộc chưa cao, do vướng về thủ tục và phân công trách nhiệm trong quản lý giáo dục, theo dõi giám sát. Đó cũng là nguyên nhân phát sinh tội phạm.

90% tội phạm ở Sài Gòn nghiện ma túy

Báo cáo mới nhất của Sở LĐ&TBXH cho thấy, số người nghiện ma túy ở TP ngày càng có xu hướng trẻ hóa, lứa tuổi trung bình là 12-18. Đặc điểm chung của người nghiện là không có việc làm, khi lên cơn họ thường đi trộm cướp, trở thành chân rết buôn bán ma túy, thậm chí giết người.

"Để có tiền mua ma túy, mỗi lần phạm tội chúng đều ra tay rất mạnh gây thương tích cho nạn nhân. Có người mới được đặc xá buổi sáng, buổi chiều về đã đi cướp", đại diện Sở này cho biết.

Cũng theo Sở LĐ-TB&XH, số người nghiện nhập cư từ các tỉnh đến TP HCM ngày càng đông, kéo theo nhiều hệ lụy. Nhiều thanh niên trốn trại, có tiền án, tiền sự ẩn nấp, buôn bán và sử dụng ma túy làm gia tăng tội phạm tại TP.

Trong 5 năm (2010 - 2014), số người nghiện tại TP tăng bình quân là 17,5%/năm, có xu hướng trẻ hóa và sử dụng nhiều loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp.

Theo đại diện Sở, năm 2012, Luật xử lý vi phạm hành chính đã có hiệu lực với những quy định mới về xử lý, quản lý người nghiện ma túy. Chính phủ và các Bộ ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn.

"Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện rườm rà, phức tạp. Nhiều quy định không phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác xử lý", ông Trần Ngọc Du - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM cho biết.

Nhận biết kẻ cướp giật như thế nào?

Theo "hiệp sĩ" Lâm Hiếu Long, những đối tượng cướp giật thường đi xe độ, thay đổi kết cấu, mặc áo dài tay và bịt kín mặt, khi di chuyển hay ngó ngang dọc. Những người này thường nhìn vào phụ nữ để quan sát "con mồi" có đeo nữ trang hay điện thoại, giỏ xách trên người hay không. Nếu phát hiện nạn nhân có mang theo tài sản, các đối tượng cướp giật sẽ đứng quan sát xem có ai đi theo rồi ra tay chớp nhoáng. Những kẻ cướp giật chuyên nghiệp thường đi 2 xe máy để hỗ trợ nhau.

Hiện có thêm một dạng cướp mới là đi xe SH để ngụy trang, tránh sự đề phòng của người dân cũng như công an. Bên cạnh đó, một loại tội phạm nguy hiểm không kém là dàn cảnh cướp tài sản. Nhóm này thường tập trung 8-10 người, cả trai lẫn gái đi trên đường cười đùa, khiến nhiều người không đề phòng. Khi khi phát hiện "con mồi", một người được phân công chạy lên va quẹt hoặc đạp xe cho nạn nhân té ngã. Sau đó, nhóm đi phía sau giả vờ đỡ nạn nhân dậy rồi lợi dụng sơ hở cướp xe bỏ chạy.

Còn "hiệp sĩ" Minh Tiến cho hay, việc nhận dạng được đối tượng cướp là cực kỳ khó, chúng ngụy trang rất giỏi, chỉ có những người trong nghề công an hay "hiệp sĩ" mới có khả năng nhận diện chính xác. Theo anh, hiện nay cướp được chia thành 2 loại: thứ nhất là chạy xe máy trên khắp các tuyến đường, phát hiện "con mồi" thì ra tay cướp giật; thứ hai là ngồi một chỗ tại các quán nước, trước trụ ATM, khi thấy nạn nhân rút tiền bước ra thì chúng sẽ bám theo, đợi thời cơ thích hợp ra tay.

Việc nhận diện tội phạm là rất khó, tuy nhiên theo anh Tiến, người dân cần lưu ý một số điểm sau: Luôn nhìn gương chiếu hậu xem có ai dõi theo mình qua nhiều tuyến phố hay không; khi dừng đèn đỏ chú ý xem có ai hay nhìn về phía mình; khi vừa ra khỏi trụ ATM hay vừa rút điện thoại trong bóp mà có người bên cạnh đứng dậy hoặc có hành động khả nghi thì phải đề phòng ngay.

Zing.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!

Tag: Tội phạm , tội phạm Sài Gòn , tội phạm 90% nghiện ma túy