400 năm tranh cãi nguồn gốc hòn đá nổi được cả làng thờ cúng
Thứ ba, 15/04/2014 14:30

Từng có nhiều thanh niên lấy địa điểm này “chén anh chén chú”, tuy nhiên nhậu xong có những lần đêm về không ngủ được, đầu óc cứ lơ mơ, trong lòng như có lửa cháy.

Hòn đá 400 năm người dân tranh cãi nguồn gốc

Hòn đá 400 năm người dân tranh cãi nguồn gốc

Rồi nhiều lần đang nhậu vui vẻ, các bợm nhậu tự nhiên lại gây gổ đánh nhau vỡ đầu. Có lần, năm “bợm nhậu” sau khi uống rượu ở khu vực này, về nhà đồng loạt đập đầu vào tường như muốn tự tử. “Giờ có cho thêm tiền bọn tôi cũng không dám tới đó nhậu nữa”, một thanh niên nói.

Nằm ngay bên đình làng An Thành (thuộc xóm Đình, thôn An Thành, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) có một hòn đá cả trăm năm tuổi được người dân thờ cúng, cắt cử trông coi một cách cẩn thận. Vì sao? Người làng cho rằng cơ duyên phát hiện “linh vật” rất lạ lùng: Hòn đá đang nổi và trôi rất nhanh trên mặt nước của sông Bồ, ngang đoạn trước đình làng An Thành thì bỗng nhiên trôi chậm lại, rồi dựng đứng hẳn lên. Cả làng hì hục khuân hòn đá mang về thờ cúng.

Dòng chữ bí ẩn trên hòn đá lạ

Hòn đá được dựng đứng này nằm cách một nhánh của sông Bồ chỉ chưa đầy hai mét và nằm một bên tả của đình làng. Nhìn bên ngoài, đó chỉ là một hòn đá tự nhiên như những hòn đá khác, màu đá pha với màu rong rêu thời gian thành màu xanh đen.

Địa điểm thờ này cũng đã thay đổi một lần. Trước đây đá nằm sát mép sông, nhưng do mỗi năm mưa lụt, bờ sông lại bị sạt lở thêm một ít, thế nên mọi người mới di chuyển vào chỗ bây giờ. Trước đây người ta chôn đá xuống nền đất, ba năm trước người làng góp tiền mua xi măng xây dựng nơi thờ đá. Khu vực thờ được đúc nền hình vuông mỗi cạnh 1,5 mét, đá được chôn xuống phía dưới 0,4 mét. Quan sát hòn đá thấy phía dưới to, phía trên nhỏ dần như một hình thang cân; chiều cao 1,1 mét, đáy lớn 0,7 mét, đáy nhỏ 0,5 mét. Toàn bộ khối đá ước tính nặng gần 400kg.

Điểm lạ trước tiên ở hòn đá, đó là có những chữ không rõ “thiên tạo” hay nhân tạo, in theo chiều dọc ở chính giữa hòn đá, các cao niên thấy giống ba chữ “thạch cảm đương”. Một cụ già giải nghĩa: “Thạch là đá, cảm là dám gánh vác trách nhiệm, đương là bảo vệ và che chở. Hiểu nôm na, đây là hòn đá để trấn yểm ở đình làng, là thần được suy tôn để trừ yêu tà; lùa gió, phòng chống nước lên, tạo phúc cho dân làng chúng tôi”.

Ở làng An Thành tồn tại khá nhiều truyền thuyết về sự ra đời của phiến đá. Tuy nhiên đa phần các giai thoại đều có một điểm chung, phiến đá trên xuất hiện trên một nhánh của sông Bồ nằm trước đình làng. Truyền thuyết cho rằng hàng trăm năm năm trước, một ngày nhiều người dân trong làng đang cấy lúa, hòn đá trên bỗng nhiên nổi trên mặt nước, rồi dựng đứng lên trước mặt dân làng. Rồi trời nổi gió lớn, đá trôi nhanh, khi đến đình làng An Thành bây giờ mới dạt vào bờ, không trôi nữa. Mọi người quỳ xuống xin đem “ngài” vào trong để thờ, khi đó trời mới ngừng gió.

Truyền thuyết khác thì kể lại, có một nhóm thanh niên đang đi câu cá, bất ngờ gặp một hòn đá to cản đường đi. Nhóm thanh niên khiêng hòn đá thả xuống sông. Tất cả đều ngạc nhiên vì hòn đá đó không nặng, mà nổi bồng bềnh trên mặt nước. Nhóm trai làng sợ quá, vứt cần câu chạy về. Mọi người kéo nhau tới xem, hòn đá đã biến mất. Phải thắp nhang khấn nguyện “Nếu ngài có thiêng thì xuất hiện để chúng con xin được thờ ngài”, hòn đá mới nổi lên.

Bà Đỗ Thị Riềng (63 tuổi) thì nghe ông nội kể lại, hồi đó người khai canh của làng là người có sức khỏe phi thường. Ông một mình bưng ba hòn đá đi các nơi khác nhau, tự ra điều kiện nếu đi ngang đâu mà hết sức thì thả hòn đá xuống, và đó là mốc ranh giới của làng mình. Hòn đá dựng đứng này, ông bưng đến khúc sông thì biết không thể bưng thêm nữa vì hết đường đi, nên ông thả xuống. Ai ngờ vừa thả xuống đất thì hòn đá kia lại “như có chân” trôi ngay xuống sông, nổi bồng bềnh. Thấy lạ, cả làng vớt đá lên sì sụp khấn vái.

Giai thoại thứ tư, đó là một thời gian làng thường xuyên bị hỏa hoạn cháy nhà. Một ngày người ta bất ngờ thấy một cục lửa đang cháy sáng nổi trên khúc sông, rồi khi trôi vào tới bờ thì biến thành hòn đá. Dân làng thờ “ngài đá”, làng trở lại thanh bình, hết cháy nhà, mọi người làm ăn phát đạt , đặc biệt có rất nhiều con em trong làng làm quan ở triều đình.

Làng An Thành theo sử sách được thành lập năm 1558. Vậy hòn đá trên được người dân làng đưa lên thờ từ bao giờ? Những người cao tuổi nhất làng cho rằng “ông nội chúng tôi cũng kể khi sinh ra đã thấy hòn đá rồi”, nên người ta cho rằng đá cũng xuất hiện từ khi lập làng, vậy là đã 400 năm có lẻ.

Hòn đá ghét bợm nhậu

Những năm tháng chiến tranh ác liệt, khu vực này là nơi đóng quân của địch. Khu vực xung quanh đều bị pháo đạn dội tan hoang, duy có hòn đá không hề hấn gì. Đình làng An Thành cũng không bị phá hại, người ta cho rằng sự may mắn tình cờ này do hòn đá “trấn yểm”.

Khu vực đặt hòn đá gần sông, cây cối lại nhiều nên rất im mát. Từng có nhiều thanh niên lấy địa điểm này “chén anh chén chú”, tuy nhiên nhậu xong có những lần đêm về không ngủ được, đầu óc cứ lơ mơ, trong lòng như có lửa cháy. Rồi nhiều lần đang nhậu vui vẻ, các bợm nhậu tự nhiên lại gây gổ đánh nhau vỡ đầu. Có lần, năm “bợm nhậu” sau khi uống rượu ở khu vực này, về nhà đồng loạt đập đầu vào tường như muốn tự tử. “Giờ có cho thêm tiền bọn tôi cũng không dám tới đó nhậu nữa”, một thanh niên nói.

Ông Đỗ Ngọc Ninh, trưởng làng An Thành cho biết: “Làng chúng tôi rất trân trọng và giữ gìn “ngài đá dựng”. Hàng năm chúng tôi đều cử người để lo nhang khói vào những ngày sóc vọng, đồng thời cũng vệ sinh quét tước để “ngài” luôn được sạch sẽ. Mỗi dịp giỗ ngài khai canh, lễ tảo mộ, đặc biệt là lễ thu tế vào tháng bảy, làng đều có mâm cỗ cúng đá. Trong đình có cúng bò, gà, xôi chuối; thì ngoài “ngài đá” cũng tương tự”. Thậm chí người ta còn ưu ái hơn khi trong mâm cỗ cúng đá, còn có thêm hai món không thể thiếu là đường cục và gừng.

Sự thật thì hòn đá này từ đâu tới, có “linh thiêng” hay không? Ông Lê Quang Hai (52 tuổi), Trưởng ban công tác mặt trận thôn An Thành cho biết: “Hòn đá nổi là di tích của làng, xung quanh hòn đá này có rất nhiều câu chuyện mang màu sắc thần thánh liêu trai. Những câu chuyện này chỉ là truyền thuyết, chưa hề được xác thực hay kiểm chứng. Dân làng vẫn duy trì tục thờ cúng đối với hòn đá trên với lòng kính trọng truyền thuyết, lịch sử; nhưng thôn tuyệt đối không chấp nhận chuyện mê tín dị đoan”.

Trở lại chuyện hòn đá có nổi thật không? Bao nhiêu năm nay người ta vẫn “tức anh ách” khi vẫn không rõ hòn đá trên có thể “nổi lên mặt nước”? Chỉ có điều ai cũng sợ, không dám đem hòn đá ra làm thí nghiệm. Vậy là câu hỏi này vẫn chưa có câu trả lời. Nhưng kể cũng lạ, hiếm có ngôi làng nào lại dựng hòn đá rồi sì sụp thờ cúng như ở làng An Thành.

Mười Hai (Pháp luật và thời đại) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: hon da , chuyen la , nguon goc hon da , hon da la , hon da thieng , tin , bao